Tin Tức

Thiểu phát mà giá tiêu dùng tăng: Nguy hiểm

Rate this post

Ngân hàng Nhà nước chưa làm được trách nhiệm cung ứng đầy đủ tiền cho nền kinh tế phát triển bền vững.

“Hiện nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng thiểu phát, tức là thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chứ không phải là lạm phát. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vai trò của mình có thể giải quyết được khó khăn này ngay tức thì bằng cách cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay với lãi suất 3%-4% để vốn đến doanh nghiệp (DN) chỉ tối đa là 8%/năm mà thôi” – trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh như vậy.

Nhầm lẫn chỉ số giá tiêu dùng với lạm phát

. Ông có nói Việt Nam hiện không lạm phát như lo lắng của nhiều người, xin ông giải thích rõ hơn điều này?

+ Nếu ai nói Việt Nam có lạm phát là hiểu lầm lạm phát với việc tăng giá tiêu dùng. Tăng giá tiêu dùng có những lý do và yếu tố của nó. Còn lạm phát là lạm dụng quyền phát hành đẩy ra quá nhiều tiền trong khi hàng hóa ít. Nền kinh tế đang thiếu thanh khoản. Các NHTM không thể huy động được vốn ở trong dân nên không có vốn để cho DN vay.

Căn nguyên là chúng ta hiểu lầm hai vấn đề chỉ số giá tiêu dùng là lạm phát. Quyết định tăng lãi suất để hạn chế cung tiền nhằm kiềm chế lạm phát đã tiếp tay cho việc tăng chỉ số tiêu dùng. Làm cho nền kinh tế khó khăn khi DN không có vốn để sản xuất, nếu vay được vốn thì chi phí đầu vào quá cao. Thực tế chúng ta đang trong tình trạng khá nguy hiểm là thiểu phát mà giá tiêu dùng vẫn tăng.


Cần có lưu lượng tiền tệ với lãi suất hợp lý để bảo đảm doanh nghiệp vay và kinh doanh có lãi. Ảnh: HTD

Lãi suất cơ bản tăng từ 7% đến 8%/năm từ tháng 11-2009 nhằm hạn chế cung tiền ra thị trường. Nhưng nhờ có 430.000 tỉ đồng được bù lãi suất nên vốn đến DN chỉ là 6,5%/năm chứ không phải 10,5%/năm như quy định. Nhưng đột nhiên, năm 2010 không được bù lãi suất nữa, lãi suất cho vay tăng lên 12%, thậm chí là 19%/năm nên chi phí đầu vào của DN từ lãi suất đã tăng lên trên 200%. Khi lãi suất đầu vào tăng như vậy thì đương nhiên giá cả các mặt hàng cũng sẽ tăng theo. Đó là chưa kể đến hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác như điện, nước, xăng, dầu… cũng đồng loạt tăng giá trong quý I năm nay.

. Nghị quyết 23 của Chính phủ vừa ban hành ngày 7-5 có chỉ đạo NHNN khẩn trương tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế. Vậy theo ông NHNN phải làm gì?

+ Vai trò của NHNN là điều tiết lưu lượng tiền tệ cho đủ để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, không dư để tạo ra lạm phát, không thiếu để tạo ra thiểu phát. Tức NHNN cầm máy soi mỗi ngày, nếu thấy bệnh nhân bị tăng huyết áp, tức là bị lạm phát sẽ phải hút tiền về, còn nếu bệnh nhân bị huyết áp thấp, tức là thiểu phát thì phải bơm tiền ra.

Xem Thêm  Đi tìm tội danh cho các đối tượng cầm đầu Muaban24

NHNN đã không làm được trách nhiệm của mình là cung ứng đầy đủ tiền cho nền kinh tế để phát triển bền vững.

Vốn đến DN tối đa 8%/năm

. Vậy NHNN sẽ sử dụng biện pháp gì?

+ Theo tôi, vai trò của NHNN hoàn toàn có quyền phát hành giấy bạc, tín dụng mà không phải trả một đồng lãi suất nào cho ai để có thể tổ chức lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế. DN không phát triển được thì đừng có nói là đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như mục tiêu đã đề ra. Muốn tăng GDP thì DN phải có vốn để tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.

. Vậy làm thế nào để có lãi suất cho vay đảm bảo DN kinh doanh có lãi, thưa ông?

+ Yêu cầu đặt ra là phải có lưu lượng tiền tệ với lãi suất hợp lý. NHNN nên mở van ra cho NHTM vay với lãi suất chừng 3% để vốn đến DN chỉ 7%-8% mà thôi. Với mức này thì DN mới phát triển được. NHNN chỉ cần viết giấy rồi ghi sổ cho NHTM A vay 100.000 tỉ đồng chẳng hạn, chứ vốn đâu phải đi huy động trong dân. Điều quan trọng là đối với vốn mà NHNN cho các NHTM vay phải quy định chỉ cho vay theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh.

. Liên quan đến điều hành tỉ giá, đồng euro, bảng Anh đã giảm rất mạnh so với mấy tháng trước nhằm hỗ trợ sản xuất hàng trong nước, phục vụ xuất khẩu. Theo ông, Việt Nam có nên áp dụng chính sách này?

+ Hoàn cảnh nền kinh tế Việt Nam khác với các nước phát triển bởi họ không phải nền kinh tế dựa trên nguyên liệu nước ngoài quá nhiều như chúng ta. Các nước khác không lệ thuộc vào nhập khẩu, nên khi đưa ra biện pháp giảm giá đồng tiền là để hàng hóa trong nước rẻ hơn, có thế cạnh tranh với hàng hóa nhập và hỗ trợ xuất khẩu.

Với Việt Nam, những mặt hàng xuất khẩu chiến lược như may mặc, giày dép phụ thuộc 80% vào nguyên liệu nhập khẩu. Khi hạ VNĐ, giá nhập khẩu cao sẽ đẩy giá thành tăng. Do vậy, việc hạ giá VNĐ sẽ làm hại nhiều hơn làm lợi cho chúng ta.

. Xin cảm ơn ông.

Duy trì tỉ giá ổn định

Hôm qua (13-5), NNHN đã khẳng định như vậy trước dư luận những ngày gần đây có thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng về việc sẽ điều chỉnh giảm giá VND 4% so với USD. NHNN khẳng định đây là thông tin thất thiệt không có cơ sở, gây tâm lý hoang mang trên thị trường.

Từ cuối tháng 3-2010 đến nay, thị trường ngoại hối đã đi vào hoạt động ổn định, nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, các nhu cầu hợp lệ về ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp đã được đáp ứng đầy đủ. Các tổ chức tín dụng luôn duy trì trạng thái ngoại hối dương (tức là doanh số mua ngoại tệ cao hơn doanh số bán ngoại tệ). Các tổ chức tín dụng không những mua được ngoại tệ đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho khách hàng của mình, mà còn dư thừa để bán lại cho NHNN. Tính từ giữa tháng 4 đến nay, NHNN đã mua được từ các tổ chức tín dụng hơn 1 tỉ USD để tăng dự trữ của NHNN.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn