Thúc đẩy ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam
Ngày 22/1, Diễn đàn “Thị trường phân phối- bán lẻ Việt Nam: Tiềm năng – Hợp tác – Phát triển” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và Báo Đối ngoại Vietnam Economic News (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
|
Kênh bán lẻ hiện đại ngày càng phổ biến ở Việt Nam. |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu là những thách thức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nghiệp phân phối, bán lẻ nói riêng nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa-dịch vụ năm 2009 đã tăng trưởng 18,6% là kết quả rất đáng khích lệ.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan: Kênh bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển mạnh mẽ, dù hiện tại chỉ chiếm 20% nhưng năm 2010 sẽ chứng kiến sự bùng nổ loại hình này. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn ví dụ các sản phẩm phải sạch có nguồn gốc, không dùng túi nilon… sẽ trở nên phổ biến hơn.
Do đó, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cần đặt người tiêu dùng là trung tâm, cần nắm bắt được xu hướng tiêu dùng và coi thị hiếu người tiêu dùng là định hướng cho ngành công nghiệp bán lẻ.
Bà Loan cũng cho biết: Thị trường bán lẻ khu vực nông thôn nước ta có tiềm năng rất to lớn, bởi khu vực nông thôn có tới 70% người tiêu dùng. Vì thế các doanh nghiệp cần phối hợp tổ chức đưa hàng về nông thôn để khai thác thị trường này.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, để cạnh tranh tốt với các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính rất lớn, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần cải thiện khả năng liên kết của mình, bởi hiện tại sự liên kết này vẫn còn yếu.
Vai trò quy hoạch, quản lý của nhà nước
Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện Bộ đang xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam 2009-2015 và định hướng đến năm 2025” với mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng một cách hợp lý trong giai đoạn 2009-2015 nhằm tạo môi trường vật chất ngày càng thuận lợi hơn, văn minh hơn và hiện đại hơn, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển thị trường, trong đó, quy hoạch thị trường bán lẻ. Đặt mục tiêu tăng trưởng bán lẻ hàng hóa hơn 18% trong giai đoạn 2010-2015 và tăng lên mức cao nhất là hơn 20%/năm vào những năm tiếp theo.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thị trường thương mại nội địa hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hướng về thị trường trong nước.
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ hơn lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thủ tục pháp luật