Tin Tức

Quản lý giá không phải biện pháp duy nhất bình ổn giá

Rate this post

Dự thảo thông tư mới thay thế Thông tư 104 quy định các tổ chức kinh tế có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước phải đăng ký giá bán 16 nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, theo dự kiến sẽ được Bộ Tài Chính “chốt” trong tháng 3. Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này, thông tư mới vẫn chưa ban hành, và câu hỏi đặt ra là liệu pháp kiểm soát giá có đủ sức kìm hãm những “cơn lốc” giá?

Kiểm soát giá: Có dễ thực thi?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, cơ quan dự thảo thông tư, cho biết khi xây dựng dự thảo, việc kê khai giá bán như trong Dự thảo đặt ra sẽ khiến các doanh nghiệp khó mà tăng giá vô tội vạ và việc đưa các công ty tư nhân vào danh sách phải đăng ký sẽ đảm bảo được tính công bằng. Mục đích cuối cùng của Dự thảo là nhằm ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc bình ổn thị trường liệu có thể đạt được bằng biện pháp quản lý giá? Trước thực trạng giá các mặt hàng thiết yếu trong nước liên tục tăng cao trong những năm gần đây đã đẩy chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng lên cao, các cơ quan quản lý đã dùng không ít biện pháp để kìm hãm “cơn lốc” tăng giá nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Thoả

Đối với yêu cầu các doanh nghiệp nằm trong danh sách bình ổn giá buộc phải đăng ký giá bán với Nhà nước thì đại diện một số doanh nghiệp cho rằng điều này khó có thể thực hiện được. Hầu hết các mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá như sữa, thức ăn gia súc, ga, …đều phải nhập khẩu rất nhiều và chịu sự tác động của thị trường quốc tế, của tỷ giá. Hơn nữa, Dự thảo còn yêu cầu các doanh nghiệp nếu phát hiện giá “có những yếu tố bất hợp lý trong cấu thành sản phẩm” thì phải kê khai và đăng ký lại. Thật khó để mà doanh nghiệp xác định thế nào là “ yếu tố bất hợp lý” khi dự thảo không có những qui định cụ thể về điều này.

Một doanh nghiệp sữa cho rằng việc kê khai giá không chỉ là gánh nặng cho doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý liệu có đủ nguồn nhân lực để kham nổi cả một khối lượng khổng lồ các thủ tục kê khai như Dự thảo yêu cầu? Chẳng hạn, mỗi doanh nghiệp sữa có tới hàng chục nhãn hàng, 100% nguyên liệu để sản xuất sữa bột tại Việt Nam đều phải nhập khẩu và chịu tác động bởi nhiều yếu tố như tỷ giá và dĩ nhiên là không nằm ngoài biến động giá cả của thị trường thế giới. Nếu không xác định được các yếu tố cấu thành sản phẩm trên thì không chỉ các doanh nghiệp khai giá mà cả cán bộ quản lý và duyệt giá đều khó mà mà thực hiện được.

Xem Thêm  Nhà đầu tư tố sàn vàng

Nhiều ý kiến cho rằng việc áp đặt giá không chỉ gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn gây bị động cho doanh nghiệp trong quá trình lập kế hoạch kinh doanh và ảnh hưởng đến những mục tiêu dài hạn của nhà đầu tư bởi mức hạch toán của mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau ở từng thời điểm.

Quản lý giá không phải biện pháp duy nhất

Một chuyên gia kinh tế cho rằng nếu không cẩn thận mục tiêu bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng của Dự thảo sẽ phản tác dụng. Trong trường hợp, Nhà nước áp giá quá thấp, các nhà cung cấp có thể hạn chế đưa mặt hàng đó ra thị trường hoặc hình thành các “ chợ đen”, tạo ra sự khan hiếm giả tạo và người tiêu dùng khó mà tiếp cận được với sản phẩm hoặc phải mua mặt hàng đó với giá cao.

Tại Việt Nam, viễn thông di động chính là một ví dụ điển hình về một thị trường độc quyền và sau khi phá vỡ thế độc quyền. Chỉ trong vòng 10 năm, cước điện thoại di động là một thứ xa xỉ và người dân phải trả gấp hàng chục lần chi phí để bây giờ có thể sở hữu một chiếc điện thoại di động. Khi viễn thông được phá thế độc quyền, giờ đây điện thoại đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh mạnh mẽ nhất và khách hàng là người được hưởng lợi lớn.

Quản lý giá không phải là biện pháp duy nhất bình ổn giá hiệu quả

Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự cạnh tranh trong thị trường sữa tại Việt Nam cũng là chính là động lực giúp các doanh nghiệp sữa Việt Nam phát triển tốc độ nhanh chóng. Trước đây, thị trường sữa bột gần như nằm trong tay các công ty sữa nước ngoài thì tính đến tháng 6/2009, thị phần đã có thay đổi, với 49,76% thuộc về các công ty sữa trong nước, và 50,24% về các công ty nước ngoài.

“Một thị trường cạnh tranh sẽ là động lực cho các doanh nghiệp phát triển và người tiêu dùng sẽ là nhân tố tác động buộc các doanh nghiệp tự phải điều chỉnh giá cả để giữ thị phần của mình. Hơn nữa, việc tự do hóa và thúc đẩy cạnh tranh là phương cách tốt nhất để đạt được giá cả thấp hơn và tránh tính trạng ấn định giá và các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp khác”, đại diện một DN nhận định.

Bên cạnh đó, theo lời một chuyên gia kinh tế, việc bình ổn thị trường là rất cần thiết nhưng không phải chỉ dựa vào duy nhất một cách là quản lý giá, mà bằng cách áp dụng Luật cạnh tranh và Luật Bảo Vệ Người Tiêu Dùng một cách triệt để, để xử lý các hành vi cấu kết, nâng giá và thao túng giá cả trên thị trường cũng như tung ra sản phẩm kém chất lượng. Việc chủ động mở cửa hội nhập cũng sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ, giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành chi phí sản phẩm, dịch vụ và lợi ích người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn