Siết “đại trà”, người ngay chịu thiệt
Đối phó với một số doanh nghiệp gian lận mà áp dụng biện pháp siết chung sẽ khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng bị vạ lây.
Trong vòng mười năm qua đã phải thay đổi quy định về xuất nhập khẩu đến bốn lần, như vậy tuổi thọ của văn bản quá ngắn. Ảnh minh họa: QN |
Sáng 28-8, Tổng cục Hải quan và các hiệp hội, doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, thủy sản, cơ khí đã cùng ngồi lại bàn bạc việc cải cách thủ tục hải quan trong quản lý hàng xuất khẩu.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá đây là “hội nghị lịch sử” trong quá trình cộng sinh giữa ngành hải quan và doanh nghiệp nhằm lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để sửa đổi quy định về quản lý.
Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da giày Việt Nam đã nộp một bản kiến nghị 20 vấn đề cần sửa đổi.
Hợp đồng với nước ngoài không cần đóng dấu
Trong bản kiến nghị, các hiệp hội cho biết quy định hiện hành buộc các bên đối tác phải ký tên và đóng dấu trên hợp đồng gia công. Tuy nhiên, thực tế giao dịch cho thấy thương nhân nước ngoài thường chỉ ký tên mà không đóng dấu. Vì vậy, để đáp ứng quy định này, đã có nhiều doanh nghiệp làm con dấu giả để đóng vào hợp đồng và nộp cho cơ quan hải quan. Hiệp hội kiến nghị bỏ quy định buộc phải đóng dấu.
Ngành hải quan cũng đã nhất trí sẽ sửa đổi quy định theo hướng chấp nhận hợp đồng gia công không phải đóng dấu của đối tác nước ngoài.
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa đổi quy định về lưu mẫu hàng nhập. Doanh nghiệp cho biết theo quy định hiện nay thì cứ mỗi lần nhập hàng về, doanh nghiệp đều phải lưu mẫu. Tuy nhiên, một doanh nghiệp da giày phản ánh quanh năm cũng chỉ nhập về các loại da bò, heo, chuột, thỏ như nhau nhưng lần nào cũng phải lấy mẫu. Việc này còn gây khó cho doanh nghiệp khi phải bảo quản mẫu, kiếm chỗ lưu kho. Một doanh nghiệp khác cũng cho biết nhiều loại hóa chất nhập về mà lưu mẫu không dùng đến thì sau vài tháng cũng sẽ tự bay hơi đi hết.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị trong trường hợp thường xuyên nhập một chủng loại hàng nhất định thì không nhất thiết phải lấy mẫu từng lần, tránh mất công sức, mất thời gian.
Đại diện hải quan cho biết hiện nay chúng ta đang quản lý theo phương thức hậu kiểm. Nếu không lưu mẫu thì khi hậu kiểm lấy gì mà đối chiếu, sẽ gây khó cho cơ quan hải quan. Do đó, hải quan sẽ xem xét lại trường hợp nào cần lưu mẫu, trường hợp nào không.
Chi tiết hay chung chung đều… rối!
Ông Vũ Quang Vinh, Vụ trưởng Vụ Giám sát quản lý (thuộc Tổng cục Hải quan), cho biết hiện nay ngoài việc xác định tên hàng hóa và mã số HS cho hàng nhập khẩu thì còn phải xác định thêm tên hàng và mã nguyên phụ liệu cho hàng nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu. Mã này do hải quan và doanh nghiệp thống nhất với nhau để quản lý. Tuy nhiên, hiện tại có vướng mắc là nên thống nhất mã này cho nguyên phụ liệu trong một hợp đồng, hay phải thống nhất mã này cho nguyên phụ liệu trong toàn ngành hay trên toàn quốc. Ông cũng xin doanh nghiệp cho ý kiến về việc này.
Có doanh nghiệp nêu ý kiến xin đơn giản hóa việc đặt tên nguyên phụ liệu và mã số quản lý nguyên phụ liệu bởi lẽ từng loại nguyên phụ liệu đều ngày càng đa dạng, phong phú mà yêu cầu mỗi loại đều phải có mã riêng thì khó khăn trong quản lý.
Tuy nhiên, đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho biết từ năm 2002 đã yêu cầu doanh nghiệp mã hóa từng loại nguyên phụ liệu. Khi đó, có doanh nghiệp gom các phụ liệu cùng loại vào chung một mã. Tuy nhiên, đến khi thanh lý hàng tồn thì gặp vướng mắc. Cụ thể, một doanh nghiệp gom tụ điện với các mức điện dung khác nhau vào chung một mã, đến khi thanh lý thì không biết được tụ điện còn tồn dư là hàng thuộc hợp đồng nào, lần nhập nào, giá bao nhiêu. Trong khi đó, có doanh nghiệp phải nhập đến hơn 20.000 loại nguyên phụ liệu mà vẫn quản lý tốt. Do đó, không nên quy ước mã quá chung chung mà gây rối.
Càng chú thích càng gây vướng
Ông Phạm Ngọc Hữu (nguyên là điều phối viên hải quan của APEC, hiện là chuyên gia tư vấn cho ngành dệt may, da giày và thủy sản) cho rằng trong vòng mười năm qua, ngành hải quan đã thay đổi quy định quản lý xuất nhập khẩu đến bốn lần. Điều đó cho thấy tuổi thọ của văn bản quá ngắn!
Ông Hữu cũng dẫn chứng những trường hợp quy định gây khó cho nhau. Ví dụ, quy định yêu cầu doanh nghiệp nộp “chứng từ vận tải”. Nếu chỉ ghi vậy thôi thì không sao nhưng lại mở ngoặc chú thích thêm là “BL”. Trong khi hiện nay có ít nhất sáu loại chứng từ vận tải và BL chỉ là một loại chứng từ vận tải mà thôi. Tương tự, quy định yêu cầu nộp hóa đơn thương mại lại chú thích thêm là “commercial invoice”, trong khi “commercial invoice” chỉ là một trong số tám loại hóa đơn thương mại hiện dùng, vậy doanh nghiệp nộp một trong bảy loại hóa đơn thương mại khác có được không?
Tại hội nghị, các doanh nghiệp tỏ ý mong muốn ngành hải quan đơn giản hóa thủ tục, đừng vì thấy một số ít doanh nghiệp gian lận mà ban hành quy định siết chung, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp chân chính.
Bản thân ngành hải quan cũng thừa nhận số doanh nghiệp thuộc “luồng đỏ”, bị nghi ngờ thì nhiều nhưng thực tế phát hiện rất ít vi phạm.
Sẽ sửa nhanh các quy định liên quan
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết sẽ xem xét, sửa đổi quy định nhanh nhất nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm.
Ông Cường cũng yêu cầu các hiệp hội phối hợp cùng ngành hải quan phân loại doanh nghiệp trong phạm vi hiệp hội của mình, xem doanh nghiệp nào có độ rủi ro thấp – cao, chấp hành pháp luật tốt – chưa tốt để áp dụng thủ tục hải quan thuận lợi hơn. |
Thủ tục pháp luật