Quy định không hợp lý về cách tính lương hưu
Đơn ông Liêng trình bày: Ông phục vụ trong cơ quan nhà nước 32 năm, trong đó có 19 năm trong quân đội. Sau đó ông tiếp tục làm việc ngoài nhà nước là 21 tháng, mức lương bình quân 5 năm cuối đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của ông là 949.644 đồng. Ông cho biết đây là mức lương được bảo lưu theo Nghị định 04/CP. Nhưng từ khi có Nghị định 208 (ngày 1.10.2005) tăng lương 10% cho khu vực nhà nước thì lương của ông bị thiếu. Ông Liêng còn cho biết: Không những chỉ một mình ông bị thiệt do cách tính này mà đa số những người thuộc diện hưởng lương hưu mà công tác trên 30 năm đều bị thiệt.
Chúng tôi trao đổi vấn đề này với ông Cao Văn Sang – Giám đốc BHXH TP.HCM. Ông Sang cho biết: “Chúng tôi đã trả lời vấn đề này nhiều lần với ông Liêng rồi. Thực ra, cách tính lương hưu đã bất hợp lý ngay từ đầu chứ không phải từ lúc có Nghị định 208/CP, cụ thể là cách tính lương hưu cho những người có thời gian công tác quá 30 năm là chưa hợp lý”. Ông đưa ra ví dụ: Một người tạm gọi là A, có thời gian công tác trong nhà nước là 30 năm, lương bình quân 60 tháng cuối là 1 triệu đồng; thời gian làm việc ngoài nhà nước là 5 năm, lương nộp BHXH là 9 triệu đồng. Và một người tạm gọi là B: có thời gian công tác trong nhà nước là 25 năm, còn lương và các khoản khác giống A, phần trăm lương hưu của hai người đều là 75%. Ta có phép tính để so sánh:
(1 triệu x 360 tháng) + (60 tháng x 9 triệu)
Lương bình quân của A ——————————————————– = 2.142.857
360 tháng + 60 tháng
(1 triệu x 300 tháng) + (60 tháng x 9 triệu)
Lương bình quân của B ———————————————————- = 2.333.333
300 tháng + 60 tháng
Kết quả trên cho ta thấy lương bình quân của B cao hơn A. Như vậy, người có thời gian công tác càng cao thì lương bình quân càng thấp.
Ông Sang còn cho biết: BHXH TP.HCM đã có kiến nghị gửi Bộ LĐ-TB-XH xem xét những bất hợp lý này nhưng chưa có trả lời.
Về phía ông Liêng, sau khi nhận được nội dung trả lời của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, ông tiếp tục khiếu nại lên Bộ LĐ-TB-XH thì nhận được công văn số 722/LĐTBXH-BHXH ngày 10.10.2005, do Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Đặng Anh Duệ ký với nội dung tiếp thu ý kiến của ông để nghiên cứu trình Chính phủ… Nhưng hơn một năm sau ông Liêng lại nhận được một công văn cũng của Bộ LĐ-TB-XH do Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Thị Thúy Nga ký với nội dung: “… Việc điều chỉnh lương hưu đối với ông không đúng quy định tại Nghị định số 208 thì đề nghị ông liên hệ với Bảo hiểm xã hội TP.HCM để được xem xét và trả lời cụ thể”. Ông Liêng “chết cứng” vì cách trả lời vòng vo như vậy. Về phía cơ quan bảo hiểm là người áp dụng văn bản pháp luật, ông Cao Văn Sang cho biết: “Thông tư, Nghị định hướng dẫn sao thì chúng tôi làm vậy, điều bất hợp lý này cơ quan Bảo hiểm TP.HCM cũng đã thấy và cũng đã có kiến nghị, việc sửa đổi hay không là do cơ quan ban hành chính sách, thẩm quyền của BHXH TP.HCM chỉ đến đó thôi”.
Trở lại vấn đề bảo lưu mức lương làm căn cứ tính lương hưu: Theo ông Liêng thì: Tại khoản 5, Điều 6, Nghị định số 04/2001/NĐ-CP ngày 16.1.2001 của Chính phủ có quy định: Khi sĩ quan đã chuyển ngành nghỉ hưu, cách tính lương hưu quy định cụ thể như sau: a) Được lấy mức lương làm căn cứ tính lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan tại thời điểm chuyển ngành để làm cơ sở tính lương hưu; b) Trường hợp sĩ quan chuyển ngành khi nghỉ hưu mà có mức lương tính theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 thấp hơn mức lương hưu tính theo mức lương của sĩ quan tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức lương làm căn cứ tính lương hưu của sĩ quan tại thời điểm chuyển ngành để tính lương hưu. Theo chúng tôi, các nhà biên soạn và ban hành chính sách chế độ hưu trí đã bỏ quên những quy định này chăng?
Như vậy, theo hướng dẫn tại Thông tư số 11 và Nghị định 208 nói trên, do cộng cả hai khu vực công tác (trong và ngoài nhà nước) của ông Liêng để làm số bị chia cho phép tính trên, nên lương hưu của ông Liêng bị sụt giảm. Chúng tôi đề nghị các cơ quan trong phạm vi chức năng chuyên ngành xem xét lại sự việc, tránh gây thiệt thòi cho ông Nguyễn Văn Liêng nói riêng và những người thuộc diện hưởng chính sách nói chung.
Thủ tục pháp luật