Phiên tòa không thể kết thúc
“Chỉ vì hành động sai trái của mình mà những người khác phải đi tù, không biết ngày trở về và một mạng người vĩnh viễn mất đi. Phiên tòa này có thể kết thúc nhưng tòa án lương tâm sẽ chất vấn anh đến suốt cuộc đời”.
Thật ngẫu nhiên, đó là câu nói của hai vị chủ tọa dành cho “người liên quan” ở hai phiên xử khác nhau trong những ngày cuối tháng 3 tại TAND TP HCM. Nội dung vụ án đã rõ ràng, mức án dành cho các bị cáo cũng được định khung, thế nhưng cả hai phiên tòa đều phải hoãn xử vì khởi nguồn của vụ việc lại do người khác “khởi xướng” và họ có thể sẽ “thoát” tội.
Ngày 24/3, một người đàn bà hớt hải xông vào phòng xử án, nơi có hai cậu trai trẻ giống hệt nhau đang đối diện với vành móng ngựa. Bà luẩn quẩn tìm chỗ ngồi trong khi tay vẫn ôm mặt khóc rưng rức. Nghe tiếng khóc thân thuộc ấy, cả hai bị cáo cùng quay lưng, đau đáu nhìn.
Được mời lên hàng ghế trên cùng để thông báo mình là người bảo hộ cho Mai Văn Thái, một trong hai đứa con chưa đủ 18 tuổi bị truy tố về tội “giết người”, bà mẹ ấy vẫn run rẩy khóc, đôi mắt thất thần không rời những đứa con thân yêu.
Rơi vào “bẫy” của bạn, hai anh em Thái phải đối diện với mức án rất cao. Ảnh: Vũ Mai. |
Chiều 2/2/2007, Thái đang ở nhà xem ti vi thì nhận được điện thoại của Lê Văn Trí thông báo anh trai là Mai Văn Cường đang bị một nhóm người đánh. Lúc đó Thái chỉ hỏi thăm sự việc, rồi từ chối không đi. Một lúc sau, Trí tiếp tục gọi điện với giọng hốt hoảng, giục Thái phải đến “tiếp ứng” ngay. Đồng thời, người này còn lấy xe của Cường chạy về đón Thái.
Đến nơi, Thái chẳng hỏi han gì mà theo chỉ dẫn của Trí, xông thẳng vào đám người đang tắm ao gần đấy đuổi đánh. Nhóm người kia bỏ chạy về nhà lấy hung khí, Thái vẫn tiếp tục đuổi theo mặc cho họ cầm mã tấu chống trả. Thấy em “tả xung hữu đột”, Cường – đang “lai rai” với đám bạn gần đó – bèn chạy theo hỗ trợ. Trong lúc xô xát, Thái bị một người chém trúng tay. Chưa kịp chém thêm nhát nữa, người này đã bị Thái rút dao đâm hai nhát vào ngực, tử vong sau đó.
Với hành vi phạm tội như trên, Thái bị truy tố về tội “giết người” với khung hình phạt đến mức tử hình, còn Cường cũng bị xét xử về tội “gây rối trật tự công cộng” với mức án từ 2 đến 7 năm tù. Riêng Trí chỉ bị đưa vào vòng tố tụng với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
“Chỉ vì quá xót anh nên khi nghe Trí nói anh mình bị đánh, bị cáo đã không kìm chế được bản thân. Sau này bị cáo mới biết những gì Trí nói chỉ là bịa đặt, ân hận cũng đã muộn rồi”, Thái đau đớn cúi đầu nhận tội trong ánh mắt xót xa của anh trai.
Dưới khán phòng, người mẹ lại khóc ngất. Thỉnh thoảng bà trộm nhìn sang phía gia đình nạn nhân, nơi có người đàn ông khắc khổ, hom hem với vẻ đầy ái ngại. Cạnh bên bà, gương mặt Lê Văn Trí xám ngoét, đầy vẻ sợ sệt khi được Hội đồng xét xử gọi lên thẩm vấn. “Tại lúc bắt đầu nhậu, tôi mời nhóm nạn nhân cụng ly nhưng họ từ chồi. Thấy “quê” quá nên tôi cố tình gọi Thái ra… đánh phụ”, Trí lí nhí thú nhận.
“Phiên tòa này có thể kết thúc nhưng vẫn còn tòa án lương tâm sẽ chất vấn anh đến suốt cuộc đời”, lời nói của chủ tọa đã khép lại phiên xử, ông quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra để làm rõ trách nhiệm của Trí.
Cả khán phòng im phăng phắc, đâu đó cất lên tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ các bị cáo.
Nỗi đau của người mẹ trong phiên xét xử người giết con trai mình. Ảnh: Vũ Mai. |
Ngay hôm sau, một phiên tòa tương tự khác cũng diễn ra với rất đông người dự khán. Họ ngồi la liệt xuống nền phòng xử, tràn ra cả hành lang trong cái nóng oi nồng để theo dõi diễn biến phiên xử những người thân của mình.
Cáo trạng thể hiện, tối 28/12/2007, Nguyễn Văn Đạt được bạn là Huỳnh Ngọc Hiếu rủ đi “xả xui” nên cả hai đến khu vực Bưu điện Chợ Lớn (quận 5) để tìm gái bán dâm. Tại đây, được hai thanh niên giới thiệu, họ “hợp đồng miệng” với một cô gái sẽ được giao cấu mỗi người 2 lần. Tuy nhiên, khi họ mới “vui vẻ” được một lần, cô gái trẻ này đã bỏ trồn.
Tức giận, Hiếu rủ Đạt về nhà lấy dao, gậy, đi tìm để “làm cho ra nhẽ”. Khi đến địa điểm cũ, thấy một nhóm người đang ngồi nhậu, nghĩ họ là người chăn dắt gái nên cả hai xông vào đánh. Không vừa, những người này chạy về đoàn múa lân gần đấy huy động thêm vài người, mang mã tấu đến “xử” Hiếu và Đạt. Cuối cùng, Hiếu bị thương nặng còn Đạt bị chém đứt lìa cánh tay và chết ngay sau đó.
Tại tòa, cha mẹ Đạt mang theo di ảnh của một quân nhân và đề nghị Hội đồng xét xử “đòi công bằng” cho con mình. “Đêm xảy ra sự việc, tôi thấy nó đã đóng cửa phòng đi ngủ nhưng thằng Hiếu tới năn nỉ đi chung. Vài tiếng sau, chính thằng Hiếu gọi điện về khóc lóc bảo rằng vì nó mà thằng Đạt bị chặt tay. Lết tới bệnh viện thì tôi hay tin con mình đã chết”, người mẹ đau đớn trình bày.
Khi Hội đồng xét xử chất vấn, Hiếu (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) tỏ ra hoang mang, lúng túng. “Tại đêm đó cúp điện, nóng nực quá nên tôi rủ Hiếu tìm gái ra khách sạn ngủ. Khi cô gái kia trốn mất, tôi tức quá mới kêu bạn lấy hung khí đi trả thù”, người này cúi đầu khai nhận.
Cũng như phiên tòa trước, vị chủ tọa phải tuyên bố hoãn xử để đảm bảo tính khách quan cho vụ án. Một trong những lý do bà thẩm phán đưa ra là “Huỳnh Ngọc Hiếu chính là nguyên nhân gây ra vụ việc, người này cũng có hành vi gây rối nên cần phải điều tra làm rõ”.
Dưới cái nắng trưa gay gắt, hai vợ chồng già dìu nhau từng bước nặng nhọc rời sân tòa. Tấm di ảnh bỗng trở nên nặng trịch trên đôi tay của người mẹ.
Thủ tục pháp luật