Vinashin thất bại vì quản lý kinh tế bằng hành chính
Doanh nghiệp nhà nước được nuông chiều quá mức tạo ra bất bình đẳng trên thương trường…
Vinashin nợ nần, sai phạm… có trách nhiệm cá nhân, tuy nhiên đằng sau thất bại ấy là gì? Chuyên gia kinh tế Vũ Xuân Tiền khẳng định: “Sai phạm của Vinashin xuất phát từ việc giám sát lỏng lẻo bắt nguồn từ những lỗ hổng mang tính hệ thống trong các doanh nghiệp nhà nước là quản lý kinh tế như quản lý hành chính”.
Tái cơ cấu là điều phải làm
.Ông có ý kiến gì về việc tái cơ cấu Vinashin?
|
+ Những sai phạm của Vinashin phát hiện từ sớm nhưng chậm xử lý. Đó là việc đầu tư dàn trải dẫn theo tiếp hậu quả huy động vốn quá nhiều. Vốn điều lệ có 9.000 tỉ đồng, tổng tài sản 90.000 tỉ, vay 80.000 tỉ. Tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu gấp gần 10 lần. Đấy là một tỉ lệ kinh khủng, khả năng thu hồi vốn để trả nợ gần như bằng không. Trong khi đó, năng lực quản trị lại không theo kịp nên việc tái cơ cấu Vinashin là việc chắc chắn phải làm và có thể nói là hơi muộn. Chưa hết, bản chất các khoản tiền đầu tư không phải tiền của Vinashin mà là tiền vay của Ngân hàng Dầu khí và các ngân hàng khác. Bây giờ trả về đúng vị trí của nó…
. Vậy các món nợ của Vinashin sau khi tái cơ cấu hiển nhiên được xóa?
+ Tất nhiên, cái nợ ấy sẽ chuyển cho đơn vị tiếp nhận để cơ cấu lại và đơn vị tiếp nhận sẽ chịu một số thiệt thòi. Hiện người ta đang có ý kiến. Cụ thể như dầu khí, họ nêu rất rõ là chưa sẵn sàng tiếp nhận, yêu cầu định giá toàn bộ giá trị của dự án sẽ giao. Nếu đặt vấn đề định giá thì chưa chắc họ nhận toàn bộ dự án so với vốn họ bỏ ra.
Được nuông chiều quá trớn
. Về mặt pháp lý thì Vinashin được phép đầu tư dàn trải không thưa ông?
+ Không có một văn bản nào nói rằng Vinashin không được phép đầu tư nhiều lĩnh vực. Bởi vì quản lý kinh tế dạng tập đoàn như Vinashin chúng ta mới có vài văn bản như Nghị định 101 về thí điểm tập đoàn kinh tế. Cơ chế quản lý tập đoàn hiện nay chưa định hình, chưa rõ. Nếu xét về quyền của một doanh nghiệp, người ta đăng ký kinh doanh và được chấp thuận thì người ta được đầu tư. Nếu người ta có tài sản hiện hữu hoặc tài sản thế chấp hoặc tài sản trong tương lai thì người ta cứ vay.
Việc đầu tư dàn trải, huy động vốn quá nhiều khiến Vinashin lỗ nặng. Ảnh: CTV
Tuy nhiên vay nhiều như Vinashin chỉ có thể là tập đoàn kinh tế nhà nước chứ tập đoàn ngoài quốc doanh thì không thể làm được. Các ngân hàng sẵn sàng đổ tiền cho vay và với một tâm lý: cứ cho doanh nghiệp nhà nước vay, có vấn đề gì thì đã có nhà nước đỡ. Điều này rất nguy hiểm cho hoạt động quản lý kinh tế, đặc biệt là đối với hoạt động tín dụng. Còn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì không có chuyện đó đâu! Nợ mà gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu thì tôi dám khẳng định không có một doanh nghiệp ngoài quốc doanh nào vay được!
. Phải chăng Vinashin được “nuông chiều” quá mức thành ra “hư hỏng”?
+ Sự ưu đãi này đã làm mất tính cạnh tranh của nền kinh tế. Tiền của doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh vẫn lưu thông trên thị trường và có ai đánh dấu, phân biệt đâu! Ấy thế mà doanh nghiệp nhà nước thì được ưu đãi, còn doanh nghiệp tư nhân thì không. Cách khác, nhà nước còn can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, nâng đỡ doanh nghiệp nhà nước, tạo ra việc bất bình đẳng.
Làm hành chính không thể quản lý kinh tế
. Ông đánh giá thế nào về việc công khai, minh bạch, giám sát tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hiện nay?
+ Đây là vấn đề yếu nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Ai sẽ là chủ sở hữu, ai là đại diện của chủ sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước? Mô hình chưa rõ, lại vận hành theo cơ chế cũ, tức cử con người bên hành chính vào quản lý hoạt động kinh tế của các tập đoàn. Con người quản lý kinh tế không thể là một ông hành chính, kể cả thứ trưởng vào đó ngồi cũng không làm được gì cả! Ở đây còn có vấn đề lẫn lộn với quyền lực hành chính, không ổn vẫn chưa tháo gỡ được.
. Qua thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương có cả những sai phạm xuất phát từ việc quản lý mang tính gia đình trị. Đây phải chăng cũng là một yếu kém nữa của doanh nghiệp nhà nước hiện nay?
+ Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Vinashin, bố trí mấy người nhà vào làm đại diện vốn góp ở các công ty con. Như thế dẫn đến tình trạng anh tung em hứng. Chắc chắn là có vấn đề rồi! Tình trạng gia đình trị hiện nay tại các tập đoàn, công ty nhà nước không phải ít vì công tác kiểm tra, giám sát không tốt. Rồi vấn đề là con người, toàn những mối quan hệ khăng khít, chồng chéo lên nhau. Nhiều người sợ ông Bình là vì sợ người to hơn ông Bình, rất nhiều chuyện lớn liên quan đến việc trong sạch bộ máy, đấu tranh chống tham nhũng chứ không đơn giản.
. Xin cảm ơn ông.
Thủ tục pháp luật