Vụ tiệm vàng vỡ nợ gây chấn động ở TP.HCM
Sự kiện tiệm vàng Tuấn Tài đóng cửa hồi giữa tháng 11.2009 đã gây chấn động dư luận không chỉ ở khu vực Chợ Lớn mà lan rộng cả TP.HCM và nhiều địa phương lân cận. Hàng trăm bị hại từ khắp nơi đổ về địa chỉ 39 Châu Văn Liêm (P.14, Q.5) và đứng ngồi không yên trong lúc giá vàng lên cao chót vót. Nhưng đã gần 2 tháng trôi qua, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Những bị hại khốn khổ
Theo trình bày của những người bị hại thì đa số là do tin tưởng vào những lời lẽ của bà Cao Thị Thẳng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tuấn Tài, khi họ đến giao dịch để mua bán vàng và ngoại tệ.
Cụ thể, có người đến mua vàng thì bà Thẳng khuyên: “Thôi đem vàng về làm chi đi đường cướp giật nguy hiểm, cứ để lại đây nếu cần bán thì bán, nếu cần dùng thì lúc nào đến lấy cũng được”. Cũng có người bán nhà mang tiền đến mua vàng để chuẩn bị mua nhà khác thì bà Thẳng bảo: “Để đây đi, khi nào xem được nhà mới và quyết định mua, cần lấy vàng thì đến rút ra ngay”. Cũng có người mang USD đổi ra vàng và rồi cũng gửi hết vàng lại để hưởng lãi suất theo mức cứ một lượng vàng lãi 3.000 đồng/ngày.
Trong số các bị hại, không ít trường hợp lâm vào bi kịch như bà C.T.M.D, là con nợ quá hạn của Ngân hàng TMCP Á Châu với số tiền lên đến hàng tỉ đồng nhưng lại bị “kẹt cứng” tài sản tại tiệm vàng Tuấn Tài không thể lấy ra được để trả nợ ngân hàng. “Tôi là một nạn nhân bị mắc lừa, trong lúc nợ nần chồng chất mà để nó lừa đảo giữ tiền của mình, không đòi lại được đồng nào…”, bà D. bức xúc trình bày với các luật sư tư vấn cho mình tại Công ty luật Mạnh Đức (trụ sở tại 253 – 255 Nguyễn Biểu, P.2, Q.5).
Cũng có người như ông T.H.K, gửi vào tiệm vàng này số tiền đồng và ngoại tệ rất lớn, lên đến hơn 13 tỉ đồng và hơn 600 ngàn USD, với thời hạn từ tháng 4.2009 đến ngày 14.11.2009 thì… kẹt luôn.
|
Người dân tụ tập đòi nợ tại tiệm vàng Tuấn Tài |
Nhiều người ở các tỉnh xa như trường hợp bà N.P.U, chuyển tiền qua ngân hàng về tiệm Tuấn Tài để mua vàng vật chất ra giao dịch với khách hàng ở Lâm Đồng, nhưng do đường xa, chưa kịp xuống đến nơi để mang vàng về thì toàn bộ 105 lượng SJC đã thanh toán xong tiền mua cho Tuấn Tài cũng… không biết đang ở đâu!
Báo cáo đặc biệt của một công ty luật
Trong khi các cơ quan chức năng ở Q.5 và TP.HCM đang… họp bàn và cân nhắc các phương án hứa trả nợ của chủ tiệm vàng Tuấn Tài thì ở một hướng khác, Thanh Niên nhận được thông tin về bản báo cáo đặc biệt của Công ty luật Mạnh Đức gửi đến lãnh đạo Bộ Công an và UBND TP.HCM về việc chủ tiệm vàng này (Công ty TNHH Tuấn Tài) đã “huy động tài sản của người dân với số lượng rất lớn và không có khả năng thanh toán”.
“Phương thức hẹn thanh toán này là dùng thỏa thuận dân sự để hợp thức hóa những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đó là hành vi huy động vốn trong khi không có chức năng tín dụng và hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác”. Công ty luật Mạnh Đức |
Công ty luật Mạnh Đức cho biết đã nhận yêu cầu tư vấn của khoảng 26 người dân, là bị hại của tiệm vàng Tuấn Tài và chỉ tính riêng những bị hại này thì số thiệt hại đã lên đến hàng trăm tỉ đồng.
“Chúng tôi nhận thấy đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, cần có sự định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM và lãnh đạo Công an TP để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện trách nhiệm của mình nhằm vạch rõ tội trạng với một chiêu thức rất nguy hiểm, làm giảm thiệt hại cho người bị hại và bảo vệ sự lành mạnh của môi trường kinh doanh tại TP”. Văn bản của Công ty luật Mạnh Đức do Giám đốc Phạm Đức Hinh ký, đã nêu rõ như vậy.
Cũng theo Công ty luật Mạnh Đức, hầu hết những người đã gửi tiền, vàng cho Tuấn Tài khi đến nhờ tư vấn đều đặt ra những yêu cầu cấp bách.
Thứ nhất là cần phải khởi tố vụ án, bởi vì đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, khi lượng tài sản bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỉ đồng. Hai là cần kê biên các tài sản, kể cả bất động sản của Công ty Tuấn Tài và của cá nhân các thành viên trong ban lãnh đạo công ty này; đồng thời buộc họ phải làm rõ số tiền, vàng huy động đã chuyển đi đâu, làm gì và thua lỗ như thế nào…
Dân sự hay hình sự?
Còn nhớ hồi nửa cuối tháng 11.2009, trả lời báo chí ngay sau khi vụ vỡ nợ nổ ra, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Hồ Hữu Hạnh đã từng khẳng định, việc tiệm vàng Tuấn Tài “có nhận tiền, vàng của nhiều khách hàng gửi và có trả lãi suất kỳ hạn ba tháng và lãi suất không kỳ hạn là sai!”.
Trên thực tế, các biên nhận do công ty này giao cho khách hàng, có đóng dấu của công ty, cũng đều thể hiện rõ: đối với tiền đồng, kỳ hạn 3 tháng lãi suất 1,0%; 0,9%/tháng và không kỳ hạn lãi suất là 0,8%/tháng. Đối với vàng, kỳ hạn 1 tháng lãi suất là 3.000 đồng/lượng/ngày… và biên nhận cũng do công ty phát hành, có đóng dấu hẳn hoi.
Sau khi đòi nợ không thành, các bị hại cũng đều nhận được những “bản cam kết” do công ty đóng dấu và ký tên Giám đốc Trần Thanh Tuấn, với thời hạn “7 ngày sẽ thu xếp để hoàn trả đầy đủ các món tiền hoặc vàng mà quý anh chị đã gửi”. Tuy nhiên đến nay, theo thông tin Thanh Niên ghi nhận được thì mới chỉ có một số người được trả lại 5% số tiền, vàng đã gửi cho tiệm vàng này. Còn lời cam kết “hoàn trả đầy đủ” thì chẳng biết đến bao giờ mới được thực hiện!
Tiếp xúc với chúng tôi, các luật sư tại Công ty luật Mạnh Đức phân tích: “Phương thức hẹn thanh toán này là dùng thỏa thuận dân sự để hợp thức hóa những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đó là hành vi kinh doanh trái phép của Công ty Tuấn Tài (huy động vốn trong khi không có chức năng tín dụng) và hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Phương thức hứa hẹn này cũng làm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật khó áp dụng những biện pháp mạnh để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của Công ty Tuấn Tài, giảm thiệt hại cho người dân”.
Thủ tục pháp luật