Phải rõ ràng hơn nữa
Ngày 15-3, Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) đã công bố công thức tính giá xăng, dầu trên trang web http://www.petrolimex.com.vn/. Lần đầu tiên nguồn thông tin lâu nay được coi là không minh bạch được công khai.
Người dân kỳ vọng việc công khai cách tính giá xăng dầu sẽ kiểm soát việc tăng giá xăng – Ảnh: H.T.V. |
Tuy nhiên, như một chuyên gia nhận xét, nhìn vào những thông số kia sự minh bạch hãy còn nửa vời.
Định giá cao
Theo bảng công bố của Petrolimex, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore là 86,33 USD/thùng (tính bình quân 30 ngày kể từ ngày 12-3 trở về trước). Theo đó, giá nhập khẩu (giá nhập khẩu – CIF: đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm) về đến cảng VN là 10.672 đồng/lít.
Petrolimex công bố giá nhập khẩu cộng thuế và phí là 17.816 đồng/lít xăng A92 trong khi giá bán lẻ hiện tại là 16.990 đồng/lít, nhưng mọi người đừng lầm tưởng như vậy sẽ lỗ trên 800 đồng. Bởi giá cơ sở kia đã bao gồm phần lợi nhuận định mức 300 đồng”
Ông NGÔ TRÍ LONG |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Petrolimex đã không công bố một chỉ số khá quan trọng để hình thành giá CIF là các khoản bảo hiểm và chi phí vận chuyển (gọi chung là phí)… Do đó, nếu căn cứ từ giá CIF và giá xăng thành phẩm thị trường Singapore kể trên, có thể suy ra phí được Petrolimex tính khoảng 302 đồng/lít. Mức này cao hơn 100 đồng/lít so với mức thông thường mà các đầu mối khác nhập xăng A92 về VN. Đó là chưa kể với vị trí đầu mối lớn, mua số lượng nhiều, Petrolimex thường ở vị thế đàm phán giá thuận lợi hơn các đầu mối khác.
Theo một đầu mối nhập khẩu, cũng với giá tại thị trường Singapore kể trên, doanh nghiệp này nhập khẩu về đến TP.HCM chỉ 10.398 đồng/lít, tức thấp hơn Petrolimex 274 đồng/lít.
Ngay cả con số 86,33 USD kể trên, nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Ngô Trí Long cho rằng người tiêu dùng phải chấp nhận công bố này của Petrolimex chứ không có điều kiện để kiểm chứng độ trung thực.
Ở phần định mức chi phí kinh doanh 600 đồng và lợi nhuận định mức 300 đồng, Petrolimex đã sử dụng mức tối đa theo thông tư 234 của Bộ Tài chính trong công thức tính mà lẽ ra phải chia bình quân cho các vùng miền khác nhau. Trong khi đó, bình luận về con số trên, một số doanh nghiệp phía Nam cho rằng lợi nhuận định mức 200 đồng là hợp lý.
Thuế, phí quá cao
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tổng cộng thuế suất của các sắc thuế hiện áp lên mặt hàng xăng là quá cao, đến 40% (thuế suất thuế nhập khẩu là 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế giá trị gia tăng 10%).
Đồ họa: V.Cường |
Hiện nay, bỏ ra 16.990 đồng mua mỗi lít xăng A92, người tiêu dùng đang phải chi cho ba sắc thuế: nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng là 4.569 đồng – chiếm 26,89%, lệ phí giao thông và quỹ bình ổn giá là 1.300 đồng – chiếm 7,65%.
Theo công bố của Petrolimex, từ giá nhập khẩu là 10.672 đồng đến giá cơ sở là 17.816 đồng, ông Ngô Trí Long cho rằng mức chênh lệch như vậy là quá lớn trong hoạt động kinh doanh bình thường, nên cần phải xem lại Nhà nước thu được bao nhiêu, doanh nghiệp thu được bao nhiêu. Theo ông Long, các khoản thu của Nhà nước như vậy là quá lớn. Đành rằng đây là một trong những nguồn thu chính của ngân sách nhà nước, nhưng cần phải điều hòa lợi ích trong tình hình Chính phủ đang nỗ lực chống lạm phát, doanh nghiệp cố gắng tiết giảm chi phí tăng sức cạnh tranh hiện nay.
“Đối với doanh nghiệp, các khoản chi phí cho quản lý, hoạt động kinh doanh và lợi nhuận cần phải có kiểm toán đàng hoàng mới có thể đánh giá chi phí kia có hợp lý hay không” – ông Long nói. Kinh nghiệm ở các nước, theo ông Long, để phòng những trường hợp bất khả kháng, khi thị trường đột biến, doanh nghiệp trích lập quỹ nhưng được trích từ lợi nhuận của chính mình để điều tiết chứ không thể đẩy sang cho người tiêu dùng chịu. “Chúng tôi không kêu gọi quay lại cơ chế cũ nhưng việc điều hành phải được vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Petrolimex đang ở vị thế độc quyền bởi thị phần chiếm đến trên 60%. Nhà nước phải định giá trong trường hợp này là hợp lý” – ông Long nói.
Thủ tục pháp luật