Tin Tức

TKV bị tố áp đặt cước vận chuyển, thu lời bất chính

Rate this post

Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành xi măng vừa đồng loạt ký đơn tố cáo Tập đoàn than và khoáng sản VN (TKV) lợi dụng chính sách trợ giá để áp đặt cước vận chuyển cao hơn thực tế, thu lợi bất chính.

Phương tiện vận tải thủy tại cảng Việt Trì rất nhiều nhưng doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải thuê của TKV với giá cao bất hợp lý – (Ảnh: Thanh Tùng)

Giá cước vận chuyển than cao gấp 3 lần bình thường

Tiếp xúc với báo giới, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng VN khẳng định, những gì mà các DN “tố” là có cơ sở và đã diễn ra từ lâu. “Việc TKV lợi dụng ưu thế độc quyền, ép DN phải chấp nhận giá cước vận chuyển cao hơn thực tế nhiều lần, đã kéo dài trong nhiều năm”, ông Thiện nói.

Năm 2008, hiệp hội đã gửi công văn đến các Bộ Công thương, Tài chính, Tổ điều hành thị trường trong nước, phản ánh tình trạng giá cước vận chuyển than của TKV từ bến bãi tập kết từng khu vực về cơ sở sản xuất xi măng không hợp lý. Ví dụ: từ cảng thị xã Ninh Bình về Nhà máy xi măng X18 Nho Quan (30 km), giá cước vận chuyển nhà máy có thể thuê chỉ 30.000 – 35.000 đồng/tấn nhưng TKV tính lên đến 98.000 đồng/tấn; hay từ cảng thị xã Ninh Bình về Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng (11 km), ngành than tính 72.000 đồng/tấn, cao hơn 3 lần giá bình thường.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Nhà máy xi măng X18 cũng so sánh: cùng một khoảng cách (30 km), cước vận tải than đến cao gấp 3 lần cước vận chuyển xi măng đi!

“Giá  than cám 4a (loại sử dụng nhiều trong sản xuất xi măng) hiện có giá giao tại cảng (Quảng Ninh) là 1.170.000 đồng/tấn. Nếu lấy mức giá vận chuyển trung bình là 50.000 đồng/tấn (chặng đường từ cảng ở Quảng Ninh đến cảng Việt Trì, Phú Thọ) cộng với 20.000 đồng (vận chuyển, bốc xúc đến nhà máy) và VAT (5%) là 58.000 đồng thì mỗi tấn than tới nhà máy cũng chỉ ở mức 1.298.500 đồng. Nhưng TKV buộc DN phải trả 1.400.000 đồng/tấn”, ông Thiện phân tích thêm.

Theo ông Thiện, toàn bộ các nhà máy xi măng trên cả nước có tổng công suất 50 triệu tấn/năm, lượng than phải tiêu thụ là 3,5 triệu tấn. “Nếu làm phép tính nhân đơn giản với số tiền 100.000 đồng/tấn chi phí vận chuyển cao hơn thực tế, thiệt hại của các DN xi măng trên cả nước sẽ là 350 tỉ đồng/năm”, ông Thiện nói.

Ông Phạm Duy Vinh, Phó giám đốc Nhà máy xi măng Việt Trung, cho rằng ngoài lợi thế độc quyền, TKV đã lợi dụng triệt để chính sách trợ giá than cho các hộ tiêu thụ lớn (điện, xi măng…) để ép DN xi măng phải chấp nhận hình thức vận chuyển áp đặt cả về phương tiện lẫn giá cả. “Nhà nước trợ giá không đồng nghĩa với việc TKV muốn làm gì thì làm. Tôi mua than trợ giá của Nhà nước, tại sao không được quyền mua tại cảng? Cái lý luận của TKV cho rằng phải chở than đến tận nơi vì sợ hộ mua than lợi dụng trợ giá bán đi bán lại kiếm chênh lệch là quá vô lý. Bán than đi đâu và bán thế nào được khi tháng nào, quý nào chúng tôi cũng phải báo cáo với TKV sản phẩm cùng sản lượng của chúng tôi căn cứ trên định mức than?”, ông Vinh bức xúc đặt câu hỏi.

Xem Thêm  Xét xử đường dây chạy miễn thuế

Thắc mắc sẽ bị… phạt

Nếu làm phép tính nhân đơn giản với số tiền 100.000 đồng/tấn chi phí vận chuyển cao hơn thực tế, thiệt hại của các DN xi măng trên cả nước sẽ là 350 tỉ đồng/năm. 

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng VN

Không chỉ phải trả mức cước vận chuyển “đội nóc” do TKV áp đặt, các DN xi măng còn tố: Độ ẩm than cho phép khi bán cho khách hàng là 8,5% nhưng bất cứ tàu than nào của TKV chuyển đến nhà máy, bộ phận kỹ thuật cũng phát hiện độ ẩm lên đến 10,5%.

Ông  Nguyễn Văn Kiên cho biết: “Đơn vị cung ứng của TKV nhận than ở Quảng Ninh với số lượng nhất định nhưng khi đến nhà máy thì số lượng (tấn than) đã tăng thêm vì độ ẩm tăng đến 3%. Như vậy cứ 10.000 tấn than DN xi măng mua của TKV sẽ phải trả thêm tiền cho 300 tấn than dôi ra do độ ẩm”.  Theo ông Kiên, nếu lấy lượng than phải tiêu thụ 3,5 triệu tấn/năm của toàn ngành xi măng nhân với 3% và nhân với giá bình quân 1 triệu đồng/tấn thì ngành xi măng VN lại mất thêm 100 tỉ đồng/năm và tổng thất thoát sẽ phải là 450 tỉ đồng chứ không phải con số 350 tỉ đồng.

Biết rõ là có gian lận trong vận chuyển nhằm tăng trọng lượng than từ đội tàu TKV nhưng cũng như các hộ mua than khác, Nhà máy xi măng Việt Trung phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì sợ TKV trừng phạt. “Chỉ cần tàu than đến chậm một ngày là nhà máy sẽ thiệt hại vài tỉ đồng. Một thời gian dài, chúng tôi phải sấy than trước khi đưa vào sản xuất. Cứ 1 tấn than đưa vào làm nhiên liệu, nhà máy mất 10%”, ông Vinh cho biết.

Các DN xi măng đều nói rằng, họ biết sự vô lý trong giá cước và gian lận trong vận chuyển mà TKV áp đặt nhưng “họ (TKV – PV) cứ đưa hợp đồng lên là phải ký”. Bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xi măng Hữu Nghị (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: “Việc chúng tôi quyết định thay đổi nhà cung ứng khác để đảm bảo lợi ích kinh doanh trên thực tế đã bị TKV trừng phạt, bằng cách đòi gấp số nợ gối đầu 15 tỉ đồng trong thời hạn 1 tuần. Khi yêu cầu này được đáp ứng, TKV lại quay sang tính lãi chậm trả cao nhất đến 97%/năm theo kiểu xã hội đen”.

Cũng vì được hưởng trợ giá ưu đãi nên tất cả các khách hàng của TKV chỉ biết ký kết hợp đồng với TKV mà không được thương thảo về giá cước vận tải. Doanh nghiệp nào “có ý kiến thắc mắc” sẽ bị TKV đe dọa ngừng cung cấp than.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn