Tái định cư cho dân chạy theo thành tích?
>> Công trình chậm, không quy được trách nhiệm?
Đây là hai Giám đốc Sở trả lời chất vấn cuối cùng của kỳ họp lần này.
Bố trí tái định cư ở cánh đồng, không điện nước
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. (ảnh: Phạm Cường) |
Mở đầu phiên chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng là vấn đề liên quan đến 152/445 chung cư được xây dựng trước giải phóng, đến nay đã hư hỏng, có nguy cơ sập.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thắc mắc: “Trong 152 chung cư hư hỏng nặng, có đến 63 chung cư sắp sập, cần xây dựng mới. Đây là các dự án nằm trong tầm quản lý của TP, nhưng thủ tục thì quá chậm, đến 2 – 3 năm mới xong một dự án. Vậy vướng mắc ở đâu, nếu xảy ra sập, gây thương tích cho các hộ dân thì ai chịu trách nhiệm?”.
Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa cũng đặt câu hỏi: Sở cần có lộ trình sửa chữa chung cư hay chưa?
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng thừa nhận vấn đề các chung cư xuống cấp đang vướng nhiều thủ tục và đang tìm cách khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Thanh Chín không đồng tình: “Vậy việc chậm trễ này chẳng lẽ không ai chịu trách nhiệm? Đừng nói gì xa xôi, ngay chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, nơi được gọi là “mảnh đất vàng” vì nằm ngay trung tâm TP, đã tiến hành giải toả từ năm 1987 đến nay là đã 20 năm mà vẫn chưa xong. Không tưởng tượng nổi một dự án nằm ngay trung tâm TP mà có thể để kéo dài tới 20 năm. Mới có một chung cư mà đã thế, vậy TP còn trên 100 chung cư cần sửa chữa bao giờ mới xong?”.
Ông Dũng giải trình: “Vì đây là mảnh đất “đẹp” nên vừa qua TP có chủ trương là không xây chung cư nữa, chuyển sang sử dụng vào mục đích khác có lợi hơn!”.
Về việc tái định cư cho 4.715 hộ tạm cư dài hạn trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng cho biết, đến nay đã cơ bản giải quyết được 91%.
Đại biểu Đặng Văn khoa làm cả hội trường nóng lên khi nói: “Tôi hoàn toàn không yên tâm về con số 91% mà ông Dũng đã khẳng định”. Ông dẫn chứng: ngay hôm 2/7 vừa qua tôi đã đi kiểm tra một vài dự án vốn ngoài ngân sách trên địa bàn quận Bình Thạnh. Thực tế còn rất nhiều hộ dân chưa được bố trí tái định cư, trong số đó có hộ đã tạm cư đến 8 năm.
Ông Khoa giơ cao tấm ảnh bằng chứng của mình: “Có nơi giao nền đất thô tái định cư cho dân chỉ là một cánh đồng hoang vu, không đường đi, không điện nước như thế này đây, thử hỏi làm sao mà dân cất nhà lên để ở được? Có những hộ khi bị giải tỏa con cái họ còn rất trẻ, đến khi con cái họ lớn lên, lập gia đình, sinh con đẻ cái rồi mà vẫn còn…tạm cư!”.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng chống chế: “Ở đây chúng tôi không báo cáo kết quả thực hiện mà chỉ là báo cáo tiến độ thực hiện! Các nền đất thô bàn giao cho dân muốn xây dựng được thì phải có điện, nước, phải có các công trình phụ kèm theo. Sở không “thả nổi” vấn đề này mà sẽ tiếp tục đôn đốc thực hiện tới nơi, tới chốn”.
Về giải quyết tái định cư cho các hộ tạm cư, đại biểu Nguyễn Văn Bạch tỏ ra không yên tâm với số liệu báo cáo. Toàn TP với 16 quận – huyện có 4.636 hộ nhưng đến nay chỉ có 10 quận – huyện bắt đầu bốc thăm. Trong khi đó, con số tái định cư mà UBND TP đưa ra là 4.225 hộ, đạt tỷ lệ 91,1%. “Nghe báo cáo đã bố trí tái định cho dân đến hơn 90%, nhưng đằng sau con số “rất đẹp” đó lại ẩn chứa nhiều cái khó hiểu và những vất vả trong cuộc sống của người dân”.
Đồng tình, đại biểu Đặng Văn Khoa “dẫn chứng” bằng một tấm ảnh mà ông chụp cách đây 2 ngày (ngày 2-7) tại quận Bình Thạnh và khẳng định việc bố trí tái định cư cho dân vẫn chưa thể hoàn thành như báo cáo… Đại biểu đề nghị cần điều tra theo dõi, đừng vì chạy theo thành tích mà giao nền nhà cho dân không điện, không nước, không đường đi và cuộc sống người dân vẫn còn nhếch nhác.
Sống với 30.000 m3 nước thải y tế chưa xử lý mỗi ngày
Đại biểu Đặng Văn Khoa và tấm ảnh chụp cảnh tái định cư nơi hoang vu. (ảnh: Phạm Cường) |
Đến phần chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Trần Thế Ngọc, đại biểu Huỳnh Công Hùng giơ tay “truy” tình hình ô nhiễm của kênh tiêu Ba Bò đã cũ nhưng vẫn “nóng”: “Tình hình ô nhiễm tại đây rất nghiêm trọng nhưng không thấy Sở quan tâm và có hướng giải quyết”.
Cùng ý kiến này, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho hay, “khi đi thực tế, những tấm tôn lợp nhà của người dân chỉ lợp mới 3 tháng mà có thể dùng tay bẻ gãy mục, đủ thấy mức độ ô nhiễm. Đoàn làm phim của Đài truyền hình lên làm phim tư liệu về ô nhiễm cũng bị đổ bệnh cả đoàn(!). Lá phổi người dân nào chịu nổi khi sống trong một môi trường như thế”.
Đại biểu Quang cho rằng, giải quyết tình trạng ô nhiễm ở đây không thể chỉ một mình TP.HCM mà phải đề nghị tỉnh Bình Dương cùng tham gia, vì khu công nghiệp của tỉnh này gây ra ô nhiễm.
Đại biểu Võ Văn Sen đề nghị cho biết thời điểm dứt khoát 141 doanh nghiệp gây ô nhiễm chưa di dời, thắc mắc việc Giám đốc chưa đưa ra lộ trình xử lý nước thải.
Đại biểu Đặng Văn Khoa tiếp tục “tấn công”: “Nước thải y tế là vấn đề cũ nhưng kiến nghị hoài vẫn không thấy đả động gì”.
Giám đốc Trần Thế Ngọc giải trình, hiện mỗi ngày TP có khoảng 30.000 m3 nước thải y tế không được xử lý, các cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải nhưng quá cũ kỹ, xuống cấp…
Ông Ngọc lại “loay hoay”: Do kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải cao nên các bệnh viện, trung tâm y tế làm rất chậm. Sắp tới, Sở sẽ giám sát việc xử lý chặt chẽ hơn. Ông Ngọc thừa nhận hiện trạng chất thải, nước thải mà đại biểu Khoa nêu ra là hoàn toàn đúng và chính xác.
Về hướng xử lý rác, nhiều đại biểu không đồng tình với hình thức chôn lấp hiện nay. Giám đốc Trần Thế Ngọc cho rằng: Chôn rác chỉ là giải pháp tình thế vì rất ô nhiễm. TP đã có kế hoạch đóng cửa bãi rác Gò Cát vào tháng 12/2007 và đang triển khai xây dựng khu liên hợp xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) với nhiều mô hình, như nhà máy làm phân bón, nhà máy tái chế…
Thủ tục pháp luật