TT-Huế: Xây resort – dân lâm cảnh màn trời chiếu đất
Khi dự án xây dựng khu resort Laguna (do doanh nghiệp Singapore đầu tư) tại thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh được triển khai, cũng là lúc người dân trong vùng phải… màn trời chiếu đất.
Dự án triển khai quá cập rập!
Để thu hồi diện tích gần 320ha bàn giao cho dự án Laguna triển khai xây dựng, 33 hộ dân ở thôn Cù Dù và 81 hộ ở đội 3, thôn Cảnh Dương, đều ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (TT-Huế) sẽ bị giải tỏa nhà cửa, thu hồi đất sản xuất.
Dân chưa nhận tiền đền bù, cây rừng đã bị phá. Ảnh: Ngọc Lan |
Theo thỏa thuận giữa UBND tỉnh TT-Huế và chủ dự án, tháng 5/2008, địa phương sẽ giao đất để dự án tiến hành giải phóng mặt bằng. Giữa tháng 6/2008, mặc dầu gần 2/3 số hộ dân nằm trong diện thu hồi đất vẫn chưa nhận tiền đền bù, nhưng phía đơn vị thi công của dự án Laguna đã triển khai giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng.
Bà Chóc: “Mấy chú không thông báo, cứ ủi ngang, uổng quá!”. Ảnh: Ngọc Lan |
“Một mình thân già côi cút, sống cả đời người, tui mới gây dựng được chừng ni cây cối. Rứa mà mấy chú thi công không thông báo cho người dân sớm để họ kêu người chặt làm củi, đằng ni mấy chú cho cưa, xúc ngang uổng quá”, bà Chóc nói chua xót.
Đối với 33 hộ dân ở thôn Cù Dù phải giải tỏa nhà cửa, UBND huyện Phú Lộc đã bố trí khu tái định cư của xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (TT-Huế). Nhưng, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư vẫn còn ngổn ngang.
Khu tái định cư Lộc Vĩnh được phân thành 660 lô, mỗi lô từ 200-250m2, phục vụ cho các hộ dân ở trong khu vực giải tỏa của địa phương và các xã lân cận. Tuy nhiên, hiện công trình vẫn còn ngổn ngang với cả bãi cát trắng, việc san lấp mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, hệ thống điện, nước sạch, trạm y tế, trường mẫu giáo theo quy định của Nhà nước phải được đầu tư ở khu tái định cư trước khi người dân chuyển đến vẫn chưa được triển khai.
Trao đổi về tình trạng này, ông Cái Vĩnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (TT-Huế) nói: “Trước mắt, huyện đã chỉ đạo Dự án khu tái định cư sẽ cố gắng hoàn thành 33 lô phục vụ cho các hộ dân ở Cù Dù. Nếu cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện thì có thể các hộ dân sẽ thuê nhà ở”.
Khu định cư mới chỉ được “thi công” đến thế này. Ảnh: Ngọc Lan |
Mặc dù các hộ dân phải di chuyển đã nhận được một khoản tiền hỗ trợ thuê nhà, nhưng đối với làng quê, chuyện thuê nhà ở là rất khó khăn, thậm chí là không có. Vì vậy, để giải quyết trước mắt, bắt buộc các hộ dân sẽ phải che tạm bạt để che nắng, tránh mưa qua ngày.
Sống bằng gì?
Gần 1 năm nay, 124 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất sản xuất giao cho dự án Laguan đã nhiều lần đệ đơn đến các cơ quan chức năng của xã, huyện với nguyện vọng mong các cấp tạo công ăn việc làm, bố trí đất đai để bà con nông dân có đất sản xuất.
Cánh đồng nhiễm mặn sẽ là nơi canh tác của 32 hộ dân! Ảnh: Ngọc Lan |
Đối với 33 hộ dân ở thôn Cù Dù, UBND huyện đã khảo sát gần 20ha đất nông nghiệp ở khu vực Đồng Phần trên địa bàn xã Lộc Vĩnh để chia cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, diện tích đất này lại bị nhiễm mặn rất nghiêm trọng. Theo kế hoạch của huyện, sắp tới, sẽ khảo sát và cho xây
Những con người này không biết mình sẽ sống bằng gì? Ảnh: Ngọc Lan. |
dựng bờ đê ngăn mặn dài 500 mét.
Nhưng theo nhận định của đa phần người dân nơi đây thì khu vực này rất thấp, mỗi lần mưa, lũ xuống thì nước sẽ ngập vào và chuyện nhiễm mặn lại xảy ra thường ngày ở huyện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây lúa.
Đối với 81 hộ dân ở đội 3, thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, có đến 60% người dân đều không còn đất để sản xuất.
Trước sự lo lắng, hoang mang của người dân, UBND huyện Phú Lộc khẳng định rằng: Huyện và các cơ quan chức năng sẽ chịu trách nhiệm tìm mọi cách ưu tiên bố trí tạo việc làm cho số nhân dân bị thu hồi đất đai do dự án Laguna.
Tuy vậy, với những người nông dân mà hàng chục năm nay đã quen với chân lấm tay bùn thì rất khó làm việc theo kiểu công nghiệp, ngoại trừ một vài người dân có thể quét rác, cắt cỏ thuê. Đó cũng là trăn trở được đặt ra với chính quyền địa phương.
Bà Bùi Thị Ngự ở đội 3, thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (TT- Huế), một hộ dân bị thu hồi đất ngậm ngùi: “Gần nửa năm nay, từ khi nghe xã thông báo chuẩn bị giao đất cho dự án, tui như người mất hồn. Trước đây, tiền ăn, tiền học, tiền chợ đều nhờ vào cây cối, ruộng lúa. Chừ đất không còn, chắc cả nhà dắt díu đi Nam làm thuê kiếm ăn qua ngày thôi”.
Trao đổi với VietNamNet , ông Hoàng Văn Giải, Bí thư huyện ủy Phú Lộc cho biết: “Việc người dân khiếu kiện về công tác giải tỏa đền bù là do đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ làm không hết trách nhiệm giải thích công khai với nhân dân về chính sách của Nhà nước. Bản thân Bí thư và Chủ tịch huyện đã phải họp dân 5 lần để giải tỏa mọi khúc mắc. Nhưng vấn đề tái định cư và bố trí đất sản xuất, công ăn việc làm cho dân trong vùng dự án, đang là vấn đề đau đầu của chính quyền, dù đã cố gắng tạo điều kiện về kinh phí” |
Thủ tục pháp luật