Vốn vẫn chờ nông dân
Sau hơn ba tháng kể từ khi có quyết định cho vay hỗ trợ lãi suất, số nông dân tiếp cận được nguồn vốn này vẫn còn rất ít.
Theo ông Hùng Hai (Mỹ Tú, Sóc Trăng), máy xới này vừa mua từ nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên khi kiểm tra, ngân hàng phát hiện chỉ có bộ bánh lồng sản xuất trong nước nên không được hỗ trợ – Ảnh: D.Khang |
Đã hơn ba tháng kể từ khi có quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hỗ trợ lãi suất để mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp (ngày 1-5). Tuy nhiên, đến nay cả nông dân và ngân hàng (NH) đều ngao ngán vì có rất ít người tiếp cận được nguồn vốn này.
Đầu tháng 5-2009, khi hay tin Chính phủ cho vay hỗ trợ lãi suất dành cho nông dân, ông Nguyễn Văn Y ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), đã đến tận NH NN&PTNT huyện để hỏi thủ tục vay mua máy suốt lúa. Tuy nhiên, sau khi rời NH ông quyết định vay nóng bên ngoài để mua máy cho kịp mùa vụ.
Lấy gì thế chấp?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Y kể: “Tôi đã cầm sổ đỏ ở NH vay 20 triệu đồng chăn nuôi bò. Nay NH bắt phải thế chấp sổ đỏ hoặc tài sản khác mới được vay mua máy suốt lúa, tôi đâu còn gì mà thế chấp”.
Vẫn vướng về tỉ lệ nội địa hóa
Ông Nguyễn Ngọc Thạch – giám đốc NH Nhà nước Đồng Tháp – cho rằng với quy định cho vay như hiện nay, nguồn vốn ưu đãi rất khó đến với nông dân. Thứ nhất là do tài sản đã thế chấp vay để sản xuất trước đó nên NH không thể vay tiếp. Về máy móc phục vụ sản xuất, theo quy định của Bộ Công thương, để được hưởng lãi suất hỗ trợ, nông dân phải mua máy móc lắp ráp trong nước có tỉ lệ nội địa hóa từ 40%. Trong khi trên thị trường những loại nông cụ đạt tỉ lệ này rất ít. “Các quy định ấy rất khó áp dụng. Nói chung khó đi vào thực tế cuộc sống, chưa thiết thực” – ông Thạch phân trần. |
Tại Sóc Trăng, khi biết ngân hàng bắt đầu giải ngân vốn cho vay hỗ trợ lãi suất, ông Nguyễn Văn Hùng Hai ở ấp Tam Sóc D1, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú cũng háo hức ra NH NN&PTNT huyện Mỹ Tú vay 15 triệu đồng rồi đón xe ra thẳng TP Sóc Trăng mua máy xới để làm đất ruộng nhà và xới thuê cho bà con trong xã. Đây là một trong hai nông dân đầu tiên ở huyện Mỹ Tú tiếp cận vốn vay theo quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, khi máy chuẩn bị xuống đồng thì cán bộ NH đến xem máy để hoàn tất thủ tục hỗ trợ lãi suất mới “té ngửa”: máy của ông Hùng Hai không được hỗ trợ lãi suất bởi bộ bánh lồng được sản xuất trong nước nhưng dàn xới và đầu máy được nhập từ Nhật Bản và Trung Quốc. Ông Hùng Hai than thở: “Nếu mua đầu máy sản xuất trong nước thì giá máy xới đội lên trên 20 triệu đồng, vượt ngoài khả năng của gia đình”.
Theo chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Lê Thanh Liêm, các quy định vay vốn theo quyết định 497 không phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ. Ông Liêm cho rằng nguồn vốn này chỉ phục vụ cho hai đối tượng nông dân gồm hộ cận nghèo và hộ nghèo vì người có điều kiện kinh tế trung bình và khá không quan tâm đến việc vay vốn sản xuất. Người cận nghèo đã thế chấp sổ đỏ để vay vốn sản xuất, chăn nuôi từ lâu rồi, nên bây giờ đứng ngoài cuộc. Còn người nghèo có sổ hộ nghèo đã được vay từ NH Chính sách xã hội. Họ không có sổ đỏ hoặc nếu có thì giá trị tài sản cũng không đủ để được NH duyệt cho vay mua máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Giải ngân chậm chạp
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang mới đây, UBND tỉnh cho biết cử tri phản ảnh khá nhiều về các quy định đối với vay vốn hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, mức cho vay và hỗ trợ lãi suất cũng không nhiều. Chẳng hạn, vay mua vật tư nông nghiệp chỉ có 7 triệu đồng/ha trong khi mức chi bình quân cho 1ha lúa, mía, cây ăn trái hiện nay đều trên 10 triệu đồng. Tại Tiền Giang, đến nay mới chỉ có 25 hộ nông dân được vay tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng mua máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa và máy suốt lúa.
An Giang là địa phương sớm triển khai công tác cho vay, thế nhưng nhiều xã khẳng định hiện vẫn chưa thấy nông dân đến xác nhận hồ sơ xin vay vốn. Ông Ngô Văn Sang, chủ tịch UBND xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, cho biết xã có 9.000ha đất trồng lúa, bình quân đất canh tác trên mỗi hộ cao nhất tỉnh, do đó nhu cầu đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là phục vụ khâu thu hoạch rất lớn. Vậy mà tới nay gần như chưa có hộ nào được vay hỗ trợ lãi suất. Theo báo cáo của NH Nhà nước chi nhánh An Giang, đến hết tháng 7-2009 tổng dư nợ cho vay theo quyết định 497 ở tỉnh đạt 630 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi Quỹ tín dụng nhà nước kiểm tra phát hiện một số hợp đồng cho vay không đúng quy định nên thực tế dư nợ cho vay chỉ gần 285 triệu đồng.
Còn ông Nguyễn Tấn Bửu, giám đốc NH NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau nhiều tháng triển khai vốn vay cho nông dân theo quyết định 497, đến nay chỉ mới có 60 khách hàng trong toàn tỉnh Sóc Trăng tiếp cận được vốn với số tiền giải ngân khoảng 1,5 tỉ đồng, trong khi NH nhận về đến 40 tỉ đồng để nông dân vay. Còn tại Bạc Liêu, theo NH NN&PTNT tỉnh, đến nay nguồn vốn 497 mới chỉ giải ngân cho… một nông dân.
Thủ tục pháp luật