Rừng phòng hộ Nam Hải Vân bị phá nặng hơn sau khi… kiểm tra
Nhưng hàng vạn cây gỗ được trồng và chăm sóc trên 30 năm qua, hiện có đường kính từ 20cm đến 60cm, đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc từ giữa năm 2006 đến nay.
Số gỗ thông ít ỏi được bắt giữ tại Chi cục Kiểm lâm Liên Chiểu. |
Điều đáng nói là chính quyền địa phương vẫn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra, nhưng kết quả sau mỗi đợt kiểm tra thì rừng lại bị tàn phá nặng nề hơn.
Ai tiếp tay cho lâm tặc phá rừng?
Theo đường mòn lên đỉnh Hải Vân, chúng tôi bàng hoàng khi nhìn những cây thông cao hàng chục mét với đường kính từ 30cm đến 60cm bị cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn dài từ 2m đến 2,5m vẫn còn nằm ngổn ngang tại bìa rừng. Bởi vậy, rừng cấm NHV nay chỉ còn cây nhỏ, cây tạp.
Được biết, lâm tặc chủ yếu là một số người dân tổ 13, 14 và 15 thuộc phường Hoà Hiệp Bắc. Nếu một ngày lâm tặc khai thác và chuyển về bãi tập kết 1 súc gỗ thông đường kính 40cm-50cm, có độ dài 2,5m là bán được 300.000 đồng, đây là nguồn thu nhập rất lớn của người dân nơi đây vì chủ yếu họ sống bằng đánh bắt thuỷ sản và nông nghiệp. Một số người dân bức xúc cho biết, sở dĩ lâm tặc hoành hành như vậy là do vợ con ông Bí thư Đảng uỷ phường, Quận uỷ viên Nguyễn Xuân Hoài là một trong những đầu nậu thu mua gỗ.
Ông Trần Văn Hà – Chi cục phó, Hạt trưởng Kiểm lâm Liên Chiểu – xác nhận thông tin của nhân dân là chính xác. Không hiểu có cái ô che chắc chắn nào mà vào ngày 6.7 vừa qua, gần 30 lâm tặc xếp đá lên đường ray chặn tàu để chuyển hơn 50 súc gỗ lên tàu, làm cho tàu không dỡ được hàng và chậm 1 giờ đồng hồ; có những vụ kiểm lâm thu giữ gỗ lậu trên tàu đã bị hàng chục lâm tặc chặn tàu tại ga Kim Liên (Lăng Cô) để cướp gỗ và đe doạ trưởng tàu.
Tấn công cả tàu hoả
Việc lâm tặc tổ chức thành đoàn với hàng chục người, có đầy đủ các phương tiện hiện đại vào phá rừng NHV suốt 2 năm nay khiến cho rừng phòng hộ NHV cạn kiệt. Ngành đường sắt thì mất ăn, mất ngủ về tính mạng hành khách và an toàn chạy tàu, các cơ quan chức năng địa phương vào cuộc nhưng chỉ là bắt cóc bỏ đĩa.
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2008, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn NHV chỉ bắt được 18 vụ chặt phá, nhưng tất cả chỉ bị phạt hành chính rồi tha về vì chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Được biết, sau khi khai thác xong hàng chục súc gỗ tròn to, dài, lâm tặc lao từ trên núi xuống chân đường ray, điều đó không những làm hỏng đường ray mà còn có thể làm tàu trật bánh rất nguy hiểm. Trong khi trên 20km đường ray từ ga Lăng Cô đến ga HVN hiện đang được gia cố khẩn cấp theo lệnh của Thủ tướng, với tổng chi phí gần 100 tỉ đồng. Nhưng việc rừng phòng hộ NHV bị khai thác cạn kiệt thì việc xói mòn, lở đất sẽ là nguyên nhân làm cho hàng chục tỉ đồng của Nhà nước, cùng công sức của hàng nghìn CBCNVC-LĐ bỏ ra sẽ bị cuốn ra biển bất kỳ lúc nào.
Ông Võ Quốc Thanh – PGĐ XN vận tải đường sắt Hải Vân – cho biết: “Đây là khu vực đèo dốc quanh co rất nguy hiểm, cộng với khí hậu khắc nghiệt và địa hình phức tạp bắt buộc các đoàn tàu khi đi qua khu vực này đều phải đi chậm, do vậy đây là cơ hội để lâm tặc vận chuyển gỗ lên tàu”.
Nghiêm trọng hơn, lâm tặc còn chất đá lên đường ray hay tự hãm phanh cho tàu chạy chậm để chuyển gỗ lên tàu. Nếu chỉ một mình ngành đường sắt thì không thể giải quyết được, mà cần phải có sự tham gia của các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương một cách quyết liệt thì mới cứu được rừng phòng hộ NHV và an toàn cho những chuyến tàu qua đây.
Thủ tục pháp luật