Tin Tức

Những cô dâu tuổi 16

Rate this post

Hàng chục cô gái mới tuổi 14, 16 vội vã đi lấy chồng, trong đó có cả con của cán bộ ấp. Nạn tảo hôn có lỗi của ngành tư pháp.

Thạnh An là một xã vùng sâu còn khó khăn của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Đa số bà con lao động nghèo đông con. Thế nhưng nhiều thiếu nữ độ tuổi vị thành niên ở đây cứ đua nhau đi lấy chồng.

Tảo hôn miệt đồng

UBND xã Thạnh An cho biết mấy năm nay xã này có đến chục cặp vợ chồng thiếu tuổi lấy nhau, cô dâu chỉ ở độ tuổi 16. Dù chính quyền địa phương quyết liệt động viên, can ngăn nhưng các bậc cha mẹ lẫn cô dâu, chú rể vẫn ngó lơ.

Trên chiếc xuồng ba lá tròng trành xuôi kênh nước phèn, chúng tôi cùng với các cán bộ xã tìm đến nơi mưu sinh của vợ chồng em Huỳnh Thị Mộng Thắm (sinh năm 1993). Thắm cùng mẹ và em gái đang cặm cụi róc vỏ tràm. Nhìn thân hình em gầy gò, áo quần ướt sũng và khuôn mặt non choẹt cứ nghĩ Thắm chỉ khoảng 14 tuổi.

Huỳnh Thị Mộng Thắm (ngồi) cùng mẹ và em gái lam lũ ngoài đồng róc vỏ tràm. Thắm vừa lấy chồng ở tuổi 16 (năm 2009). (Ảnh: Tâm Phúc)

Nhưng năm rồi, khi 16 tuổi, cô bé này đã làm lễ thú phạt (đôi trẻ đã ăn ở với nhau, nay làm lễ ra mắt) với chú rể Nguyễn Thanh Tiền (nhà ở cạnh bên, thuộc ấp 4). Đã cưới nhau nhưng một người bà con cho biết Tiền cũng chưa hết con nít. Cu cậu sống với bà ngoại già yếu nhưng không giúp được gì cho bà. Suốt ngày Tiền theo gia đình bên vợ đốn tràm thuê, thu nhập bấp bênh. “Vợ chồng thằng Tiền cứ hục hặc hoài. Đêm qua hai đứa nó cự nhau, giờ thằng chồng nằm đó, không thèm đi làm” – người bà con của Tiền mách.

Cũng trên tuyến dân cư ấp 4, chúng tôi ghé nhà và chứng kiến cảnh sống lam lũ của đôi vợ chồng trẻ Huỳnh Văn Vào và Huỳnh Thị Mộng Thi (đều sinh năm 1991). Vào và Thi lấy nhau năm 16 tuổi, có tổ chức đám cưới hẳn hoi, nay đã có một đứa con ba tháng rưỡi. Vào thành thật kể, anh đi làm thuê đủ nghề: phóng lúa, đốn tràm, lưới cá… Thế nhưng chạy vạy khắp nơi mà vợ chồng và đứa con vẫn thiếu ăn triền miên.

Điều ngạc nhiên là cả hai cô dâu tuổi 16 vừa kể – Thi và Thắm – là chị em ruột, con của ông Huỳnh Văn Quýt. Địa phương nhiều lần động viên gia đình ông nên chấp hành luật pháp, không cho con gái kết hôn trước tuổi nhưng không thành công.

Ở Thạnh An còn nhiều cô dâu tuổi 16 khác như em Nguyễn Thị Diệu Hiền (sinh năm 1993, con ông Nguyễn Văn Thanh) được tổ chức đám cưới vào giữa tháng 5-2009. Chính quyền địa phương cho hay Hiền đang mang thai, giờ có lẽ đã sinh con bên chồng tận Tiền Giang. Một trường hợp khác cô dâu cũng sinh năm 1993, gả chồng về xã Thủy Tây (Thạnh Hóa), mới làm đám cưới tháng 9-2009, hiện gia đình đang tích cực cải chính khai sinh để không phạm luật.

Xem Thêm  Yêu 'thuê' - Kỳ 1: Đóng thế

Bỏ trầu, rượu để “giữ mối”

Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết khi hay tin các cô gái tuổi 14, 16 trong xã có nơi dạm hỏi hoặc chính thức làm đám cưới, các đoàn thể và chính quyền đến can ngăn ngay. Gia đình nào cũng phân bua: “Hai bên chỉ giáp mặt, bỏ trầu, rượu để đó, chờ đến khi đủ tuổi mới cho sắp nhỏ cưới nhau”. Nhưng thực tế sau đám bỏ trầu, rượu không lâu, họ liền tổ chức lễ cưới”.

Ông Đực cho biết đã xử phạt nhiều gia đình tổ chức đám cưới khi con chưa đủ tuổi nhưng chỉ phạt hành chính 200.000 đồng, gửi hồ sơ báo cáo về trên rồi thôi. Trong năm 2009, xã Thạnh An có đến bốn cô gái sinh năm 1993, 1995 đã làm đám cưới. Hiện đang còn hai cô gái tuổi 16 đã nhận trầu, rượu và có nguy cơ sẽ lấy chồng trong năm nay hoặc sang năm 2010.

Huỳnh Văn Vào và Huỳnh Thị Mộng Thi cưới nhau lúc Thi mới 16 tuổi. Họ đã có con ba tháng rưỡi. (Ảnh: Tâm Phúc)

Ngay ngày 6-10, trong chuyến đi thực tế tại tuyến dân cư ấp 4, xã Thạnh An, phóng viên ghi nhận gia đình ông Phùng Văn Dũng đang chuẩn bị tổ chức lễ dạm hỏi cho con gái là Phùng Thị Trúc Chi (sinh năm 1993). Trúc Chi khá dạn dĩ, thật thà cho mọi người trong đoàn biết: “Ngày mai là đám hỏi của con”. Em không hề e ngại hay tỏ ra mình và gia đình đang vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.

Ở ấp 4 này, ngay cả cán bộ ấp cũng gả con khi chưa đủ tuổi. Đó là hai cô con gái mới 14 và 16 tuổi của ông Nguyễn Văn Quang (phó ấp kiêm công an viên) và vợ là tổ trưởng tổ phụ nữ ấp. Ông Quang phân bua ông cũng am hiểu pháp luật nhưng vợ kiên quyết quá nên đành xuôi theo (!?).

Tại buổi giao lưu “Gia đình và trẻ em vi phạm pháp luật” với người dân Thạnh An, trung tá Nguyễn Văn Nhớ, Phó Công an huyện Thạnh Hóa, cho biết chuyện tảo hôn đã cấp kỳ lắm rồi. Tình trạng tảo hôn ở miệt đồng Thạnh Hóa giờ không riêng gì ở xã Thạnh An mà lan rộng ra Thủy Đông, Tân Bình, Thuận Nghĩa Hòa, thị trấn Thạnh Hóa. Công an huyện đang có kế hoạch làm một đợt tuyên truyền liên xã về nạn tảo hôn, bắt đầu ngay từ “điểm nóng” Thạnh An.

Nhưng kể cả cuộc tuyên truyền sắp tới ấy có thành công tới đâu thì ở vùng miệt đồng Đồng Tháp Mười này, rất nhiều “lời ru buồn” đã nối nhau cất tiếng. Ầu ơ, luẩn quẩn như chính cuộc đời của những bà mẹ, ông bố non tuổi.

Ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An: Nạn tảo hôn có lỗi của ngành tư pháp

Tôi cho rằng công tác vận động, tuyên truyền pháp luật của ngành tư pháp chưa thật sự sâu rộng. Người dân không được nâng cao về mặt bằng dân trí, kiến thức pháp luật và ý thức tự giác chấp hành… Sắp tới đây, Sở Tư pháp Long An sẽ củng cố hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, hướng về địa bàn các xã vùng sâu của tỉnh. Riêng nạn tảo hôn, phải kiên quyết ngăn chặn kịp thời ngay từ bây giờ, không để phổ biến thành một thực trạng, về lâu dài sẽ rất khó khắc phục.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn