Tin Tức

Tìm lời giải cho bài toán ách tắc giao thông

Rate this post

 Dự kiến, ngày 28-11, HĐND TPHCM sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về đề án: Quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông… trước khi đề án này được thông qua tại kỳ họp HĐND thứ 12, khóa XII, Báo Người Lao Động xin nêu bức tranh tổng thể về tình hình giao thông đô thị hiện nay và các giải pháp được đặt ra

Sáng nay, chạy một vòng quanh địa bàn quận 1 và quận 3 bỗng giật mình khi thấy

hàng loạt công trình cao ốc đang gấp rút xây dựng. Điều gì sẽ xảy ra khi nay mai, những cao ốc này đưa vào sử dụng, mỗi ngày có thêm hàng vạn người lưu thông vào khu vực nội thành, trong khi các tuyến đường ở đây hiện đã quá tải, thường xuyên ùn tắc giao thông?

“Chiếc áo” quá chật!

Nhiều người nói rằng giao thông của TPHCM cũng giống như một người mặc chiếc áo quá chật bị rách và cứ vá chỗ này thì lại rách chỗ khác… Thực tế, từ năm 2001 (TP có 5,28 triệu người-không tính dân ngoài tỉnh) đến hết năm 2006 (6,42 triệu người) dân số TP đã tăng thêm 21,5%, lượng xe cơ giới đường bộ tính đến tháng 10- 2007 đã lên đến 3.590.599 phương tiện, tăng hơn gấp đôi so với năm 2000. Thế nhưng, mật độ diện tích đường trên diện tích chung của TP hiện nay chỉ chiếm 1,7%.

Theo các chuyên gia về giao thông, với diện tích này thì không kẹt xe mới là… chuyện lạ. Ở các nước tiên tiến, để đáp ứng nhu cầu giao thông, diện tích đường so với diện tích chung phải đạt từ 15%-25%.

 Càng thống kê càng thấy “chiếc áo giao thông” của TP quá chật khi toàn TP có đến 35% tuyến đường rộng dưới 7 m chỉ phù hợp cho xe hai bánh lưu thông. Trong khi đó, số tuyến đường rộng 12 m có thể tổ chức cho xe buýt hoạt động lại chỉ chiếm 14%.

Hiện nay xe buýt và ô tô hầu như có mặt khắp các tuyến đường. Ở những nơi kẹt xe hễ thấy có xe buýt nối đuôi là người đi xe máy chỉ còn cách dắt xe lên vỉa hè ngồi đợi. Chưa hết, khi vấn nạn kẹt xe ở nội thành chưa có lời giải thì các quận, huyện ngoại thành cũng đang thấp thỏm âu lo vì mật độ đường sá chỉ đạt 0,45 km/km2 và nguy cơ kẹt xe trong vài năm tới cũng khó tránh khỏi.

Khi ô tô, xe máy thua đi bộ

Cách đây vài năm, nhiều người đã ngán ngẩm khi xe máy lưu thông ở khu vực nội thành chỉ khoảng 20 km/giờ lại càng ngao ngán hơn khi tốc độ còn thua đi bộ. Theo khảo sát của Sở GTCC, hiện nay vào giờ cao điểm xe hai bánh lưu thông chỉ đạt khoảng 10 km/giờ.

Trong khi đó, ô tô trên các trục đường chính chỉ khoảng 8 km/giờ. “Ngày nào đi làm cũng giống như cực hình vì chạy đường nào cũng bị kẹt xe. Nhiều hôm, buổi chiều làm xong việc nhưng sợ kẹt xe phải đợi đến sau 20 giờ mới dám về”- anh Nguyễn Văn Tài, nhà ở phường An Phú Đông, quận 12, làm việc ở quận 3, ngao ngán nói. Và đằng sau sự mệt mỏi, chán chường của người dân là những thiệt hại khủng khiếp về kinh tế.

Xem Thêm  Phát hiện thú vị từ bức tranh doanh nghiệp 2013

Còn nhớ năm 2006, người dân TP đã giật mình khi một nhóm nghiên cứu của Khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP công bố số tiền thiệt hại do kẹt xe mỗi năm lên đến 14.000 tỉ đồng. Còn với tình cảnh hiện nay, số tiền thiệt hại chắc sẽ cao hơn nhiều, đó là chưa kể nạn kẹt xe làm ảnh hưởng đến năng suất lao động, gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật… TP phải nhìn nhận: “Ùn tắc giao thông gia tăng dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kìm hãm sự phát triển của TP”.

Đặt ra nhiều giải pháp

Trong đề án quy hoạch phát triển giao thông, TP đã đưa ra chỉ tiêu: từ nay đến năm 2010 không để tình hình giao thông đô thị diễn biến xấu hơn và sau năm 2010 giao thông TP có cải thiện rõ rệt.

Theo quy hoạch đến năm 2025, quỹ đất dành cho giao thông và mật độ giao thông chính trên đầu người của TP phải đạt từ 22%-24%, nhưng thực tế hiện nay quỹ đất chỉ đạt 4,5% và mật độ giao thông trên đầu người chỉ đạt 5,52%. Số km đường giao thông/1.000 dân và số đường giao thông chính cũng chỉ đạt từ 32% đến 50% so với quy hoạch.

 Với số liệu này dễ dàng nhìn thấy, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp. Chưa kể bến bãi đỗ xe chỉ chiếm khoảng 0,1% diện tích nội đô, chưa đạt 10%. Trước tình trạng này, TP nhận định nếu không có biện pháp khắc phục thì tình hình sẽ càng trở nên xấu hơn, gây cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.

Trong những giải pháp cấp bách TP sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội đô. Ngoài đại lộ Đông Tây đang xây dựng, TP cũng đã khởi công xây dựng trục đường Bắc-Nam (từ nút giao thông bờ Nam cầu Bà Chiêm đến Hiệp Phước) dự kiến trong năm 2008 sẽ hoàn thành.

Đối với hệ thống đường bộ trên cao, từ nay đến năm 2010 sẽ ưu tiên xây dựng tuyến số 1 từ nút giao thông Cộng Hòa-Bùi Thị Xuân-kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Bên cạnh đó, tuyến tàu điện ngầm Bến Thành-Suối Tiên (dài 19,7 km) hiện đã được UBND TP phê duyệt, dự kiến từ năm 2008-2010 triển khai xây dựng và đầu năm 2014 đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, TP cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp các tuyến Quốc lộ 1A, 1K, 13, 22, 50. Hiện Quốc lộ 1K, đoạn ngã ba chợ Sặt-cầu Hóa An-nút giao thông Kha Vạn Cân đang triển khai đầu tư với quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2007. Riêng Tuyến Quốc lộ 1, phía Đông và xa lộ Hà Nội (đoạn từ ngã ba Vũng Tàu đến nút giao thông Tân Vạn) dự kiến đến cuối tháng 3-2008 sẽ khởi công dự án nâng cấp…  

“Bức tâm thư” gởi Quốc hội, Nhà nước

Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Trần Hoàng Thám cho biết, trước tình hình kẹt xe nghiêm trọng tại TPHCM, đoàn ĐBQH TPHCM đã chính thức gởi “bức tâm thư” cho Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Trong “bức tâm thư”, đoàn ĐBQH TPHCM đánh giá nạn ách tắc giao thông ở TPHCM không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội mà còn có nguy cơ mất trật tự an ninh. Đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị lãnh đạo QH, Nhà nước gấp rút giải quyết nạn kẹt xe ở TPHCM, bằng cách xem xét, chấp thuận đưa vấn đề giao thông của TP vào chương trình trọng điểm quốc gia. Có như vậy mới có thể tập trung đầy đủ mọi khả năng tài chính, năng lực quản lý để giải quyết giao thông của TPHCM.

 

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn