Tin Tức

Xử lý bệnh viện vi phạm xả thải: Khó!

Rate this post

UBND TPHCM đã có chỉ đạo quyết liệt chấm dứt tình trạng nước thải bệnh viện chưa qua xử lý mà đã xả thẳng vào cống nước thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng dân cư. Thế nhưng, cho đến nay vẫn còn khá nhiều các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) tại các bệnh viện vẫn chưa được triển khai…

“Quên” đầu tư, nâng cấp HTXLNT

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, vừa có quyết định xử phạt Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn, vì đã có hành vi vi phạm môi trường (đơn vị này có 2 cơ sở khám chữa bệnh đang hoạt động tại phường 1, quận Tân Bình).

Cụ thể tại cơ sở 1 (305 Lê Văn Sỹ), mức độ ô nhiễm nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép khoảng 5 lần. Còn cơ sở 2 (232 Lê Văn Sỹ), quy định xử lý chất thải không đúng định. Công ty cũng bị Thanh tra Sở phạt 13 triệu đồng; đồng thời bị buộc phải thu gom và cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải tại 2 cơ sở trên, để đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong nhiều bệnh viện vẫn chưa đầu tư xây dựng hoặc đã xây dựng nhưng HTXLNT xuống cấp, không đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

Bệnh viện Bưu Điện 2 có quy mô lớn nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn thành phố còn khoảng 13 đơn vị bệnh viện chưa có HTXLNT, 4 trung tâm y tế quận huyện chưa đầu tư HTXLNT hoặc đã đầu tư nhưng hư hỏng, không hoạt động được.

Ngoài ra, đa số bệnh viện còn lại đã có đầu tư HTXLNT, nhưng do công nghệ quá cũ hoặc quá tải công suất, nên chất lượng nước thải xử lý không đạt. Hiện UBND TPHCM cũng đã giao Sở Y tế giám sát các bệnh viện cần phải nhanh chóng hoàn thiện HTXLNT; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi vốn hỗ trợ các bệnh viện lập đề án cải tạo hoặc đầu tư mới HTXLNT, chấn chỉnh những đơn vị lấy lý do thiếu vốn, thiếu nhân sự hoặc đang tiến hành thủ tục đầu tư để cố tình kéo dài thời gian sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, xây mới  HTXLNT.

Trong khi đó, điều đáng ngại là các đơn vị này liên tục đầu tư mở rộng quy mô cơ sở khám chữa bệnh, nhưng “quên” nâng công suất hoạt động của HTXLNT, nên chất lượng nước sau xử lý không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Xem Thêm  Quy định về công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự - một số vấn đề pháp lý và thực tiễn

Thiếu chế tài –  khó xử lý

Liên quan đến vấn đề này, về phía Sở Y tế cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 12.580 cơ sở y tế hoạt động có phát sinh nguồn chất thải y tế cần xử lý. Trong đó, có 93 bệnh viện và 37 trung tâm y tế hoạt động có phát sinh nguồn thải lỏng.

Từ năm 1995, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế (33 bệnh viện) đã được đầu tư HTXLNT nhưng tiêu chuẩn nước thải sau xử lý mới chỉ đạt loại B. Đến nay, căn cứ theo tiêu chuẩn mới đòi hỏi nước thải sau xử lý phải đạt loại A, mà từ loại B đầu tư nâng cấp chuyển sang A là rất khó.

Hiện sở đang đốc thúc các bệnh viện đầu tư xây dựng HTXLNT theo hướng xã hội hóa. Bệnh viện là chủ đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu, hợp đồng với doanh nghiệp để vận hành và bảo trì hệ thống; hoặc bệnh viện tổ chức đấu thầu, hợp đồng với doanh nghiệp xây mới, vận hành và bảo trì hệ thống. Phương án này cho phép doanh nghiệp được hoàn vốn thông qua việc thu phí tính trên khối lượng nước thải đã được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Điều đáng nói, tính đến tháng 6-2009, chất lượng nước thải từ các bệnh viện vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân mà nhiều bệnh viện đưa ra là đang lập kế hoạch và thực hiện đấu thầu (Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Điều dưỡng Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp,  Chấn thương Chỉnh hình, Đa khoa khu vực Củ Chi, Viện Y dược học dân tộc…); hoặc đã đấu thầu xong nhưng chưa bố trí được vốn (Bệnh viện Da liễu, Nguyễn Trãi, Tai – Mũi – Họng, Viện Tim thành phố). Còn các bệnh viện như Nhi đồng 1, Hùng Vương, Từ Dũ, Nhân dân Gia Định đang xin được thực hiện chủ trương xã hội hóa HTXLNT, thậm chí có 10 bệnh viện lấy lý do xin điều chỉnh lại dự án cho phù hợp với các văn bản quy định… để kéo dài thời gian thực hiện HTXLNT. Đó là chưa kể, còn 11 bệnh viện lớn trực thuộc các bộ cũng chưa đầu tư HTXLNT, hoặc có đầu tư nhưng xử lý không đạt mà không có bất kỳ sự giải thích nào.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, nước thải y tế nếu không được xử lý phù hợp thì khi thải ra ngoài môi trường sẽ chứa mầm bệnh gây ra các bệnh về đường tiêu hóa: tiêu chảy, thương hàn, kiết lỵ… có khả năng lây lan thành dịch đối với người và động vật.

Có thể nói, hiện nay việc xử phạt các bệnh viện vi phạm xả nước thải rất khó, chỉ có thể phạt tiền chứ không thể buộc ngưng hoạt động. Do vậy, nếu Sở Y tế không có biện pháp mạnh hơn nhằm buộc các bệnh viện, trung tâm y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư HTXLNT, thì không biết người dân còn phải đối mặt với những nguy cơ mắc mầm bệnh phát sinh từ việc tiếp xúc với nước thải y tế không được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép đến bao giờ.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn