Sinh viên, người nghèo bị bán điện giá cao
khi tăng giá điện, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn phương án ưu tiên hỗ trợ giá với người nghèo, yếu thế. Dẫu vậy, cả triệu người nghèo, sinh viên vẫn bị giới cho thuê nhà trọ thu tiền điện giá cao. Ngành điện chưa thấy có biện pháp gì.
Người thuê nhà trọ ở nhiều nơi hầu như chưa được hưởng chính sách trợ giá của Chính phủ về giá điện |
Ăn chặn của người yếu thế
Tình trạng loạn thu tiền điện tại các nhà trọ cho sinh viên và người lao động nghèo lại nóng lên, khi giá bán điện mới được áp dụng từ 1/3/2009.
Một số chủ nhà trọ, phòng trọ trước đây thu của người thuê 2.500 đồng/kwh, nay rục rịch đòi thu đến 3.000 đồng/kwh. Trong khi đó, Thông tư số 05/2009/TT – BCT ngày 26/2/2009 của Bộ Công Thương quy định mức giá điện sinh hoạt cao nhất là 1.790 đồng/kwh (chưa có thuế giá trị gia tăng – VAT).
Để sinh viên và người lao động nghèo thuê nhà trọ được hưởng giá bậc thang từ mức thấp nhất 600 đồng/kwh (chưa thuế VAT), Thông tư quy định sinh viên và người lao động thuê nhà để ở, cứ bốn người tập hợp lại có thể ký hợp đồng mua điện trực tiếp của đơn vị bán điện nếu đáp ứng được một số yêu cầu quy định và sự đồng ý của chủ nhà trọ.
Một phòng trọ bốn người tiêu thụ 200 kwh/tháng. Nếu ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện, theo biểu giá quy định, chỉ phải trả 225.117 đồng bao gồm cả thuế VAT. Nhưng khi giá điện tính theo giá nhà trọ 2.500 đồng/kWh họ phải trả tới 500.000 đồng/tháng.
Chính sách giá điện sinh hoạt bậc thang có tính đến sự hỗ trợ về giá đối với hộ nghèo, hộ thu nhập thấp với giả định là các hộ này tiêu thụ dưới 100 kwh điện mỗi tháng. Chính sách này đang bị vô hiệu hóa một phần bởi các chủ nhà trọ. Trên thực tế, số lượng sinh viên và người lao động phải thuê nhà trọ trên cả nước là khá lớn (khoảng 1 – 2 triệu người), họ hầu như không được hưởng chính sách trợ giá của Chính phủ.
Do tính chất đặc biệt của thị trường nhà trọ cho thuê, người thuê nhà phải chấp nhận yếu thế trong các cuộc thương lượng thuê nhà, phòng trọ.
Xét về mặt đạo đức kinh doanh, hành vi thu tiền điện cao hơn giá quy định là chèn ép khách hàng thu lợi bất chính, đáng lên án. Dịch vụ lõi của việc cho thuê nhà là cho thuê mặt bằng để sinh hoạt; dịch vụ điện, nước là dịch vụ tiêu chuẩn kèm theo, không phải là dịch vụ giá trị gia tăng. Thậm chí, việc này được luật hóa rất cụ thể là nhà cho thuê phải đảm bảo chất lượng an toàn cho bên thuê nhà ở, cung cấp điện, nước… Trong các thị trường cho thuê phòng truyền thống, giá dịch vụ điện nước và các dịch vụ thiết yếu được gộp trong giá thuê.
Không làm theo luật
Việc thu tiền điện cao hơn giá quy định tại các nhà trọ, phòng trọ, có thể nhận dạng một số trường hợp sau: 1/ Thu tiền điện cao hơn giá quy định nhằm mục đích thu lợi. 2. Thu nhằm mục đích bù tổn thất và chi phí phần sử dụng chung như chiếu sáng, bơm nước…
Nhà trọ của người nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: Đăng Khoa |
Trường hợp thứ nhất thực chất là hoạt động kinh doanh bán điện cho bên thứ ba với giá cao hơn mức Chính phủ quy định. Hoạt động này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điện lực 2004 (Theo Luật Điện lực, chủ nhà cho thuê trọ là một khách hàng sử dụng điện) và Pháp lệnh Giá năm 2002.
Trường hợp thứ hai, chủ nhà có thể biện minh việc thu tiền điện cao hơn giá quy định là để bù tổn thất và chi phí sử dụng chung không phải là hành vi kinh doanh. Thực ra chi phí sử dụng chung như chiếu sáng, bơm nước và tổn thất phải được chia sẻ công bằng hoặc thỏa thuận bằng lòng giữa các bên. Các khoản này phải tách biệt, thu riêng ngoài số tiền theo số kwh điện sử dụng theo đồng hồ thu theo giá quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hành vi không tách phần thu sử dụng chung và tổn thất, đồng thời gộp vào giá chỉ số kwh đồng hồ chứa đựng hành vi định giá. Trong trường hợp này, chủ nhà trọ cũng có thể bị xử phạt như trường hợp thứ nhất.
Dù việc thu tiền điện quá giá quy định xảy ra trên diện rộng, các cơ quan có thẩm quyền dường như chưa xử lý được vụ nào. Dường như đang có sự lúng túng trong vận dụng các văn bản pháp luật.
Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể áp dụng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy mức độ thu lợi của người vi phạm theo quy định tại:
Điểm C khoản 4 Điều 9 Nghị định số 74/2003/NĐ-CP, với hành vi “tự ý bán điện cho tổ chức cá nhân khác khi không được sự đồng ý của bên bán điện”. Đối với hành vi này, sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Khoản 3 Điều 11 Nghị định 169/2004/NĐ – CP về vi phạm mức giá cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quy định. Đối với hành vi này, sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. |
Thủ tục pháp luật