Tin Tức

Phỏng vấn Bộ trưởng Siêu Bộ chống tham nhũng

Rate this post

Tháng 3 vừa qua, một tổ chức uy tín của thế giới mở cuộc nghiên cứu thăm dò những quốc gia có tệ nạn tham nhũng trong vùng châu Á . Kết quả cho thấy Việt Nam đứng thứ ba trong bảng xếp hạng này, chỉ sau Indonesia và Campuchia. 

Bức xúc trước quốc nạn tham nhũng thao túng như chốn không người, đỏ mặt khi bị tổ chức uy tín thế giới kia chỉ đích danh “quốc gia tham nhũng”, một “siêu nghị định” chống tham nhũng liền được ban hành. Nội dung của siêu nghị định này đã tạo nhiều hy vọng cho những ai quan tâm đến vận mệnh nước nhà.

Phóng viên chúng tôi đã làm một cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Siêu Bộ chống tham nhũng.

– PV: Thưa Bộ trưởng, Siêu nghị định chống tham nhũng này có gì mới so với mớ văn bản đã có trước đó, thưa ông?

Bộ trưởng: Mới chớ sao không, cái mới đầu tiên mà chúng ta cần phải ghi nhận là mới về chữ nghĩa. Trước đây, chúng ta chỉ có “nghị định” bây giờ là “siêu nghị định”, điều này thể hiện quyết tâm chống tham nhũng cao hơn, quyết liệt hơn!

– Mới chỉ nghe ông nói khác về chữ nghĩa, thế mà dân cũng đã phấn khởi, tin tưởng, phen này bọn tham nhũng hết đường thao túng, lộng hành. Vậy còn nội dung của “siêu nghị định” khác “nghị định không siêu” chỗ nào, ông có thể nói cụ thể hơn được không ạ?

Chống tham nhũng có gì mà khó. Nếu mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật thì chống dễ ợt chớ gì. Siêu nghị định chống tham nhũng mới được ban hành rất khác với “nghị định không siêu” ở chỗ, nói đi đôi với làm, giải quyết vấn đề từ gốc đến ngọn, không hỡi hỡi phong trào như trước. Có thể gọi “Siêu nghị định chống tham nhũng” một cách ngắn gọn là “Siêu nghị định ba không”: Không thèm tham nhũng, không thích tham nhũng và không thể tham nhũng!

Không thèm tham nhũng

– Có thế chớ, “Siêu” phải khác “không siêu” chớ. Bộ trưởng vui lòng mổ xẻ từng cái “không” trong “Nghị định ba không” này cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra được không? Thế nào là “không thèm tham nhũng”, thưa ông?

Đầu tiên là lương của khối công nhân viên chức nhất loạt tăng, tăng đến mức đủ cho người ăn lương sống ở mức không bận tâm đến cơm, áo, gạo, tiền nữa. Không chỉ thế, nếu chồng làm việc cho Nhà nước thì vợ được hưởng trợ cấp theo chồng và ngược lại. Nếu cả hai vợ chồng đều đi làm thì những đứa con của họ sẽ được chu cấp cho ăn, học, đến năm 18 tuổi! Nhà ở thì được bán với giá ưu đãi và cho trả chậm với thời gian thật dài.

Vậy tôi hỏi phóng viên, giả thử nếu anh làm ‘đầy tớ” cho dân mà cuộc sống dư dả, vợ anh được Nhà nước nuôi ăn, con anh được Nhà nước nuôi học, gia đình anh lại có nơi ở ổn định, thì anh có thèm tham nhũng không?

– Đương nhiên là không rồi, thưa Bộ trưởng. Nhưng, ngân sách Nhà nước rất eo hẹp, tiền ở đâu mà “vung tay quá trán” với công nhân viên chức như vậy?

Có gì mà “vung tay quá trán?”. Trước hết phải tinh giản bộ máy quản lý, thu hẹp số người hưởng lương từ ngân sách; việc công không nhiều, bộ máy cồng kềnh như hiện nay để làm gì, để “đi buôn có bạn” à?

Xem Thêm  Chủ tịch Hội Nông dân “ăn” tiền của 2 ngân hàng

Việc tiếp theo cần phải làm là, tổ chức nào thật sự làm đầy tớ thì hưởng lương từ nguồn thu ngân sách, tổ chức nào không phải đầy tớ của dân thì tự kiếm tiền mà nuôi tổ chức của mình. Mười triệu lương cho một người thì dư ăn, nhưng một người làm mà mười người ăn bám theo lương của họ thì không đói mới lạ!

Ông bà mình nói “bần cùng sanh đạo tặc”. Những hành động vòi vĩnh hiện nay của công nhân viên chức là biểu hiện của “sanh đạo tặc”. Muốn diệt đạo tặc thì trước hết phải chăm lo chu đáo đời sống của họ, đi đôi với trừng trị nghiêm khắc những người đã được đầy đủ mà vẫn vòi vĩnh dân.

Không thích tham nhũng

– Chỉ mới có một không đầu tiên trong “Siêu nghị định ba không” mà ánh sáng đã hé mở cuối đường hầm, vậy cái không thứ hai “không thích tham nhũng” là như thế nào thưa Bộ trưởng?

Không thích tham nhũng có nghĩa là những định chế kèm theo buộc anh phải phục vụ dân ngày một tốt hơn, nếu không anh sẽ mất tất cả. Cụ thể như, anh đi làm đầy tớ cho dân, dân trả lương cao, nhưng nếu anh tham nhũng lập tức anh bị tước quyền làm đầy tớ, rồi bị kêu án tù, hoặc bị tử hình. Nhục! Vợ anh, vì anh tham nhũng, cho nên mất quyền lợi ăn theo chồng. Đói! Con anh, vì anh tham nhũng, cho nên mất trợ cấp ăn theo cha. Thất học! Nhà anh, vì anh tham nhũng, cho nên bị cơ quan thu lại. Màn trời chiếu đất!

Vậy, giữa một cuộc sống được dân tin, vợ trọng, con kính và ngược lại là mất tất cả; anh có thích tham nhũng không?

Không thể tham nhũng

– Đương nhiên là không rồi, dại gì… Ôi, Bộ trưởng ơi, trái tim tôi reo vui đến vỡ lồng ngực, ông có thể cho tôi biết luôn cái không cuối cùng trong “Siêu nghị định ba không”? Dân đang nôn nóng muốn biết thế nào là “không thể tham nhũng”?

Không thể tham nhũng có nghĩa là minh bạch ngân sách, minh bạch thu chi, kiểm toán độc lập, kiểm tra chéo lẫn nhau. Kể cả công khai quy hoạch, công khai mức đền bù giải tỏa, công khai nguồn vay nợ nước ngoài, công khai nguồn vay nợ trong nước. Có nghĩa là những chính sách gì liên quan đến dân, việc chi tiêu nào sử dụng tiền thuế của dân đóng góp, nguồn nợ nào dân phải trả, đều phải công khai, minh bạch để dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát.

Không thể tham nhũng còn là “không có vùng tối cho bất cứ ai trót một lần dính vào tham nhũng”. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Tòa án độc lập xét xử,  xử theo luật, bất kể người đó là ai, cấp nào, tổ chức nào. Tham nhũng mức nào thì tù 10 năm, 20 năm, 30 năm; tham nhũng đến đâu thì chung thân, tử hình; cứ như thế mà kêu án. Để răn đe, khi xử án tham nhũng, rất nên cho truyền hình trực tiếp, hoặc xử công khai giữa chốn đông người.

Tôi tin, nếu có khoảng trăm vụ xử chung thân, vài chục vụ xử “bụp” rớt đầu thì tham nhũng co vòi ngay lập tức. Nói phải đi đôi với làm, là vậy!

– Được lời như cởi tấm lòng, phen này tham nhũng có chạy đường trời cũng không thoát khỏi tù chung thân với tử hình. Quả là “Siêu nghị định” khác với những “Nghị định không siêu” trước đây. Nhưng thưa Bộ trưởng, bao giờ “Siêu nghị định” này được áp dụng?

Ngày 1 tháng 4 năm 2010!

– Ngày “Cá tháng tư”? Trời ơi, là Trời! Tim tôi bị vỡ, có ai đó kíu tôi với, kíu với…

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button
Luật sư tư vấn