Tàu ngầm Colombia “đổ” ma túy vào Mỹ
Hải quân Mexico vừa thông báo đã bắt giữ một tàu ngầm chở gần 6 tấn cocaine, lượng ma túy lớn nhất bị tịch thu trong năm nay tại nước này. Đây là lần đầu tiên Mexico phát hiện tàu ngầm chở ma túy, một “sản phẩm tự chế” nổi tiếng của mafia Colombia những năm gần đây, chuyên “cung cấp” ma túy cho thị trường Mỹ.
Xuất xứ từ Colombia
Phó Đô đốc Hải quân Mexico, Jose Maria Ortegon cho biết, tàu ngầm trên chở tổng cộng 5.815kg cocaine, chia làm 257 gói. Tàu này cùng 4 thủy thủ quốc tịch Colombia đã bị Hải quân Mexico bắt giữ hôm 16-7, sau 3 giờ rượt đuổi ở Thái Bình Dương, ngoài khơi bang Oaxaca.
Mất 2 ngày Hải quân Mexico mới kéo được tàu ngầm về bờ. Các thủy thủ bị bắt khai họ chỉ là ngư dân, bị mafia buộc điều khiển tàu ngầm từ Buenaventura (cảng biển lớn nhất Colombia) đi đến vùng biển Mexico.
Hải quân Mexico áp giải tàu ngầm bị bắt về cảng Salina Cruz |
Reuters cho biết, tàu ngầm dài 10m, trang bị động cơ diesel, có thiết bị định vị toàn cầu (GPS), la bàn hiện đại… Phó Đô đốc Ortegon thừa nhận đây là lần đầu tiên họ tận mắt thấy loại tàu ngầm tự chế này, vốn rất khó bị phát hiện bởi radar hay các thiết bị dò tìm điện tử.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, Micheal Chertoff tiết lộ, chính tình báo Mỹ đã cung cấp thông tin về tàu ngầm này cho phía Mexico truy bắt.
Colombia là nước dẫn đầu thế giới về sản lượng cocaine với hơn 600 tấn/năm và tàu ngầm chính là “sản phẩm tự chế” nổi tiếng của các tập đoàn ma túy nước này. Theo Hải quân Colombia, việc chế một tàu ngầm chở ma túy tốn khoảng 600.000 đến 1 triệu USD, với 15 người làm việc trong một năm.
Từ đầu năm 2007 đến nay, Colombia đã phát hiện 7 “xưởng đóng tàu ngầm” của các tập đoàn ma túy, trong đó có vụ cuối tháng 10-2007, phát hiện đến 2 tàu ngầm bằng sợi thủy tinh và nhựa tại một xưởng ở ngoại ô Buenaventura, một tàu dài 17m chờ hạ thủy và tàu còn lại sắp hoàn tất.
Năm 2000, cảnh sát Colombia từng tìm thấy ngay gần thủ đô Bogota một tàu ngầm bằng thép đang được chế tạo, dài 30m, có thể chở tới… 200 tấn cocaine.
Mối lo lớn của Mỹ
Tàu ngầm tự chế hiện được cho là phương tiện hàng đầu để đưa ma túy từ Colombia vào Mỹ. Trong một cuộc họp báo mới đây, Đô đốc Tuần duyên Mỹ, Joseph Nimmich cho biết: Thông tin về các tàu ngầm chở ma túy đã xuất hiện từ 10 năm trước nhưng do rất khó phát hiện nên đến tháng 11-2006, Mỹ mới bắt được và đưa chiếc đầu tiên lên bờ.
Đô đốc Nimmich hiện chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm phối hợp liên ngành phía Nam (JIATF), nhóm hỗn hợp gồm Tuần duyên Mỹ, Hải quân Mỹ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cùng các lực lượng chống ma túy của 12 nước, phối hợp chống nạn buôn ma túy từ Nam Mỹ.
Hôm 16-6 vừa qua, Tuần duyên Mỹ phát hiện một tàu ngầm chở khoảng 5-7 tấn cocaine ngoài khơi phía Tây Bắc biên giới Colombia-Ecuador nhưng tàu ngầm này đã trốn thoát trước khi bị bắt kịp.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Tuần duyên và Hải quan Mỹ bắt giữ một tàu ngầm chở khoảng 5,5 tấn cocaine trị giá khoảng 352 triệu USD ở ngoài khơi Trung Mỹ, cách biên giới Mexico-Guatemala về phía Tây Nam khoảng 500km.
Theo ông Nimmich, từ năm 2006, khi những tàu đánh cá, được sử dụng chủ yếu để vận chuyển cocaine số lượng lớn, bị bắt nhiều, các tập đoàn ma túy Colombia chuyển sang dùng tàu ngầm.
Từ tháng 10-2007 đến 2-2008, Tuần duyên Mỹ đã phát hiện 27 tàu ngầm tìm cách xâm nhập vùng biển Mỹ, nhiều hơn tổng số vụ phát hiện trong 6 năm trước.
Ước tính hiện có khoảng 40 tàu ngầm đang hoạt động, chở lượng cocaine khổng lồ từ Colombia tới Mexico, Honduras hay Guatemala, sau đó ma túy được tiếp tục đưa vào Mỹ bằng đường bộ. Mỗi năm, các tàu ngầm này đã chuyển khoảng 500-700 tấn cocaine vào Mỹ .
Theo thông tin của JIATF, tàu ngầm tự chế hiện đã đến thế hệ thứ ba, có vỏ thép, trang bị 2 động cơ công suất lớn hơn, có thể đi xa đến 5.000km. Mỗi chuyến tàu chở trung bình 4-5 tấn cocaine và loại mới chở được đến 12-15 tấn.
Các điểm chế tạo tàu ngầm được cho là trong rừng sâu ở Tây Colombia. Trong năm nay ước tính có 70-80 tàu mới được đưa vào sử dụng. Mafia thường thuê hoặc ép các ngư dân điều khiển tàu, mỗi chuyến đi khoảng 2 tuần được trả hơn 100.000 USD. Khi bị phát hiện hoặc sau khi giao hàng, tàu ngầm thường bị đánh chìm để phi tang. |
Thủ tục pháp luật