Tin Tức

Tổng kết thị trường từ ngày 18 đến ngày 24/12/2009 Nhà cho người thu nhập thấp vẫn ở “thế bí”

Rate this post

Trái ngược với thị trường căn hộ cao cấp đang trầm lắng, thị trường phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp luôn ở tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu. Nhưng dường như các doanh nghiệp vẫn rất hờ hững với phân khúc này.“Khát” nhà cho thuê

Hiện tại nhu cầu thuê nhà, đặc biệt ở các gia đình trẻ rất lớn nhưng phân khúc này gần như là “độc quyền” của nhà tư nhân cho thuê với những điều kiện hạ tầng thấp kém. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội có khoảng 5% số hộ gia đình có nhu cầu thuê nhà để ở. Tuy nhiên, tại Hà Nội mới có một dự án xây nhà cho thuê tại đường Lê Văn Lương do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 2 (Hancinco 2) đầu tư với tổng vốn 400 tỷ đồng, đã hoàn thành một khối nhà với trên 100 căn hộ. Ngoài ra một dự án nhà cho thuê với 500 căn tại khu đô thị Việt Hưng đang được triển khai do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư.

Theo ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong số dự án nhà xã hội được chủ đầu tư đăng ký thời gian qua thì có rất ít dự án nhà cho thuê, phần lớn là nhà cho công nhân hoặc bán cho người thu nhập thấp. Mặc dù, nhà nước đã có nhiều cơ chế ưu đãi về giảm thuế thu nhập, thuế sử dụng đất, cho vay vốn ưu đãi…

Ông Xuân Anh cho rằng, nhiều chủ đầu tư không muốn bỏ vốn lớn rồi thu lại một cách nhỏ giọt. Thiếu chế tài đối với những trường hợp chây ì không trả tiền thuê nhà cũng khiến doanh nghiệp e ngại. Hiện các chủ nhà cho thuê đơn lẻ vẫn muốn cho sinh viên hoặc cán bộ thuê hơn là những người lao động tự do.

Giám đốc Sở Xây dựng còn lo ngại hơn 500 căn hộ cho thuê đang được xây dựng ở Việt Hưng nếu không quản lý tốt sẽ lặp lại như nhà 61 xưa kia – người dân mặc dù thuê của nhà nước, nhưng không đóng tiền cũng không chịu rời đi khi bị trục xuất.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, cho rằng, cần làm rõ vấn đề pháp lý trong việc cho thuê nhà, bởi sẽ có trường hợp hộ thương binh thuê nhà, cơ quan quản lý khó cưỡng chế khi họ trình bày đời sống khó khăn, không có khả năng trả tiền thuê…

Với góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 2, cho rằng, theo quy định chủ đầu tư không được phép cưỡng chế người nợ tiền nhà ra khỏi căn hộ mà phải đưa ra tòa dân sự. Như vậy, khá phiền hà cho chủ đầu tư khi người thuê cố tình chây ì. Trước mắt, để hạn chế kiện tụng, đơn vị này yêu cầu đặt cọc trước 3 tháng tiền nhà, nếu người thuê nợ tiền sẽ trả dần.

Hiện hơn 100 căn hộ của khối nhà đầu tiên do Hacinco 2 xây dựng trên đường Lê Văn Lương đã kín người thuê, với giá trung bình 150.000 đồng cho mỗi m2 trong một tháng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, người dân đã hình thành tập quán thuê nhà để ở. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải tạo nguồn cung nhà cho thuê. Ông Nam cho rằng, các thành phố lớn nên chủ động dành ra một tỷ lệ nhà cho thuê trong dự án nhà xã hội. Với giá thuê rẻ sẽ thu hút người thu nhập thấp.


“Cung” tăng vẫn chưa đáp ứng “cầu”

Tại TP. HCM, nghịch lý cũng đang diễn ra trên thị trường bất động sản thời gian qua, đó là “cái cần thì không có, cái có thì không cần”.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM trong mấy năm gần đây, Sở phê duyệt 130 dự án phát triển nhà ở thì có đến 63 dự án nằm trong khu vực trung tâm và gắn mác cao cấp. Điều đó chứng tỏ giới đầu tư chỉ “chăm chăm” xây nhà cao cấp để đưa ra thị trường… đầu cơ.

Trong khi đó, nhu cầu nhà ở thực sự của đại bộ phận người dân là có nơi để an cư, không phải là những căn hộ xa hoa có giá lên đến mấy ngàn USD/m2. Đến thời điểm đầu 2009, các nhà đầu tư mới bắt đầu chú tâm vào phân phúc căn hộ trung bình thấp.

Tuy nhiên, với số dân lên đến 7,4 triệu và hơn 1 triệu người nhập cư thì 1,8 triệu căn nhà hiện có của thành phố không đủ để đáp ứng nhu cầu. Chưa kể, trong số 1,8 triệu nhà đó thì có đến 5% thuộc diện lụp xụp, rách nát, trên và ven kênh rạch mà TP. HCM đang có chủ trương giải toả.

Theo Savills Việt Nam thì phân khúc nhà giá trung bình thấp đang tăng về số lượng, chiếm đến 75% số căn hộ tung ra thị trường TP.HCM năm qua. Nhưng ước tính trong thời gian ngắn hạn từ 2010 đến 2011, TP.HCM cần thêm gần 80.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở mới của người dân thành phố, thanh niên các tỉnh đến lập nghiệp và tái định cư các dự án đô thị.

Trong khi đó, thống kê các dự án nhà ở đã công bố thời gian qua thì trong năm 2010 – 2011, các nhà đầu tư cũng chỉ cung cấp được chừng 25.000 căn hộ. Như vậy, “cung” vẫn chưa đuổi kịp “cầu”.

Với ưu tiên đặc trưng của phân khúc này là giá thấp nên cho dù diễn biến thị trường có như thế nào thì giá của nó cũng sẽ không tăng mạnh. Do vậy, lợi nhuận đầu tư ở phân khúc này không lớn. Có lẽ đó cũng là lý do các nhà đầu tư ít mặn mà với phân khúc này.

Một chủ đầu tư thừa nhận: “Các dự án của đa số công ty bất động sản thường hướng đến là tầng lớp có thu nhập cao. Trong khi đó, nhu cầu thực về nhà ở của khách hàng trẻ, khách hàng có thu nhập trung bình khá là rất lớn mà các chủ đầu tư chưa đáp ứng được”.

Nhưng đứng ở một góc độ khác, điểm hấp dẫn của thị trường này chính là tính thanh khoản cao, giao dịch tốt. Và điều này có lẽ cũng rất quan trọng, khiến các chủ đầu tư phải cân nhắc, nhất là trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.

Thủ tục pháp luật

Xem Thêm  Hà Nội sẽ có Sở phòng cháy chữa cháy

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn