Xét xử đường dây mua bán 126 phụ nữ qua Malaysia46 năm tù cho những kẻ buôn người
Không chỉ bị gả bán, rao bán công khai như một món hàng, nhiều người trong số 126 phụ nữ VN bị đưa vào động mại dâm trá hình ở Malaysia
Sáng 26-7, TAND TPHCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm đường dây mua bán phụ nữ qua Malaysia và tuyên phạt Trần Thị Mỹ Phượng (SN 1972, tạm trú phường 14, quận Tân Bình- TPHCM, bị cáo đầu vụ nhưng được tại ngoại hầu tra vì có con nhỏ) 12 năm tù, Phan Thị Hồng Yến (SN 1972, tạm trú phường 15, quận 11- TPHCM) 10 năm tù, Tsai I Hsein (SN 1961, quốc tịch Trung Quốc, chồng Phượng) 7 năm tù , Tiêu Liên Hữu (SN 1970, phường 4, quận 6) 6 năm tù, Phan Văn Long (SN 1963, phường 3, quận 8) 6 năm tù và Nguyễn Văn Cường (SN 1972, phường 9,
quận 8) 5 năm tù cùng về tội “Mua bán phụ nữ”.
Nhiều cô gái đã bị rao bán như một món hàng
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ tháng 4-2005 đến tháng 3-2006, vợ chồng Trần Thị Mỹ Phượng cùng Phan Thị Hồng Yến đã tổ chức đưa 126 phụ nữ VN qua đường hàng không sang Malaysia để bán dưới danh nghĩa môi giới hôn nhân. Các cô gái sau khi được các đối tượng môi giới dẫn dắt lên TPHCM tập trung ở nhà của Tiêu Liên Hữu, Phan Văn Long… học tiếng Hoa để Phượng, Tsai I Hsein, Yến và một số đối tượng người nước ngoài đến VN trực tiếp xem mặt và chọn lựa (đa số các cô gái được chọn trong độ tuổi từ 20- 30 tuổi).
Khi nhận “đào”, Phượng, Yến thanh toán trước cho các đối tượng môi giới, nuôi như Hữu, Cường, Long (từ 6 đến 10 triệu đồng/cô) đến khi nào các cô gái cưới được chồng sẽ thanh toán phần còn lại. Sau khi làm hộ chiếu, khám sức khỏe, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, mua vé máy bay…, các cô gái được đưa sang Malaysia tập trung tại nhà do vợ chồng Phượng thuê ở Kuala Lumpur và được bán với giá từ 1.500 USD- 2.000 USD/cô.
Sau đó, các cô gái tiếp tục được gả bán hoặc rao bán công khai từ 17.000 đến 25.000 ringgit (tương đương khoảng 68 triệu- 100 triệu đồng), nếu đồng ý cô gái nào thì dẫn về nhà sống thử một tuần rồi mới trả tiền và làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Theo lời khai của một số nạn nhân, những người mua các cô gái VN về làm vợ phần lớn là đàn ông lớn tuổi, bệnh tật hoặc có hoàn cảnh không bình thường. Không ít trường hợp các cô gái bị đưa vào động mại dâm trá hình. Có cô thường xuyên bị đánh đập nên đã tìm cách bỏ trốn qua Thái Lan, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép, phải nhờ sự can thiệp của cơ quan cảnh sát VN mới được đưa về nước.
Giả nhân, giả nghĩa!
Khi được hỏi “động cơ nào khiến bị cáo môi giới cho các cô gái quê nghèo lấy chồng ở Malaysia?”, Trần Thị Mỹ Phượng trả lời: “Bị cáo lấy chồng nước ngoài sống hạnh phúc, thấy các cô gái quê nghèo muốn lấy chồng nước ngoài để trang trải cho gia đình nên đã giúp đỡ họ, để họ cũng có cuộc sống như mình. Bị cáo không biết làm như thế là phạm pháp. Chỉ đến khi vào trại mới hiểu ra”.
Lời khai nói trên cũng là động cơ để Yến, Hữu, Long, Cường tham gia công việc này. Đại diện VKSND TPHCM được VKSND Tối cao ủy quyền tham gia quyền công tố tại phiên tòa phản bác: “Chuyển các cô gái từ tay người này qua tay người khác như một món hàng, mua 1 bán 5 mà gọi là giúp đỡ họ sao? Ngay từ đầu, các bị cáo đã biết đó là việc làm vi phạm pháp luật nhưng vì lợi nhuận, các bị cáo đã bất chấp tất cả”.
Biện minh cho hành vi phạm pháp của mình, các bị cáo đều nói không biết gì về việc những cô gái mà họ giới thiệu sang Malaysia bị đẩy vào con đường bán dâm hoặc sống không hạnh phúc với cuộc hôn nhân gả bán. Thậm chí, bị cáo Yến còn đề nghị xem xét lại khoản tiền thu lợi bất chính mà VKSND Tối cao truy tố vì “bị cáo thực hiện 8 vụ thì đã lỗ hết 6 vì không nhận được tiền khi chưa gả bán”. Tuy nhiên, khi chủ tọa Trần Thị Hồng Việt hỏi: “Lỗ sao vẫn làm và làm nhiều lần?” thì Yến ấp úng không trả lời được.
HĐXX nhận định: Hành vi của các bị cáo không những gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương mà còn trực tiếp xâm hại đến danh dự nhân phẩm người phụ nữ VN. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm minh và có mức án thích đáng để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Thủ tục pháp luật