Tin Tức

‘Tham ô’ hay ‘lợi dụng chức vụ’?

Rate this post

Ngày 27/4, TANDTC sẽ xét xử phúc phẩm vụ chiếm đoạt tiền vé và tiền công đức tại Khu di tích đền Cao và tượng đài Trần Hưng Đạo, xã An Sinh, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, nhiều người theo dõi vụ án lại cho rằng tội danh của các bị cáo phải là “Tham ô” mới chính xác.

Quay vòng vé và “rút lõi” tiền công đức

Ngày 17/1/2006, UBND huyện Kinh Môn (Hải Dương) thành lập Ban quản lý di tích An Phụ (gồm cụm di tích đền Cao và tượng đài Trần Hưng Đạo tại thôn An Phụ, xã An Sinh, huyện Kinh Môn); ông Nguyễn Thắng Cần, Chủ tịch UBND xã An Sinh được giao chức vụ Phó ban; bà Nguyễn Thị Luyên, kế toán xã An Sinh, được giao chức vụ kế toán của Ban.

Tiếp theo đó, UBND xã An Sinh cũng thành lập Ban tổ chức lễ hội đền Cao, do ông Cần làm Trưởng ban, bà Luyên làm ủy viên phụ trách tài chính.

Lợi dụng các chức vụ được giao, Cần, Luyên và một số người dưới quyền làm nhiệm vụ bán vé, soát vé đã dùng thủ đoạn bán quay vòng vé vào cửa khu vực lễ hội, và rút bớt tiền công đức khi kiểm đếm, để chia nhau.

Cụ thể, từ 31/1/2006 đến 26/2/2006, nhóm người này đã bán quay vòng được 45.199 vé, chiếm đoạt 135.597.000đ. Riêng việc “rút lõi” tiền công đức thì chỉ có Cần và Luyên thực hiện.

Trước ngày 26/2/2006, Luyên đã nhiều lần “rút lõi” tiền công đức trong lúc kiểm đếm, tổng cộng lấy được 10 triệu đồng; riêng ngày 26/2/2006, Luyên rút được 4,2 triệu đồng; lúc Luyên đang chia cho Cần 2 triệu đồng thì bị Công an huyện Kinh Môn bắt quả tang.

Xem Thêm  Từ "kỉ luật và đồng tâm" sang "cạnh tranh và minh bạch"

Ngày 16-17/1/2007, Cần, Luyên và 6 đồng phạm khác đã ra trước phiên toà sơ thẩm do TAND tỉnh Hải Dương xét xử. Toà tuyên các bị cáo phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, phạt Cần 7 năm tù, Luyên 6 năm tù, các bị cáo khác chịu mức án thấp hơn.

Trong các bị cáo, có Đào Thọ Trượng (nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Sinh) kêu oan, cho rằng mình không giữ chức vụ gì trong việc quản lý tài chính của lễ hội đền Cao, và không hưởng lợi từ các hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo khác. Toà sơ thẩm đã phạt Trượng mức án 5 năm tù. Sau phiên toà, Trượng có đơn chống án và tiếp tục kêu oan…

Sao không phải là “tham ô” ?!

Nhiều người theo dõi phiên toà này cho rằng hành vi của các bị cáo tuy có dấu hiệu của tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn”, song truy tố và xét xử các bị cáo theo tội danh này là chưa chính xác, phải là “tham ô” mới đúng.

Tội “lợi dụng chức vụ…” và tội “tham ô” đều là các tội danh liên quan đến chức vụ, chúng có điểm chung là người có hành vi này đều có chức vụ, và đã làm trái chức năng, quyền hạn được giao để trục lợi.

Tuy vậy, giữa hai tội danh này có điểm khác biệt cơ bản. Đó là ở tội “tham ô”, người phạm tội là người trực tiếp được giao quản lý tài sản, song đã chiếm đoạt chính tài sản mình được quản lý; còn ở tội “lợi dụng chức vụ” thì người phạm tội không trực tiếp quản lý tài sản mà người đó chiếm đoạt.

Theo những phân tích trên thì các bị cáo Cần, Luyên phải bị truy tố và xét xử về tội “tham ô” mới chính xác, bởi các bị cáo này chính là những người được giao trực tiếp quản lý các khoản tiền thu được từ lễ hội đền Cao, và họ đã chiếm đoạt tiền do mình quản lý.

Hy vọng tại phiên toà phúc thẩm lần này, vấn đề tội danh của các bị cáo sẽ được HĐXX xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo nguyên tắc các bị cáo phải được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Đinh Anh Tuấn – Tiền phong

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn