Sẽ cấp phép thêm karaoke
Giữa năm 2005, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 17/2005 yêu cầu các tỉnh, thành tạm ngưng cấp phép mới đối với kinh doanh karaoke. Mãi đến tháng 11-2009, Chính phủ ban hành nghị định về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, cho cấp phép trở lại đối với ngành nghề này. Việc cấp phép được thực hiện từ 1-1-2010 và cấp theo quy hoạch đã được phê duyệt của địa phương.
Nhu cầu tăng mà quy hoạch karaoke không chịu nở thì doanh nghiệp mở phòng thu âm!
Hiện nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM đang tính toán xây dựng lại quy hoạch đối với kinh doanh karaoke.
Cầu tăng mà cung giảm
Vào thời điểm 2004-2005, TP.HCM đã có quy hoạch kinh doanh ngành nghề karaoke. Theo đó, toàn TP có 885 điểm karaoke. Trong đó, phần lớn đã được cấp phép và phần còn lại là số dự kiến sẽ được cấp thêm. Tuy nhiên, do có Chỉ thị 17/2005 về tạm ngưng cấp phép mới nên con số dự kiến cấp thêm này cũng chưa được sử dụng. Thậm chí nhiều điểm karaoke đang hoạt động vào thời điểm đó khi xin gia hạn giấy phép mà không đáp ứng đủ điều kiện (về phòng ốc, về khoảng cách từ điểm kinh doanh karaoke đến trường học, bệnh viện, công sở phải trên 200 m, phải có cam kết về an ninh trật tự…) thì cũng không được gia hạn. Do đó, số điểm kinh doanh karaoke ngày càng giảm.
Số điểm kinh doanh như thế này ngày càng giảm vì không đủ điều kiện theo quy định. Ảnh: HTD
Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tính đến thời điểm hiện nay, số điểm karaoke đang thực tế hoạt động chỉ khoảng 470 điểm.
Trong khi đó, nhu cầu hưởng dịch vụ này ngày càng tăng, nhất là ở các quận mới và huyện ngoại thành. Do đó, trong đề xuất chỉnh sửa quy hoạch, các quận, huyện này cũng đề nghị được tăng thêm số điểm karaoke. Ngoài ra, các khách sạn cũng có nhu cầu mở dịch vụ karaoke tại khách sạn. Do đó, các quận, huyện cũng muốn đưa vào quy hoạch để có thể cấp phép. Do đó, các quận, huyện cũng đề xuất quy hoạch mới karaoke với trên 1.150 điểm karaoke trên toàn TP, thay vì 885 điểm như quy hoạch trước đây.
Chuyển sang mở phòng thu âm
Trong thời gian tạm ngưng cấp mới kinh doanh karaoke theo Chỉ thị 17/2005 thì tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng lách bằng cách chuyển sang kinh doanh dịch vụ thu âm. Theo quy định về đăng ký kinh doanh thì đây là ngành thu âm và thuộc ngành nghề kinh doanh không cần điều kiện. Trong khi đó, kinh doanh dịch vụ karaoke phải đáp ứng điều kiện về địa điểm, phòng ốc, ánh sáng,… theo quy định mới được kinh doanh. Doanh nghiệp kinh doanh ngành thu âm cũng tổ chức cho khách hàng hát tương tự như hát karaoke và bổ sung thêm việc thu âm lại phần trình diễn của khách hàng thành đĩa nhạc giao cho khách. Cơ quan quản lý thì đau đầu vì thực chất hoạt động này cũng y chang như hoạt động karaoke nhưng lại không bị điều chỉnh bởi quy hoạch karaoke.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề thu âm thì Sở không có lý do gì để từ chối. Nếu không tổ chức cho khách hàng hát thì làm sao doanh nghiệp thu âm được, mà đã cho hát thì làm sao phân định hát kiểu nào là hát karaoke và hát kiểu nào thì không phải karaoke? Thậm chí cũng không thể cho rằng dịch vụ thu âm là chỉ dành cho giới chuyên môn và không thể buộc phòng thu âm phải có nhạc công, nhạc cụ để phục vụ nhạc nền cho khách hàng hát. Do đó, cách hát dễ nhất để có thể kinh doanh dịch vụ thu âm là… hát karaoke!
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP đang yêu cầu các quận, huyện rà soát lại tình hình hoạt động phòng thu âm tại quận, huyện để có thể quản lý phù hợp hơn. Bởi lẽ nếu không quản lý được hoạt động phòng thu âm này thì có xây dựng quy hoạch karaoke cũng không còn tác dụng quản lý nữa.
Do không đáp ứng được điều kiện về khoảng cách (theo quy định, điểm karaoke phải cách trường học, bệnh viện, công sở trên 200 m) nên trong những năm qua có 124 điểm karaoke phải di dời đến địa điểm khác. Trong số này có 16 điểm ngưng hoạt động, 18 điểm bị buộc đình chỉ hoạt động, ba điểm vẫn đang làm thủ tục di dời, một điểm không tìm được địa điểm di dời nên đang xin cứu xét… |
Thủ tục pháp luật