Những chữ ký … “phản chủ” và cái đức bị “trảm”
Những chữ ký trung thành và những chữ ký …”phản chủ”; khi đạo đức bị nhấn xuống bùn và bị đánh chìm… Mục Phát ngôn và Hành động tuần này mang đến cho bạn đọc những câu chuyện đáng suy nghĩ của một đời sống xã hội đang phát triển luôn nóng hổi những sự kiện.
Khi đạo đức bị nhấn xuống bùn
Xin được lấy cái tít của bài viết trên TVN, ngày 3.9.2010 mới đây làm tiêu đề bởi nó quá chính xác, quá xác đáng về vụ đổ phế thải lấp 40, 50 ngôi mộ tại nghĩa trang Đồng Trưa (Dương Nội- Hà Đông) chỉ trong một đêm, đã gây nên sự bàng hoàng và phẫn nộ cao độ trong xã hội bởi tính chất thất đức của nó, bởi sự bi thảm của câu chuyện đạo lý trong thời buổi chúng ta đang hướng tới sự văn minh.
Chuyện đổ trộm phế thải, lâu nay ngay giữa thanh thiên bạch nhật không còn là chuyện lạ. Nhưng trong vụ “lấp mộ”, có rất nhiều điều lạ: Cái lạ thứ nhất, là chỉ một đêm, nhiều tấn bùn đất phế thải đã đổ xuống rất nhanh gọn, khiến người chết rồi, lại phải chết lần 2, mà những người sống có trách nhiệm, ở đây là cấp chính quyền cơ sở, lại hoàn toàn không biết.
Cái lạ thứ 2, nghĩa trang Đồng Trưa nằm giữa đoạn đường Lê Trọng Tấn, hai đầu đều có barie chắn, nếu không có người bật đèn xanh, chắc chắn hai chiếc barie đấy không thể tự mở. Vậy ai? Người nào có bổn phận trông coi đoạn đường có barie này, lại cũng không biết nốt?
Đấy là những cái lạ không thể tưởng tượng được. Bởi một thực tế lâu nay, người dân nếu xây nhà, chỉ vô íýđổ nguyên liệu, vật liệu xây dựng trên hè phố, ngay lập tức, đội quản lý đô thị, hoặc cảnh sát môi trường… đã xuất hiện “thực thi nhiệm vụ”. Vậy mà chuyện tày đình như vậy, những chiếc ô tô tải chạy rầm rập suốt đêm như vậy, ồn ào như vậy, mà cấp chính quyền ngủ say đến nỗi chẳng ai biết gì cả? Hay các bác đều biết, chỉ lương tâm các bác ngủ say?
Lại nhớ đến câu nói thật thà của bà con dân tộc khi đói muối với “cái cán bộ miền xuôi”: “Cái cán bộ kêu khó khăn, nên không mang được hạt muối lên cho bà con. Hạt muối bé tí thế, thì cái cán bộ kêu không vác nổi. Nhưng cái cây gỗ quý to đến hàng chục người khiêng không xuể, thì cái cán bộ lại mang được nhanh thế về tận miền xuôi?”. Quả là một câu hỏi “thông minh”, vì chắc chắn “cái cán bộ không thể trả lời nổi” câu hỏi này, khi lương tâm “cái cán bộ” đang bị say xe (!)
Chưa hết. Câu chuyện đổ phế thải lấp mộ còn chưa ngã ngũ, thì mới đây, cũng tại Dương Nội, người dân lại phẫn nộ một vụ việc khác: Thỏa thuận chưa xong nhưng mồ mả của người ở âm gian (đã chết) ở nghĩa trang Tha ma Giải Phướn lại bị xới tung lên, phục vụ cho việc giải tỏa, thực hiện dự án. Như lời ông Chủ tịch phường Lê Khánh Đồng trả lời thẳng thừng: ““Làm gì có chuyện chính quyền thỏa thuận với dân”(?)
Quả là một câu nói xin “miễn bàn”.
Người viết bài này chỉ không hiểu nổi sự tích cực khác thường của những người thi hành nhiệm vụ xung quanh vụ “lấp xuống, xới lên” này. Khi thì người chết bị chết tới 2 lần, khi thì người chết lại bị phơi dưới thanh thiên bạch nhật. Nhưng chắc chắn, đạo đức của các bác thi hành công vụ xung quanh câu chuyện nhẫn tâm đến bất nhẫn này, quả thật đã bị nhấn dưới bùn đen mất rồi.
Hàng trăm công nhân đang phải thu dọn phế thải đổ lên mộ ở Dương Nội, Ảnh Hoàng Hường |
Và khi đạo đức bị …đánh chìm
Ở trên cạn, đạo đức bị nhấn xuống bùn đen. Còn ở dưới nước, đạo đức bị…đánh chìm. Đó là cái chết bi thảm của đạo đức, ở một vụ việc khác, một góc độ khác, còn kinh hoàng hơn, xót chua hơn, gắn liền với câu chuyện con tàu Vinashin, xảy ra mới đây và chắc chắn còn tiếp tục diễn biến với vô vàn hệ lụy.
Từ năm 2009, tập đoàn Vinashin, “đứa con yêu” của nhà nước kinh doanh, nhưng sự thua lỗ lại luôn là bạn đồng hành. Đến nỗi, tháng 6/ 2010, tổng tài sản của tập đoàn này khoảng 104 nghìn tỷ đồng, nhưng tổng số nợ đã là 86 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ thấp lại sử dụng vốn dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần. Tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người…
Mới đây, 4 cán bộ vào loại “đầu bảng” của tập đoàn lần lượt bị bắt và được chuyển sang cơ quan điều tra hình sự để làm rõ sự yếu kém về năng lực, sự lạm dụng trách nhiệm, đặc biệt biểu hiện vụ lợi cá nhân, dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng, mồ hôi lao động, tiền thuế của dân tan như mây khói. Cái hiện tượng bị bắt theo “hiệu ứng domino”, khiến không ít bác, giờ lên chức, ngồi vào những cái ghế lãnh đạo của Vinashin, biết đâu chân lại run lập cập?
Nhưng trước đó, nguyên Tổng GĐ Phạm Thanh Bình, rồi kế tiếp, nguyên TGĐ Trần Quang Vũ, (không chỉ giống nhau ở chỗ đều phải vào trại tạm giam), mà còn rất giống nhau ở những câu trả lời phỏng vấn cực kỳ ấn tượng trên một số tờ báo. Ông Phạm Thanh Bình: “Tôi chỉ thấy mình không may…”
Nhưng nhân dân cũng không may, thưa ông Phạm Thanh Bình. Không may vì nhân dân đã trao niềm tin- ở đây là đồng tiền- mồ hôi lao động của mình không đúng chỗ, cho những người như ông, năng lực điều hành kém, nhưng quyền hành lại rất to!
Còn ông Trần Quang Vũ: “Vì thực ra chúng tôi đi làm thì cũng như người nông dân chăn nuôi lợn, lo lắng dịch tai xanh rồi chết cả đàn lợn. Chúng tôi cũng thế thôi, phải có trách nhiệm, có lo lắng nhưng không có cảm giác nặng nề”.
Thật ngạc nhiên về một câu trả lời rất tự tin, rất hồn nhiên, hệt một bác nông dân đang ở trại chăn nuôi. Nhưng câu nói đó có lẽ không sai.
Vì sự nặng nề và đau đớn, vì sự thiệt hại tới 86 nghìn tỷ đồng, xung quanh cái con lợn tai xanh khổng lồ Vinashin, các ông đã trao cả cho nhân dân rồi, thưa ông Trần Quang Vũ.
Tội lỗi, trách nhiệm của các cán bộ chính quyền Dương Nội, của lãnh đạo Vinashin đến đâu, chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Nhưng một câu hỏi chua chát vẫn cần được đặt ra: Vì sao, mà đức tin, những giá trị tâm linh, tinh thần, và mồ hôi công sức, tiền bạc của nhân dân, nhỏ như một cộng đồng- xã Dương Nội, lớn hơn là cả xã hội này, lại bị các vị quan chức có trách nhiệm ở Dương Nội, ở Vinashin dễ dàng chà đạp, bị “coi rẻ như lông hồng vậy?”
Nền tảng đạo lý của một xã hội, được hình thành nên từ những giá trị đạo đức. Những giá trị đạo đức ấy, được thể hiện trong mỗi hành vi, mỗi bổn phận thực thi nhiệm vụ của con người, nhất là của các quan chức, các cán bộ cốt cán, những công bộc, những người lãnh đạo của nhân dân. Nhưng vì sao, trong xã hội hiện nay, cái đức- thông qua việc làm của họ- lại dễ bị “xử trảm” đến vậy?
Ai có thể trả lời được câu hỏi này không?
Chiếc thuyền Vinashin đang chìm, Ảnh Viet Nam Times |
Những chữ ký… “phản chủ”
Vào đúng ngày 1-9 mới đây, khi học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới, tôi đã sững người khi đọc được bản tin về “…Uẩn khúc vụ 200 giáo viên bỗng nhiên… xuống núi” đăng trên VNN, và đã rất buồn. Rất buồn, vì tôi là người biết khá rõ ông, Giám đốc Sở GD tỉnh miền núi nọ, người đã đặt bút ký tới 200 cái quyết định thuyên chuyển giáo viên từ miền núi về thành phố.
Uẩn khúc, vì những cái quyết định đó, lại được ông ký gấp gáp trước khi ông nghỉ hưu. Nhưng sự việc rành rành, và nhãn tiền là với chữ ký “nhoằng” một cái, bỗng chốc, giáo dục các trường THPT của tỉnh ông rơi vào tình trạng khốn khổ. Trường ở t/p vốn thừa giáo viên, nay lại thêm thừa. Có trường thừa tới 30 người (!). Trong khi, trường ở miền núi, vốn đã thiếu lại càng thiếu. Có trường thiếu tới 12 giáo viên. Không biết học trò sẽ được học kiểu gì?
Không phải tất cả các hiệu trưởng đều đồng ý đón nhận quyết định gây ức chế này. Thậm chí, có vị phải nghĩ kế đối phó- xin đi nghỉ mát để khỏi phải nhận giáo viên mới.
Đằng sau những quyết định có chữ ký của ông là chuyện gì? Không ai biết. Nhưng chắc chắn, trời biết, đất biết, lương tâm ông biết, và người giáo viên cầm quyết định biết. Trừ khi lương tâm ông cũng “ngủ say” đến mụ mị như các vị chính quyền Dương Nội.
Tôi đã nghĩ rất nhiều về vụ việc của ông. Ông không phải là người may mắn, suôn sẻ trong đường đời như nhiều giám đốc khác, thậm chí có phần vất vả hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là được quyền thiếu tỉnh táo đến mức mù quáng trước những quyết định thuộc quyền mình.
Bỗng lẩn mẩn nghĩ về cái Chữ ký.
Trước khi đặt bút ký… Ảnh ST |
Với mỗi con người, vị thế khác nhau, thì cái uy, cái vị thế của chữ ký cũng rất khác nhau.
Chữ ký của thường dân, thông thường, chỉ được xác nhận khi có tiền gửi nhà băng. Nếu chữ ký đó không nhất quán, khi méo, khi tròn, rất có thể, biết chữ hẳn hoi, nhưng anh/ chị vẫn cứ phải điểm chỉ như người mù chữ. Mà người viết bài này là một minh họa sinh động. Hơi xấu hổ!
Còn chữ ký của các quan chức lãnh đạo, quản lý, cỡ như ông giám đốc Sở GD nói trên, phải được chứng thực, được giới thiệu, có khi bằng cả những cái dấu đỏ chót tới những cơ quan dưới quyền để nhận dạng…
Vì thế, người ta đối xử với chữ ký cũng muôn vàn tình cảm, và tính cách.
Có ông, dưới chữ ký của mình, còn ngoằng thêm một chữ cái, tên của người tình…quấn quýt như lời thề hay thay đổi vào một đêm trăng…khuyết
Có quan chức, chữ ký đơn thuần chỉ độc họ và tên ông. Có chữ ký oai nghiêm. Có chữ ký mềm mỏng. Có chữ ký hách dịch. Có chữ ký nhũn nhặn như…con chi chi.
Nhưng đừng tưởng cái chữ ký đó vô hồn, im lặng, không biết nói. Hóa ra, chữ ký nó cũng hỉ nộ ái ố như nhân gian.
Nó- cái chữ ký cũng có mấy loại. Loại trung thành và loại “phản chủ”, ăn theo cái tâm, cái phẩm cách của người chủ nó.
Khi người chủ nó ký những quyết định không vì lợi ích riêng mình, mà chỉ vì lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng…thì cái chữ ký đó nó cũng yêu chủ nó lắm. Nó khiến cộng đồng, xã hội, con người ta thêm kính trọng cái tâm, cái phẩm cách, tên tuổi và thanh danh của người đã ký.
Nhưng khi chủ của cái chữ ký, ký những quyết định chỉ vì lợi ích riêng mình, phớt lờ hoặc coi rẻ lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng…ấy là lúc, cái chữ ký nó đốc chứng-‘phản chủ”. Nó tố cáo cái tâm của chủ. Nó khiến cộng đồng, xã hội, con người ta nghi ngờ, phẫn nộ phẩm cách của người ký. Thậm chí, cái chữ ký của ông Giám đốc Sở GD nọ, còn giết chết cả thanh danh của ông. Thật đáng tiếc. Và người viết bài này, vốn rất quen biết ông, đã thật buồn!
Chưa hết. Khi người chủ của cái chữ ký, là một chàng đào hoa, đa tình, vào một ngày nào đó thay lòng đổi dạ- cái chữ ký không còn sự quấn quýt tên của người tình. Thì sự phản trắc đó chỉ làm đau lòng, làm mất niềm tin một người đàn bà nào đó không may.
Nhưng khi người chủ của cái chữ ký là quan chức, lại “đa tình” với lợi ích riêng, thì chữ ký của họ, rất có thể làm đau lòng một tập thể, một cộng đồng xã hội, làm nhiều người dân phẫn nộ, mất niềm tin…
Vì thế, xin các quan chức, các cán bộ quản lý có chức quyền, hãy cân nhắc, sáng suốt và tỉnh táo khi phải ký tên mình, trước bất cứ một quyết định nào, một dự án nào, nhất là liên quan đến lợi ích chung của ngành, của xã hội. Đó cũng là khi ta có trong tay mình, hoặc chữ ký trung thành yêu quý ta, hoặc chữ ký “phản chủ”, giết chết ta trong tích tắc với thế gian. Nghĩ đến điều đó, để thấy ta nên chọn chữ ký nào?
‘Con đường đau khổ’, Ảnh VNN |
Dân chủ “công bằng” và dân chủ “trách nhiệm”
Có một khái niệm, thực chất là thuộc tính của một xã hội văn minh, mà những xã hội khác, đều mong muốn xác lập. Bởi nó là điểm tựa cho sự sáng tạo và phát triển- đó là Dân chủ. Dân tộc VN chúng ta, phải mất bao năm, bao xương máu để giành độc lập, tự do dân tộc, phấn đấu cho một đất nước như Bác Hồ từng đặt tên- VN dân chủ cộng hòa.
Cho dù ngày nay, tên hiệu là Cộng hòa XHCNVN, thì cái ý nghĩa xây dựng một xã hội dân chủ vẫn là mục tiêu tốt đẹp và tuyệt vời mà văn minh nhân loại mang đến. Thế nhưng, không hiểu vì sao, chúng ta, ai cũng thích mà ai cũng sợ (!) khi nói đến hai từ Dân chủ, vì cho rằng nó…nhạy cảm(?). Đó là một điều không bình thường.
Chính vì thế, ngày 28-8-2010 mới đây, trên VNN có một bài báo mới đọc cái tít, người ta giật mình: “Con đường đau khổ và sức ép cơ quan công quyền“. Nhân vật chính của bài báo- một người dân bình thường làm nghề kinh doanh, đã khiến cả giới luật học VN xôn xao vì đã dám kiện Sở GTVT Tp.HCM về việc thi công gói thầu số 7 khu vực kênh Nhiêu Lộc trễ hạn, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của gia đình ông, mà trực tiếp là vì mấy cái lô cốt. Mặc dù phía trực tiếp thi công gói thầu số 7 này là nhà thầu TMEC-CHEC 3, nhưng việc thực hiện công vịêc trên là theo yêu cầu từ chủ đầu tư (Sở GTVT Tp.HCM).
Xưa nay, trong đời sống xã hội, người ta chỉ quen nghe, quen thấy chuyện người kiện nhau trong các quan hệ dân sự, chứ rất ít, thậm chí cực kỳ hiếm chuyện một công dân dám kiện cơ quan nhà nước, nhất lại là một doanh nghiệp tư nhân dám đưa cơ quan quản lý nhà nước chuyên về giao thông đi vào “con đường đau khổ”- ra trước pháp luật, đòi đền bồi cho những thiệt hại mà “con đường đau khổ” do cơ quan này, gián tiếp tạo ra khiến gia đình ông ta kinh doanh sa sút.
Chưa rõ, vụ kiện này diễn biến ra sao, việc điều tra, xem xét và phán quyết cuối cùng của tòa án thế nào, có theo kiểu “con kiến kiện củ khoai” hay không. Nhưng hiện tượng này là một động thái đáng mừng. Đó là sự dũng cảm của một người dân thực hiện quyền làm chủ, một nét của sinh hoạt dân chủ trong đời sống xã hội. Biết đâu, nhờ sự dũng cảm này, mà người dân chúng ta bớt phải đi trên những “con đường đau khổ” bụi mù, gập gềnh, lóc xóc ổ chuột ổ voi khắp các đô thị như lâu nay?
Nhưng người viết bài này cũng chợt nhớ một sự kiện vào loại hy hữu, cách đây tròn 7 năm. Lần đầu tiên, cũng tại TP Hồ chí Minh, một người phụ nữ đi bộ, có cái tên rất đẹp và an lành- Ngô Thị Mỹ Yên- đã bị khởi tố vì khi băng qua đường, do đi không đúng nơi quy định, đã gây ra tan nạn giao thông, khiến người đi xe máy bị thương nặng và tử vong sau đó.
Từ trước đến nay, chúng ta thường có tâm lý bênh vực kẻ yếm thế nếu có sự va chạm. Người đi bộ phải được bênh vực nếu va chạm với anh xe máy. Anh xe máy phải được bênh vực nếu va chạm với ông ô tô. Cái tâm lý này, về tình thì có vẻ hay, nhưng về sự công bằng lại dở. Vì thế, mà hàng ngày, ta có thể gặp bất kể chỗ nào một chàng xe đạp, xe thồ, một bác xích lô nghênh ngang “lề trái” vượt đèn đỏ, rẽ trái không đúng quy định, làm như đường phố Thủ đô chỉ là cái đường làng của nhà các bác, mà pháp luật chả là “cái đinh” gì (!)
Hai sự kiện trên, xa cách nhau về thời gian, có vẻ chẳng ăn nhập gì nhau, nhưng thật ra, lại được nối với nhau bằng một sợi dây mỏng manh- đó là sự dân chủ trong xã hội, mà người viết bài này tạm gọi là dân chủ “công bằng”, và dân chủ “trách nhiệm”. Nó nói một điều muôn thuở xưa cũ. Đó là mọi con người đều bình đẳng trước pháp luật, cho dù đó là nhân danh một cơ quan quản lý nhà nước về đường xá cho đến một người đàn bà đi bộ.
Dĩ nhiên, chẳng ai mong muốn có “sự cố” gây chết người, hay làm thiệt hại đến quyền lợi con người để thấy được sự dân chủ. Nhưng quan trọng hơn, hai câu chuyện về “công bằng” và “trách nhiệm” cho thấy, luật pháp trong xã hội chúng ta phải được liên tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện. Để chữ Dân chủ không thể là một khái niệm u u minh minh ai cũng sợ, cũng tránh, mà lẽ ra nó đem lại cho con người sự tôn trọng, sự công bằng- nền tảng một xã hội văn minh.
Vì chắc chắn chẳng dân tộc nào, quốc gia nào trong bài học lịch sử xương máu giành độc lập tự do, xây dựng và phát triển, hướng tới xã hội dân chủ, công bằng, giàu mạnh và văn minh lại muốn bị xếp vào loại…lưu ban và chậm tiến.
Ông Vũ Tiến Chiến – chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng – trao lưu niệm cho một đại biểu dự hội nghị – Ảnh: Việt Dũng/Tuổi Trẻ |
Chống tham nhũng: Cho tôi khóc cùng…các bác
Mới đây, có một sự kiện trong xã hội cực kỳ đáng chú ý. Đó là Hội nghị toàn quốc biểu dương 88 cá nhân có thành tích chống tham nhũng, do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ tổ chức.
Cho đến giờ, tham nhũng vẫn được người dân “phong chức” là “vấn nạn”. Cái nghĩa “vấn nạn” có nghĩa là tệ nạn rất rộng lớn, mang tính nguy hiểm đe dọa sự an bình của cả cộng đồng, và có chiều hướng “bất trị”. Vì vậy, mà Hội nghị biểu dương những cá nhân dám dũng cảm chống lại “vấn nạn” tham nhũng, phải nói là rất đáng trân trọng.
Tham nhũng, thực chất cũng là ăn cắp. Nhưng vì sao cũng là ăn cắp mà hành vi này lại được khoác cái “bao tay” mỹ miều- “tham nhũng”? Bởi khác với ăn cắp thường tình, chủ thể của tham nhũng thường phải là người có chức, quyền, có vị trí và thẩm quyền nhất định. Và khối tài sản (tiền bạc, đất đai, lợi ích…có được từ sự ăn cắp này) phải là tài sản của công, mà kẻ tham nhũng tận dụng địa vị, vị thế để tham thành của riêng. Cũng khác với ăn cắp thường tình, phải dùng đôi tay lén lút, đôi tay của chủ thể tham nhũng có khi rất sang trọng, lịch lãm và đầy quyền uy.
Cũng vì thế, mà người viết bài này, thực sự kính trọng 88 nhân cách công dân đã dám đi vào “con đường đau khổ” – chống tham nhũng, đem lại niềm tin và sự trong sạch cho xã hội.
Tuy nhiên, rất đáng chú ý là tuổi tác và vị trí của những con người đáng kính đó. Người có vị trí cao nhất là ông Lê Đạo (84 tuổi, nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bí thư huyện ủy Đức Trọng). Người thứ 2 là ông Phùng Chí Công, Chánh văn phòng HĐND và UBND quận Ô Môn (Cần Thơ), là những người “gần đất xa trời”, hoặc đầu đã bạc trắng. Còn lại đều là những cán bộ, công chức nhiệt huyết dám cả gan “tay không bắt…tham nhũng”.
Nhưng tôi cũng không muốn dẫn chứng, hoặc ghi lại những nỗi đau của họ khi nghe họ kể về những hệ lụy khổ sở với bản thân và gia đình. Những hệ lụy đó, tiếc thay lại bắt đầu từ những lãnh đạo cơ quan họ, những đồng chí của họ, cho đến giới…xã hội đen chuyên “đâm thuê chém mướn”. Chỉ biết nhiều người trong số họ khi phát biểu đã khóc. Những giọt nước mắt đau đớn vì thấy việc làm của mình là đúng, là tốt mà đơn độc quá, cô độc quá, và “tất cả đều bị tổn thương”.
Trước đó, theo báo Dân trí, ngày 8-7-2010, tại Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại khi tình hình phát hiện, xử lý tham nhũng chùng xuống thời gian qua. Có hơn 10 tỉnh thành trong 6 tháng đầu năm 2010 không phát hiện hay khởi tố mới vụ án tham nhũng nào. Các cơ quan tố tụng toàn quốc mới khởi tố 81/159 bị can, truy tố 122 vụ/351 bị can và xét xử 100 vụ với 216 bị cáo. So sánh với các năm trước đây, con số này đã giảm đáng kể.
Giảm, không đồng nghĩa với “vấn nạn” tham nhũng đã giảm. Đó là sự thật. Qua thăm dò dư luận và tình hình người dân khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, ngay cả những tỉnh thành báo cáo không có tham nhũng vẫn rất bức xúc. Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Vũ Tiến Chiến xác nhận: “Công tác tự phát hiện tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn rất yếu, chậm chuyển biến”.
Phó Chánh văn phòng TƯ Đảng Dương Thành Bắc còn khái quát, từ khi phát hiện, điều tra cho tới xét xử một vụ tham nhũng, nhanh nhất cũng phải mất 12 tháng, chậm nhất 50 tháng, tính trung bình là 30 tháng (!). Trong khi đó, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ chỉ ra những kẽ hở của công tác này: “Điều bất hợp lý là một công ty bình thường có 2 – 3 người giám sát nhưng cả tập đoàn kinh tế quản lý vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng cũng chỉ có chừng ấy người. Làm sao mà giám sát nổi..Thời gian qua việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn rất hạn chế và chưa nghiêm. Việc xử lý theo kiến nghị của cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán nhà nước còn bị xem nhẹ”.
Chao ôi, nếu “việc xử lý theo kiến nghị của cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán nhà nước còn bị xem nhẹ”…..thì 88 con người dám xả thân đấu tranh vì việc nghĩa nói trên sẽ biết “tránh đâu”?
Cảm nhận sâu sắc vị mặn đắng của nước mắt những con người quả cảm, thật sự kính trọng cái tâm, và phẩm cách của các bác. Nhưng hiểu bản chất của “vấn nạn” tham nhũng, tôi chỉ muốn được… khóc cùng các bác, bởi không biết cuộc chiến này có cân sức không và có gì để…hy vọng không?
Thủ tục pháp luật