Việt kiều nhờ người thân trong nước đứng tên sở hữu tài sản:Khi người thân lật lọng…
Ông Cường cùng vợ chồng ông Hùng lập bản thỏa thuận ngày 14.1.2000 với sự chứng kiến của luật sư Nguyễn Thị Chinh, với nội dung: “Ông Cường mua căn nhà số 29 Thủ Khoa Huân, Q.1 với giá 390.000 USD nhưng vì Nhà nước chưa cho phép Việt kiều đứng tên nên nhờ vợ chồng anh ruột là Trần Hữu Hùng đứng tên dùm căn nhà trên.
Căn nhà số 29 Thủ Khoa Huân, Q.1, TP.HCM |
Khi Nhà nước cho phép Việt kiều đứng tên mua nhà thì vợ chồng ông Hùng phải chuyển nhượng quyền sở hữu căn nhà trên cho ông Cường mà không đòi một khoản chi phí nào”. Để chắc ăn hơn, ông Cường và ông Hùng còn lập hợp đồng ủy quyền cho phép ông Cường được thay mặt ông Hùng toàn quyền cho thuê hoặc bán, tặng cho căn nhà này.
Đến giữa năm 2005, ông Hùng và ông Cường bất hòa nên ông Cường yêu cầu ông Hùng làm thủ tục chuyển quyền sở hữu căn nhà 29 Thủ Khoa Huân cho bà Nguyễn Phạm Kim Hương – người yêu của ông Cường (lúc này ông Cường đã ly dị vợ bên Mỹ) để bà Hương quản lý giúp vì ông Cường không thường xuyên có mặt tại Việt Nam. Ông Hùng đồng ý làm thủ tục sang tên.
Lúc này, Nhà nước đã cho phép Việt kiều được đứng tên chủ quyền nhà nên bà Hương ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu căn nhà trên cho ông Cường. Từ đó, căn nhà số 29 Thủ Khoa Huân do ông Trần Văn Cường đứng tên sở hữu. Tất cả các thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu căn nhà 29 Thủ Khoa Huân từ ông Hùng sang bà Hương, từ bà Hương sang ông Cường đều tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Sau khi hoàn tất việc đứng tên chủ quyền nhà, ông Cường yêu cầu ông Hùng trả lại nhà, nhờ đến cả cơ quan công an địa phương can thiệp, nhưng ông Hùng không trả vì căn nhà trên đang kinh doanh khách sạn với tên Tân Hòa Ngọc, ông Hùng thu lãi ròng trên 30 triệu đồng/tháng (sự việc này Báo Thanh Niên đã phản ánh trên số báo ra ngày 2.11.2005). Chẳng những không trả nhà, vợ chồng ông Hùng còn khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân TP.HCM công nhận ngôi nhà 29 Thủ Khoa Huân là thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông (!).
Trong phiên xử sơ thẩm ngày 21.8.2006 tại TAND TP.HCM, ông Trần Hữu Hùng cho rằng, căn nhà 29 Thủ Khoa Huân là do vợ chồng ông bỏ tiền ra mua, có mượn của cha mẹ ruột 2,5 tỉ đồng và của anh trai là ông Trần Hữu Thiện 1 tỉ đồng. Việc ông Hùng làm tờ thỏa thuận và hợp đồng ủy quyền với ông Cường như đã nói ở trên là do ông Cường xin ông làm việc đó để ông Cường chứng minh với vợ bên Mỹ – lúc ấy chưa ly hôn rằng ông đã bỏ 390.000 USD để mua nhà, che giấu chuyện đánh bài bị thua (!). Đồng thời, ông Hùng còn nêu ý kiến nếu ông Cường đồng ý bỏ bà Kim Hương thì ông Hùng sẽ cho không ông Cường căn nhà 29 Thủ Khoa Huân (!).
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 851 ngày 21.8.2006, TAND TP.HCM tuyên: “Buộc vợ chồng ông Trần Hữu Hùng trả lại căn nhà 29 Thủ Khoa Huân cho ông Trần Văn Cường trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày án có hiệu lực…”. Vợ chồng ông Hùng kháng án. Thật bất ngờ, tại bản án phúc thẩm số 51/2007 ngày 5.2.2007 TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên: “Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 851 ngày 21.8.2006 của TAND TP.HCM…”.
Qua nghiên cứu những lập luận của bản án dân sự phúc thẩm, chúng tôi nhận thấy đây là một bản án có những lập luận lạ lùng, chỉ gói gọn ở 3 lý do để đưa ra kết luận cuối cùng là hủy án như sau:
– Căn nhà 29 Thủ Khoa Huân ông Cường khai ông Cường bỏ tiền ra mua nhưng không chứng minh được nguồn gốc số tiền đã bỏ ra là vàng, tiền Việt Nam hay đô la Mỹ. Ông Cường đưa tiền trực tiếp cho bên bán nhà hay giao qua ông Hùng.
– Phía ông Hùng cũng nhận ông bỏ tiền ra mua nhà, có mượn tiền của anh trai là của ông Trần Hữu Thiện 1 tỉ đồng nhưng tòa sơ thẩm lại thẩm tra ông Trần Hữu Thọ cũng là một người anh của ông Hùng là chưa khách quan.
– Còn một lý do nữa mà tòa phúc thẩm đưa ra là lời khai của người bán nhà cho ông Cường, người này khai chỉ giao dịch với ông Hùng chứ không hề biết ông Cường.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, lẽ ra, tòa phúc thẩm nên thẩm tra, tranh luận cùng các đương sự với những chứng cứ mà các bên đưa ra, đặc biệt là những chứng cứ của nguyên đơn Trần Hữu Hùng. Theo đó, ông Hùng cho rằng căn nhà 29 Thủ Khoa Huân là do ông bỏ tiền ra mua thì tại sao khi ông Cường yêu cầu vợ chồng ông chuyển quyền sở hữu căn nhà trên sang cho bà Nguyễn Phạm Kim Hương thì vợ chồng ông Hùng vẫn răm rắp làm theo? Rồi ông Hùng khai đã phải đi vay 3,5 tỉ đồng để có tiền mua căn nhà trên nhưng lại đồng ý cho ông Cường căn nhà nếu ông Cường đồng ý chia tay bà Kim Hương? Chỉ cần như thế, cùng với các tình tiết nêu trên, cũng đủ xác định căn nhà trên thuộc quyền sở hữu của ai, tòa phúc thẩm không cần thiết phải hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra, xét xử lại từ đầu, làm vụ việc kéo dài thời gian có lợi cho ông Hùng.
Được biết, sắp đến TAND TP.HCM sẽ mở lại phiên sơ thẩm xét xử vụ việc trên. Mới đây nhất, vợ cũ của ông Cường định cư tại Mỹ có gửãi cho tòa án các cấp tờ giải trình kèm các chứng cứ về việc phân chia tài sản của vợ chồng bà khi ra tòa án Mỹ để ly hôn, theo đó, ông Cường được quyền sở hữu tất cả các tài sản chung của hai vợ chồng tại Việt Nam, trong số đó có căn nhà 29 Thủ Khoa Huân, Q.1, còn vợ ông Cường sở hữu toàn bộ tài sản chung bên Mỹ. Tờ giải trình này có xác nhận của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco xác nhận.
Thủ tục pháp luật