Tin Tức

Vì sao xuất khẩu lao động vùng dân tộc thiểu số gặp khó?

Rate this post

Đào tạo nghề cho lao động thanh niên người dân tộc vẫn theo kiểu “ép buộc”, không theo nhu cầu của nhà tuyển dụng và mức vay hỗ trợ xuất khẩu lao động còn thấp.

Đồng bào dân tộc thiểu số của Đắk Lắk chiếm hơn 31% dân số toàn tỉnh, với khoảng 540.000 người. Hơn 50% số hộ dân tộc thiểu số của Đắk Lắk hiện vẫn là hộ nghèo. Trong chiến lược giảm nghèo cho bộ phận dân cư này, Đắk Lắk coi XKLĐ là một hướng quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, kết quả XKLĐ dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk còn rất hạn chế.  

Thành phố Buôn Ma Thuột là nơi có đội ngũ lao động dân tộc thiểu số chất lượng cao nhất tỉnh Đắk Lắk. Qua một số phương tiện thông tin đại chúng, thanh niên dân tộc thiểu số biết đi XKLĐ thì họ có việc làm với thu nhập cao nên nhiều người muốn đi. Lao động muốn đi thì nhiều, nhưng người được đi XKLĐ lại rất hiếm hoi.

Thanh niên dân tộc thiểu số rất ít khi được tiếp cận với các thông tin liên quan đến thủ tục XKLĐ. Hầu như không có chương trình phổ biến kiến thức, tư vấn những vấn đề liên quan đến XKLĐ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn trong thành phố. Điển hình như buôn A Lê B, phường Ea Tam, hiện có hơn 70 thanh niên đang thất nghiệp, một số đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng nhưng cũng không có việc làm.

Ông Y Noa Niê, Buôn trưởng buôn A Lê B, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nói: “Hiện nay, thanh niên trong buôn thất nghiệp rất nhiều, trong đó có người đã được học hành nhưng không có việc làm. Chúng tôi cũng chưa thấy ai thông báo về việc đưa thanh niên đi XKLĐ ở nước ngoài, chưa biết thế nào là đi XKLĐ và không biết làm thế nào để được đi, làm những công việc gì phù hợp với trình độ của thanh niên. Thanh niên thích đi XKLĐ, nhưng phải có người quan tâm, hướng dẫn làm thủ tục đi như thế nào”.

Ngoài yếu kém trong khâu tuyên truyền, phổ biến kiến thức về XKLĐ, hiện nay, việc đào tạo ngành nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự gắn với nhu cầu lao động của thị trường, đặc biệt là thị trường lao động ở các nước khác. Sự liên kết giữa đơn vị tuyển lao động đưa đi nước ngoài với đơn vị đào tạo nghề tại địa phương hầu như không có. Các nội dung như: thị trường các nước cần lao động trong lĩnh vực nào? Trình độ tay nghề ra sao? Số lượng bao nhiêu?… vẫn chưa được những nơi đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc nắm rõ để có định hướng đào tạo, nhất là những địa bàn dân tộc thiểu số ở xa trung tâm.

Xem Thêm  Chân dung, tiểu sử 15 Bí thư tỉnh, thành ủy khóa mới

Đề cập vấn đề này, ông Trần Thái Hùng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số phải bài bản, nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Quá trình lập hồ sơ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khá lâu nên cơ quan chức năng cần có định hướng trước. Ngoài ra, khi tuyển dụng phải nói trước với người lao động là đào tạo ngành nghề gì, có thích hợp với khả năng, sở trường của người dân tộc thiểu số hay không, chứ không phải là đào tạo ép buộc như hiện nay”.

Một bất cập khác đối với XKLĐ dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk là mức vốn cho vay XKLĐ hiện còn thấp, chỉ khoảng 18 triệu đồng trong 24 tháng. Trong khi đó, chi phí để đi XKLĐ thường hơn 20 triệu đồng. Nhiều thị trường chi phí lên đến 100 triệu đồng, như Nhật Bản, Vương quốc Anh… Lao động dân tộc thiểu số chủ yếu là người nghèo, khả năng tự huy động vốn rất thấp nên mức cho vay hiện cũng là rào cản đối với họ khi muốn đi lao động ở nước ngoài. Trước thực tế này, năm vừa qua, tỉnh Đắk Lắk chỉ xuất khẩu được 15 lao động dân tộc thiểu số, trong tổng số 500 lao động xuất khẩu trong toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ chưa đầy 3%.

Để khắc phục những tồn tại hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả XKLĐ dân tộc thiểu số, bà Vũ Thị Mỹ Phượng, Chuyên viên phòng Quản lý lao động – Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nói: “Cần nâng mức vốn cho vay lên để tạo điều kiện cho người lao động tham gia XKLĐ. Các ngành chức năng có thể mời các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín về tận thôn, buôn tuyên truyền, phổ biến, tư vấn thật kỹ về mức lương, chế độ, nơi ăn ở, làm việc, giải quyết kịp thời những vướng mắc người lao động, hỗ trợ học theo định hướng, lồng ghép dạy nghề vào XKLĐ để khi các doanh nghiệp XKLĐ có nhu cầu tuyển dụng nghề gì thì mình có hướng dẫn để các em tham gia”.

Sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk ngày càng gặp nhiều thách thức, với hạn hán, lũ lụt diễn ra thường xuyên hơn, gay gắt hơn. Những biến động của thị trường cũng ngày càng khó lường, với tình trạng mất mùa, mất giá kéo dài của nhiều loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều… Bà con dân tộc thiểu số là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt thòi nhất từ những biến động này, nên càng gặp khó khăn khi muốn thoát khỏi đói nghèo. Đã đến lúc, Đắk Lắk phải tìm thêm những kênh giảm nghèo khác cho bộ phận dân cư này, trong đó, XKLĐ là kênh đem lại hiệu quả nhanh chóng. Và muốn đẩy mạnh xuất khẩu, Đắk Lắk các ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp phải cùng vào cuộc, để thực hiện đồng bộ các khâu: hướng nghiệp, đào tạo nghề, tăng cường thông tin, tăng cường liên kết XKLĐ, và tăng vốn vay cho lao động dân tộc thiểu số.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn