Tin Tức

Tỉnh làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Rate this post

Quyết định 1260 của UBND tỉnh Quảng Trị trái với Quyết định 11 ngày 12/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế Khu Lao Bảo.

Chính sách “tiền hậu bất nhất” đã đẩy Siêu thị Đông Nam Á-một trong 3 siêu thị lớn nhất ở Khu Lao Bảo phải… đóng cửa (ảnh chụp sáng 28/7/2008).

Theo Quyết định 1260 của UBND tỉnh Quảng Trị, kể từ ngày 11/7/2008, người dân trong Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo (viết tắt: Khu Lao Bảo) phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi tiêu thụ 10 mặt hàng, trong đó có những mặt hàng thiết yếu như  cháo, phở, mỳ tôm, miến ăn liền, kem đánh răng…

Quyết định lạ lùng của Tỉnh

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị ngày 8/7, Cục Thuế Quảng Trị có Công văn 646 yêu cầu các đơn vị thuế và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh “Từ ngày 11/7/2008, hàng hóa có tên ở danh mục trên khi nhập từ nội địa vào Khu Lao Bảo và tiêu thụ trong Khu Lao Bảo đều phải chịu thuế GTGT như tiêu thụ tại nội địa”. 

Những doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu Lao Bảo sau khi nhận được thông tin này rất hoang mang lo lắng, bởi tại Điều 22 của Quyết định 11 về quy chế Khu Lao Bảo do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 12/1/2005 đã nêu rõ:

“Hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong Khu  Lao Bảo và hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu này không phải chịu thuế GTGT. Hàng hoá, dịch vụ từ nội địa Việt Nam đưa vào khu hưởng thuế suất GTGT là 0%”.

Và, ngày 7/9/2005, Bộ Tài chính ra Thông tư số 74, quy định: “Hàng hoá, dịch vụ từ nội địa Việt Nam xuất vào Khu Lao Bảo được hưởng thuế suất 0%; hàng hóa, dịch vụ lưu thông trong nội bộ khu không phải chịu thuế GTGT”.

Thuế tránh… người giàu (!?)

Việc tỉnh Quảng Trị ra quyết định đánh thuế 10 loại hàng hóa nêu trên được lý giải do tình hình hoạt động thương mại và điều kiện quản lý tại Khu Lao Bảo không theo kịp tình hình, để xảy ra nhiều bất cập, nhất là tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi để buôn lậu, để hàng hóa sau khi nhập vào khu thẩm lậu về lại nội địa…

UBND tỉnh Quảng Trị dựa vào cơ sở nào mà ban hành danh mục để Cục Thuế buộc người dân tiêu dùng và các doanh nghiệp ở Khu Lao Bảo phải nộp thuế nói trên? Những mặt hàng cháo, phở, mỳ tôm, miến ăn liền, kem đánh răng, xe máy… chẳng lẽ là những mặt hàng “nhạy cảm” và khó quản lý hơn… rượu ngoại, ôtô, máy điều hòa nhiệt độ (?!).

Thời gian qua, một số tờ báo (trong đó có Tiền phong) đã phản ánh về việc một số mặt hàng như ôtô, rượu ngoại, máy điều hòa nhiệt độ… được nhập khẩu vào Khu Lao Bảo khá lớn, có dấu hiệu lợi dụng chính sách miễn thuế để buôn lậu.

Xem Thêm  Chính sách thương mại, tài chính có hiệu lực từ giữa tháng 02

Rượu ngoại được UBND tỉnh Quảng Trị cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp nhập khẩu với số lượng lớn vào khu, đến mức ông Vũ Khoan lúc đó là  Phó Thủ tướng đã thốt lên tại một cuộc tổng kết về chống buôn lậu.

“Rượu ngoại nhập vào Lao Bảo chỉ có dân ở đó tắm mới hết!”. Máy điều hoà nhiệt độ cũng vậy. Các doanh nghiệp và những người dân trong Khu  Lao Bảo lắc đầu: Tại sao không thu thuế những người uống rượu ngoại, mua máy điều hoà, sắm ôtô mà lại đi đánh thuế người ăn mì tôm, cháo, miến, phở, kem đánh răng…?

Mua hàng có thuế vào khu… bán miễn thuế

Chưa đầy 4 ngày sau khi Công văn 646 có hiệu lực, ngày 14/7, Cục Thuế Quảng Trị lại ban hành Công văn 556 có nội dung sửa đổi, là từ ngày 11/7/2008 hàng hóa khi tiêu thụ trong Khu Lao Bảo được hưởng miễn thuế theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn sửa đổi của Cục Thuế Quảng Trị chỉ cho phép miễn thuế hàng hóa theo danh mục khi tiêu thụ trong khu, còn lại hàng hóa từ nội địa xuất vào khu thì vẫn phải nộp thuế GTGT.

Với cách thức áp dụng chính sách này, thì doanh nghiệp đi nhập hàng có thuế vào… bán miễn thuế trong khu. Đây là một điều vô lý, phi thực tế cho bất cứ một người đi kinh doanh nào!

Cũng theo quy định này của Cục Thuế Quảng Trị, cùng các loại hàng hóa nói trên nhưng là hàng hóa nước ngoài thì vẫn được nhập miễn thuế vào khu, trong khi hàng sản xuất trong nước thì phải nộp thuế. Chính sách thuế này liệu có “triệt tiêu” hàng Việt Nam ngay tại xứ sở của mình?

Sẽ xóa hết chính sách ưu đãi ?

Từ ngày 11/7 đến nay (28/7), các doanh nghiệp trong Khu Lao Bảo đã ngừng giao dịch vì chính sách thay đổi quá đột ngột. Theo Phó Chi cục trưởng Hải quan Khu Lao Bảo Nguyễn Đức Hưng: “Từ 11/7 đến nay, số lượng doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa giảm hẳn.

Theo tôi, những mặt hàng  cháo, phở, mì tôm, kem đánh răng, xe máy… là nhu cầu thiết yếu của người dân vùng biên giới, cửa khẩu, có giá trị nhỏ, tiền thuế không lớn thì lại bị đưa vào danh mục đánh thuế.

Trong khi chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị là các mặt hàng như rượu ngoại, máy điều hoà… có giá trị lớn, thuế lớn, những người có tiền nhiều mới tiêu xài nên cần đánh thuế để “giảm tải” quản lý và chống buôn lậu thì lại không được thực thi”.

Lãnh đạo BQL Khu Lao Bảo cũng khẳng định sự bất nhất trong chính sách ưu đãi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư vào khu. Hiện tại khu này đã có 3 siêu thị lớn của những nhà đầu tư có uy tín đã và đang xây dựng hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động được do những chính sách ưu đãi tại khu này vẫn còn có khoảng cách từ Chính phủ xuống địa phương, từ khi mời gọi đầu tư đến khi đi vào hoạt động.

Từ thực tế bức xúc này Chính phủ cần sớm có sự chỉ đạo để các cơ quan hữu quan chấn chỉnh các hoạt động ở Khu Lao Bảo theo đúng định hướng, quy chế ưu đãi của Khu mà Thủ tướng đã ban hành và địa phương đã cam kết với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn