Nông dân khó vay vốn vì quá nhiều “cửa ải”
Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, đã triển khai được hơn 3 tháng, nhưng hầu như chưa phát huy hiệu quả, với lượng giải ngân rất hạn chế. Có những địa phương như Bến Tre, đến cuối tháng 6 vẫn chưa hề có tổ chức, cá nhân nào nộp hồ sơ xin vay theo cơ chế này, dù không phải nông dân không có nhu cầu vay vốn.
Quá ít hộ dân được tiếp cận vốn kích cầu
Anh Nguyễn Công Văn (xã Hưng Đạo, Tiên Lữ, Hưng Yên) cho biết: Với mục đích mua thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi, vừa rồi anh đã vay được 20 triệu đồng với lãi suất 6,5%/năm, thời hạn cho vay là 8 tháng từ gói kích cầu của Chính phủ. Một người cùng xã là anh Lâm được vay 60 triệu đồng để phát triển trang trại.
Tuy nhiên, đây là 2 trong số hiếm hoi những người nông dân của xã được tiếp cận với vốn hỗ trợ lãi suất (HTLS), mà cũng là vốn vay từ gói kích cầu thứ nhất. Còn gói hỗ trợ mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở… với nhiều ưu đãi hơn (có thể được hỗ trợ đến 100% lãi suất trong 24 tháng với máy móc thiết bị cơ khí), thì vẫn chưa hề được tiếp cận.
Trong tình trạng tương tự, ông Đào Ngọc Hưởng – Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết: Người dân trong xã chưa hề được vay tiền từ gói hỗ trợ này. Nguyên nhân được ông Hưởng cho biết: “Người dân mang hồ sơ đi vay, bảo không được vay thì lại đi về chứ chẳng biết vì sao. Thủ tục cũng khó lắm”.
![]() |
Người nông dân còn phải qua quá nhiều “cửa ải” mới tiếp cận được vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ảnh: V.H.. |
Tại cả 2 xã trên, những thông tin về gói kích cầu người dân chủ yếu được biết qua tivi, hoặc qua quen biết thì được mách, chứ chưa hề có phổ biến chính sách rộng rãi từ cán bộ địa phương.
Chị Nguyễn Thị Sửu, cán bộ tín dụng phụ trách xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Lượng vốn vay HTLS được giải ngân của xã là rất thấp. Mới chỉ có 12 hộ được vay trồng hoa, với tổng dư nợ là 250 triệu đồng. Còn để mua vật liệu xây dựng nhà ở, hiện vẫn chưa có hộ nào được vay.
Qua báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh đều cho thấy, rất ít nông dân được hưởng lợi từ gói kích cầu này. Tại tỉnh Đồng Nai, sau 2 tháng rưỡi thực thi, mới có 6 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh được vay 530 triệu đồng từ nguồn vốn HTLS theo Quyết định 497.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Trong nhiều cuộc hội thảo được tổ chức bàn về gói kích cầu, lãnh đạo các ngân hàng (NH) đều có ý kiến về những vướng mắc của gói kích cầu này như: Danh mục máy móc được hỗ trợ (do Bộ Công thương ban hành) là chưa rõ ràng, khiến các ngân hàng rất lúng túng trong việc xét đối tượng được hỗ trợ; hay trần cho vay quá thấp…
Tuy nhiên, đến cuối tháng 7 này, Quyết định 497 đã được đưa vào thực thi khoảng 3,5 tháng, Bộ Công thương vẫn chưa đưa ra được danh mục máy móc được hỗ trợ rõ ràng hơn. Tại tỉnh Bến Tre, nguyên nhân khiến không hộ dân nào nộp hồ sơ vay vốn được cho là do mức cho vay không lớn: chỉ 7 triệu đồng/ha, trong khi nông dân ở đây bình quân sở hữu chỉ 0,5 ha/hộ; tức là trung bình mỗi hộ chỉ được vay tối đa 3,5 triệu đồng.
Về mặt thủ tục, cũng có quá nhiều các yêu cầu “làm khó” nông dân, như: phải có tài sản thế chấp; lập được kế hoạch sử dụng máy móc, vật tư; phải mua hàng tại các điểm bán hàng cố định (theo danh sách doanh nghiệp bán hàng đăng ký) và có hóa đơn giá trị gia tăng… Với số đông nông dân, “kế hoạch” là một từ rất xa lạ, nên nhiều người mới nghe qua “phải có kế hoạch sử dụng” đã quyết định không vay nữa.
Khi PV hỏi Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thịnh cách liên lạc với cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp phụ trách xã, thì được cho biết: “Lâu rồi không liên lạc gì với xã”.
Hỏi người dân có được tuyên truyền về gói kích cầu không thì bảo “họ xem ti vi”. Nếu không được hướng dẫn tận tình, các hộ nông dân với nguồn thông tin được tiếp xúc còn hạn hẹp sẽ không thể biết được những ưu đãi của Chính phủ dành cho mình
Thủ tục pháp luật