Theo dấu chân gà lậu
Ngay khi có mặt tại Lạng Sơn, nhập vai một tay buôn có nhu cầu hàng lớn, chúng tôi được người bạn tên K. đưa đi gặp một đầu nậu tên M. tại khu vực Thác Nước, Đồng Đăng. M. vào vấn đề ngay: “Chị nhận chuyển hàng cho hơn 10 chủ ở Lạng Sơn với giá chung: một lồng gà về đến kho bên mình là 80.000 đồng (tiền cân là 20.000 đồng, tiền trông đường là 60.000 đồng một lồng), sau đó nếu bọn em tự chuyển hàng thì phải chịu trách nhiệm. Còn nếu bên Trung Quốc “bao qua” thì phải trả 60 nhân dân tệ mỗi lồng”. Tối hôm đó, chúng tôi theo chân đội vận chuyển và kiểm kê của M. sang Trung Quốc để “ăn” hàng.
“Hoạt động lén cho đỡ… phô”
Vượt chừng 3 km đường đèo từ địa phận Bảo Lâm (Lạng Sơn) chúng tôi cùng đoàn vận chuyển đến một bãi gà khá kín đáo có tên là Lũng Vài (thuộc địa phận Trung Quốc). Hàng nghìn con gà đóng trong lồng kê thành đống chật ních trên diện tích khoảng 400 m2 chuẩn bị đưa về Việt Nam. Khi chúng tôi đến nơi, đã có khoảng 5 đầu nậu người Việt và hàng chục cửu vạn chờ sẵn để vận chuyển qua biên khi cuộc gã giá xong xuôi. Mọi hoạt động chọn, cân gà, giao tiền, vận chuyển… âm thầm diễn ra trong màn đêm lạnh giá dưới ánh sáng của đèn pin. Cách đây một năm, gà Trung Quốc được vận chuyển ngang nhiên vào bất kỳ thời điểm nào, thì nay chỉ hoạt động về đêm. Anh K. giải thích: “Cho nó đỡ “phô”, dù “làm luật” rồi”.
Kho tập kết gà lậu tại Bắc Ninh. |
Khoảng 22h, khi các đầu nậu ngã giá xong, từng lồng gà được đội cửu vạn gồng gánh chuyển qua biên. Trong đêm tối không ai bảo ai, chất gánh gà lên vai, đoàn cửu lặng lẽ rời bãi lên các con đường mòn (mỗi đầu nậu chọn một con đường riêng). Cửu vạn chủ yếu là người bản địa, nên với họ việc vượt núi không khó khăn gì. Một chị trong đoàn cửu vạn cho hay: “Bọn em được trả 2.000 – 5.000 đồng cho mỗi con gà qua biên, tùy thuộc độ dài của đường. Một tối, ai khỏe thì gánh được ba chuyến, mỗi chuyến chừng 30 con. Ấy vậy mà nhiều khi còn bị chủ… chạy làng”.
Tầng, nấc trạm trung chuyển
Khoảng 1h, vượt 3 km đường rừng mới về đến Lạng Sơn, chúng tôi và đoàn gánh gà tập trung hàng tại bãi đất an toàn. Tại đây, có một số người chờ sẵn để bỏ gà lên xe gắn máy rồi đưa về khu vực Tam Lung (làng Pẩy Muôi, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc) nằm giữa thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng. Đây là điểm tập kết gà an toàn nhất của các đầu nậu, vì tránh được các trạm kiểm soát tại khu vực Hữu Nghị quan, thị trấn Đồng Đăng, trạm Dốc Quýt… Sau đó gà được đội vận chuyển khác đưa về kho chứa của các chủ hàng trong thành phố Lạng Sơn. Khi lượng đủ cho một chuyến xe từ 1,2 đến 1,5 tấn, gà được đưa về các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…
Giá gà lên xuống phụ thuộc vào đường đi, tỷ giá giá giữa tiền đồng và nhân dân tệ tại từng thời điểm nên ngay khi về đến bãi gà, chị M. cập nhật giá cho tôi: “Đường của chị gà đi nhiều hơn Nà Pàn (Bảo Lâm) và Thạch Đạn. Vì đường xa nên giá cao nhưng hàng đẹp và an toàn. Mỗi ngày chị giao hàng chục tấn cho các chủ ở Lạng Sơn (một ngày từ 20 – 30 tấn). Chị vẫn “làm luật” nhưng đa số là đi chui. Đợt này, gà qua biên của chị về đến Tam Lung có giá 50.200 đồng một kg, nhưng đến Lạng Sơn là 60.000 đồng. Em xem có lấy được thì mai gọi điện cho chị báo số lượng”.
Theo một người bạn là tài xế tại đây thì để vận chuyển an toàn về đến Hà Nội, bắt buộc hàng phải qua các kho và mỗi nơi có giá khác nhau: đến thị trấn Kép (Bắc Giang) là 2,2 triệu đồng mỗi chuyến; thành phố Bắc Giang là 3 triệu đồng; Bắc Ninh là 4 triệu đồng. Tại Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh phải qua kho của anh H., còn đến thị trấn Kế, Bắc Giang phải qua kho của D. hoặc H.H”.
“Chim lợn” dày đặc
Khoảng 1h45, chúng tôi quay ngược lại bãi gà để tìm hiểu tiếp nhưng không may bị lọt vào “tầm ngắm” của các đầu nậu. Ngay lập tức, trên đường đi không hề thấy một xe máy chở gà nào, nhưng ngược lại luôn có 2 – 3 chiếc xe máy bám sát chúng tôi để quan sát mọi động thái. Anh K. cho hay: “Tất cả quy trình vận chuyển được hệ thống trông đường, hay còn gọi là “chim lợn”, giám sát rất nghiêm ngặt. Các “chim lợn”, đầu nậu và chủ hàng gà được trang bị máy bộ đàm cùng tần số cố định, chỉ cần có tín hiệu báo là tạm ngưng toàn hệ thống”. Nhưng khi xe chúng tôi áp vào một quán nước bên đường, thì hàng chục chiếc xe máy chở gà lại ào ào lao đi. Lúc này khoảng 2h15.
Ngày hôm sau, trên đường về Hà Nội, chúng tôi ghé kho gà tại Bắc Ninh để tham khảo thì thấy một lượng gà lậu Trung Quốc khổng lồ đang tập kết ở đây. Nhưng theo một người bạn thì kho này chỉ bằng một nửa kho trên Kế. “Gà đi đường Lạng Sơn to hơn (1,5 – 2,5 kg) và đẹp hơn gà đi đường Móng Cái. Thoạt nhìn, gà Trung Quốc không khác nhiều so với gà trong nước, nhưng thịt không chắc và ngại nhất là không biết nó có bệnh tật gì không. Mặt hàng này được tuồn vào các chợ, quán ăn, nhà hàng, khách sạn…”, K. cho biết thêm. Và có một điều chắc chắn, tất cả số gà này không hề được kiểm dịch. Từ các trạm trung chuyển, chúng đượng đưa đi khắp nước, nhiều nhất là thị trường Hà Nội.
Thủ tục pháp luật