Các loại báo cáo tài chính trong doanh nghiệp
Báo cáo tài chính (BCTC) là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Báo cáo tài chính là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật kế toán năm 2015, Báo cáo tài chính (BCTC) là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
BCTC áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
Ý nghĩa của báo cáo tài chính là gì?
BCTC có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý doanh nghiệp cũng như đối với các cơ quan chủ quản và các đối tượng quan tâm. Điều đó, được thể hiện ở những vấn đề sau đây:
– BCTC là những báo cáo được trình bày hết sức tổng quát, phản ánh một cách tổng hợp nhất về tình hình tài sản, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản, tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp.
– BCTC cung cấp những thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu để đánh giá tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp trong kỳ hoạt động đã qua, giúp cho việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn và khả năng huy động nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– BCTC là căn cứ quan trọng trong việc phân tích, nghiên cứu, phát hiện những khả năng tiềm tàng và là căn cứ quan trọng đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.
– BCTC còn là những căn cứ quan trọng để xây dựng các kế hoạch kinh tế – kỹ thuật, tài chính của doanh nghiệp là những căn cứ khoa học để đề ra hệ thống các biện pháp xác thực nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Các loại báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 100 Thông tư 200/2014/TT-BTC, hệ thống BCTC trong doanh nghiệp gồm Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tài chính giữa niên độ.
Báo cáo tài chính hàng năm
Hàng năm, doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính theo mẫu cụ thể quy định trong luật và phải lập theo dạng đầy đủ. Theo quy định tại Điều 100 Thông tư 200/2014/TT-BTC, báo cáo hành chính hàng năm bao gồm:
Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B 01 – DN);
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B 02 – DN);
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B 03 – DN);
Bản thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số B 04 – DN ban hành kèm Thông tư 200/2014/TT-BTC);
Báo cáo tài chính hàng năm có thể được tính theo năm dương lịch hoặc kỳ kế toán hàng năm là 12 tháng tròn sau khi thông báo cho cơ quan thuế. Doanh nghiệp được phép thay đổi kỳ kế toán năm tuy nhiên khi thay đổi doanh nghiệp cần phải lập riêng báo cáo tài chính cho giai đoạn giữa hai kỳ kế toán của năm tài chính cũ và năm tài chính mới.
Bên cạnh BCTC năm, doanh nghiệp còn nộp Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu 05/QTT-TNCN (nếu trong năm không phải trả lương cho bất kỳ nhân viên nào, thì không phải nộp); Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu 03/TNDN.
Trong tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ kèm theo một số phụ lục (tùy theo phát sinh thực tế tại doanh nghiệp), ví dụ như: Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (theo mẫu số 03-1A/TNDN, mẫu số 03-1B/TNDN, mẫu số 03-1C/TNDN), phụ lục chuyển lỗ (theo mẫu số 03-2/TNDN), các phụ lục về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, phụ lục thông tin về giao dịch liên kết nếu có (theo mẫu 03-7/TNDN).
Báo cáo tài chính giữa niên độ
Báo cáo tài chính giữa niên độ được hiểu là báo cáo tài chính cho bốn quý của năm tài chính (trong đó quý bốn là quý cuối cùng trong năm) và báo cáo tài chính bán niên. Đối với báo cáo tài chính giữa niên độ thì được lập theo mẫu cụ thể pháp luật quy định, có thể lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với BCTC giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhà nước và công ty niêm yết, bắt buộc phải lập BCTC giữa niên độ. Đối với các loại hình doanh nghiệp khác được khuyến khích nhưng không bắt buộc phải lập BCTC giữa niên độ.
Theo Điều 100 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì báo cáo tài chính niên độ dạng đầy đủ gồm:
– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ (Mẫu số B 01a – DN);
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ (Mẫu số B 02a – DN);
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (Mẫu số B 03a – DN);
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc (Mẫu số B 09a – DN);
Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:
– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ (Mẫu số B 01b – DN);
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ (Mẫu số B 02b – DN);
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (Mẫu số B 03b – DN);
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc (Mẫu số B 09a – DN kèm theo Thông tư 200/2014/TT-BTC);
Báo cáo tài chính hợp nhất
Đối với mô hình nhóm công ty, công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 197 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:
“Vào thời điểm kết thúc năm tài chính, ngoài báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty mẹ còn phải lập các báo cáo sau đây:
a) Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ theo quy định của pháp luật về kế toán;
b) Báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hằng năm của công ty mẹ và công ty con;
c) Báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ và công ty con.”
Tuy nhiên các doanh nghiệp trong mô hình nhóm công ty không phải là công ty mẹ thì không phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo pháp luật về kế toán
Đối với công ty con
Theo quy định tại khoản 1 Điều 195 Luật doanh nghiệp 2020 thì:
“Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.”
Theo quy định của pháp luật về kế toán, công ty con được hiểu là công ty chịu sự kiểm soát bới công ty mẹ, theo đó công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp nhằm thu được các lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó, pháp luật về lĩnh vực kế toán cũng có quy định cụ thể để đưa ra các ví dụ trường hợp nào thì công ty mẹ được cho là có quyền kiểm soát đối với công ty con. Một trong các tiêu chí để xác định quyền kiểm soát là 50% quyền biểu quyết theo pháp luật kế toán. Đây chính là sự khác biệt giữa quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và pháp luật kế toán. Định nghĩa về quyền kiểm soát theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 căn cứ vào quyền sở hữu 50% vốn điều lệ, đối với pháp luật kế toán là trên 50% quyền biểu quyết nếu công ty phát hành cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết và các cổ phần ưu đãi đó vẫn được tính vào vốn điều lệ; đối với Luật doanh nghiệp 2020 thì là trên 50% tổng số cổ phần phổ thông tuy nhiên tại pháp luật về kế toán thì quy định là trên 50% quyền biểu quyết nếu công ty mua lại cổ phần của chính mình để giữ làm cổ phiếu quỹ như trong trường hợp công ty đại chúng.
Như vậy có thể thấy trên các yêu cầu về báo cáo tài chính thì có sự khác biệt giữa các quy định về công ty mẹ và công ty con ở Luật Doanh nghiệp 2020 và pháp luật về kế toán. Tuy nhiên, về nguyên tắc các quy định của pháp luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng trên thực tế cũng như Luật doanh nghiệp 2020 dẫn chiếu tới pháp luật về kế toán nên các quy định của pháp luật về kế toán sẽ được ưu tiên áp dụng và doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị báo cáo tài chính nên chủ yếu tuân thủ quy định pháp luật kế toán.
Công ty liên kết
Giống như mô hình công ty mẹ – công ty con, pháp luật về kế toán cũng yêu cầu báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ phải trình bày các khoản đầu tư của công ty mẹ vào công ty liên kết. Công ty liên kết được hiểu là công ty mà trong đó nhà đầu tư có ảnh hưởng đáng kể tuy nhiên không được coi là công ty con hay công ty liên doanh của nhà đầu tư. Vậy ảnh hưởng đáng kể được hiểu như thế nào? Ảnh hưởng đáng kể được định nghĩa là quyền tham gia của các nhà đầu tư vào việc đưa ra các quyết định về chính sách tài chính và hoạt động của công ty nhận đầu tư tuy nhiên không kiểm soát những chính sách này. Theo đó, một công ty được cho là có ảnh hưởng đáng kể đối với một công ty khác nếu nắm từ 20% trở lên quyền biểu quyết của công ty đó.
Mời bạn đọc tham khảo thêm về Tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp
Có thể bạn quan tâm về Dịch vụ thành lập công ty trọn gói
Hotline tư vấn: 0936 037 464
Email: [email protected]
Website: https://lsu.vn/
Hệ thống: Thủ tục pháp luật
Địa chỉ: Phòng 1603, Sảnh A3, Toà nhà Ecolife, 58 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
———————————-
Tư vấn đầu tư nước ngoài/ Foreign investment consultantcy
Tư vấn doanh nghiệp/ Enterprises consultantcy
Tư vấn pháp lý/ Legal consultantcy
Facebook Luật sư Việt Nam:https://www.facebook.com/lsu.vn
Công ty cổ phần giải pháp luật sư Việt Nam
Kênh thông tin luật sư & tư vấn pháp luật. Danh bạ luật sư, công ty luật, đoàn luật sư Việt nam.
Điện thoại: 0936 037 474
Email: [email protected]
- Công ty Luật TNHH Legalzone tuyển dụng vị trí: Chuyên viên Tố tụng
- Công ty luật Legalzone tuyển Nhân Viên Tư Vấn Pháp Luật Doanh nghiệp
- Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế
- Doanh nghiệp cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ những gì?
- Khả năng chịu trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong vụ bé Hạo Nam
- Dịch vụ đăng ký kiểu dáng công nghiệp trọn gói
- Hướng dẫn soạn hồ sơ và mô tả tác phẩm mỹ thuật ứng dụng
- DỊCH VỤ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TRỌN GÓI
Tìm kiếm
VD: đơn ly hôn, ly hôn đơn phương, tư vấn luật, tư vấn pháp luật, đơn khởi kiện, luật sư tư vấn…
Chọn vai trò người dùng để bắt đầu đăng ký