“Nhà nguy hiểm không phải thương vụ cò kè, mặc cả”
Ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Hà Nội – đồng thời là Phó Ban Chỉ đạo di dời dân và xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ khẳng định như vậy với VietNamNet khi biết thông tin người dân B6 đã bị triệu tập họp cuộc họp không được chính quyền địa phương cho phép để nghe Công ty TNHHNN 1 thành viên Đầu tư xây lắp và thương mại 36 tung những “hứa hẹn” chẳng rõ dựa trên căn cứ nào và ai kiểm chứng…?!
Danh có chính, ngôn mới thuận!
Một số người dân sống tại chung cư “tối nguy hiểm” B6 Giảng Võ vừa có đơn, thư gửi chính quyền sở tại, bức xúc vì vấn đề quan trọng là “thực hiện ngay việc di dời các hộ dân” thì nhùng nhằng, trong khi đó lại xuất hiện một doanh nghiệp không hề được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát hay lập qui hoạch khu này – là Công ty TNHHNN 1 thành viên Đầu tư xây lắp và thương mại 36 (gọi tắt là Cty 36) tự động tham gia họp dân, điều tra, tung ra phương án mà người dân cho là “chưa được rõ ràng, minh bạch và chưa có tính pháp lý“, nhưng lại đề nghị dân ký “đồng ý” hay “không đồng ý“!?
Đơn, thư mới nhất của một số dân B6 Giảng Võ gửi chính quyền tháng 3/2008 phản ứng phương án và cách làm của Cty 36 khi tiếp cận dự án cải tạo chung cư này. |
Trong đơn đề ngày 26/3/2008, chủ hộ 509 – bà Võ Quý Thanh Hường viết: “Cách đây ít ngày, tổ trưởng triệu tập cuộc họp tổ có sự có mặt của Cty 36 tiếp xúc với dân và phát cho mỗi người một bản “Dự thảo phương án cải tạo xây dựng chung cư B6 Giảng Võ”. Vậy cuộc họp đó có được phép của UBND phường không? Ai là người giới thiệu Cty 36 họp với dân?“.
Theo đúng qui định, trình tự, một đơn vị muốn nghiên cứu dự án hoặc điều tra, khảo sát khu dân cư nào phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, tránh chồng chéo, manh động, làm bất an đời sống người dân.
Từ 2004, dự án B6 Giảng Võ đã được TP. Hà Nội chính thức giao cho Công ty CP Hà Nội – ICT nghiên cứu, khảo sát, lập dự án.
Phương án của Hà Nội – ICT đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định thiết kế cơ sở, Sở Qui hoạch-Kiến trúc chấp thuận thiết kế sơ bộ, cho phép xây mới tòa B6 khối cao nhất chỉ 17 tầng và 1 tầng hầm nhằm hạn chế áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng thời hài hòa cảnh quan hồ Giảng Võ (đã có quá nhiều điểm nhấn cao tầng) cạnh đó.
Thế nhưng, không rõ căn cứ vào đâu, chiểu theo qui hoạch nào – Cty 36 vừa qua tuyên bố với cư dân B6 (bằng giấy trắng mực đen) rằng sẽ xây tòa nhà mới dự kiến cao đến 22 tầng và có những 2 – 3 tầng hầm?! Tuyên bố này lập tức bị người dân nghi ngờ “có đảm bảo cảnh quan hồ Giảng Võ, an toàn cho các khối nhà xung quanh và quan trọng nhất là có được cho phép?” bởi sự chất tải cao tầng này đi ngược lại chủ trương chung mà Chủ tịch TP cùng nhiều cơ quan chuyên môn đang định hướng lúc này là không chồng chất quá cao khi xây mới các chung cư nội đô!
Đơn, thư của người dân còn vạch ra khá nhiều điểm mập mờ, mâu thuẫn trong phương án Cty 36 tự tung ra, như: nói “công ty sẽ bố trí nơi ở tạm cư cho các hộ” thì địa chỉ tạm cư ở đâu, điều kiện sinh hoạt thế nào, nói “xây dựng mới với qui mô trung bình tương đương với phương án thiết kế của các chung cư khác” thì cụ thể chung cư khác là chung cư nào, trung bình tương đương là bao nhiêu?…
Đặc biệt, những người viết đơn, thư này đa phần sống tại tầng cao dù được Cty 36 hứa hỗ trợ mỗi mét vuông cơi nới 2 triệu đồng (không quá 60 triệu đồng) và lại thêm 200 triệu đồng cho nhiều khoản khác nhưng vẫn không khỏi nghi ngờ khi các hộ tầng 1, 2 mới chính là đối tượng cơi nới nhiều nhất thì Dự thảo Cty 36 lại không hề đề cập đến việc hỗ trợ, song lại nhận được sự đồng thuận đáng ngạc nhiên của những hộ này – vốn trước nay vẫn khăng khăng cho là nhà không nguy hiểm, không đến mức di dời?!
Trong đơn, thư có đoạn viết: “Trong dự thảo không nói gì đến quyền lợi của tầng 1, 2, vậy tính minh bạch, công bằng giữa các tầng có đảm bảo không?” và yêu cầu “cần công khai, minh bạch, tránh mọi hoạt động ngầm, riêng tư bí mật để tạo ra sự bất công, bất bình“.
Chính vì thế, ông Trần Quang Dương – chủ hộ 513 cho rằng: “Vì có nhiều chỗ chưa rõ, chưa minh bạch, chưa cụ thể nên tôi chưa thể ký đồng ý hay không đồng ý được!“.
Dân cũng đặt “dấu hỏi”: Cty 36 chính là đại diện liên danh vừa bị UBND TP.Hà Nội chấm dứt hiệu lực, thu hồi quyết định, hủy bỏ kết quả trúng thầu xây lại Chợ Hôm-Đức Viên vì được gia hạn mà vẫn không thực hiện cam kết nghĩa vụ tài chính với TP.
Nếu theo Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư có dự án bị cơ quan cho phép đầu tư quyết định thu hồi văn bản cho phép đầu tư thì không được giao làm chủ đầu tư các dự án kinh doanh BĐS mới trong 2 năm, kể từ ngày dự án bị thu hồi – thì trường hợp Cty 36 bị thu hồi dự án trung tâm thương mại (kể trên) sẽ được xử lý thế nào? Cơ quan nào thẩm định năng lực, kinh nghiệm và đảm bảo Cty 36 chắc chắn sẽ thực hiện cam kết với dân (trong khi cam kết với chính quyền đã từng không thực hiện)?
Điều gì xảy ra khi chính quyền đứng ngoài?
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Bùi Văn Thông (Ảnh: H.N). |
Muốn họp tổ dân phố phải được sự đồng ý của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, khi được hỏi vào cuối tháng 3/2008, Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Nguyễn Xuân Điều trả lời không hay biết và cũng không hề được thông báo có cuộc họp nào trong những ngày qua ở nhà B6, càng không biết Cty 36 vừa tự động tiến hành điều tra, khảo sát dân cư.
Còn Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Bùi Văn Thông thì cho hay: “Phường còn chẳng được biết thì làm sao Quận biết được?“! Ông Thông nói: “Tôi không biết thông tin cuộc họp dân B6, chưa được giao và cũng chưa biết Cty 36 này tiến hành mọi việc theo tiêu chí nào, căn cứ nào? Nếu lúc này Cty 36 đã ký với dân với các tiêu chuẩn như thế nhưng sau Thành phố không chấp thuận các chỉ tiêu qui hoạch, phương án đó thì trả lời dân ra sao?“.
Theo ông Thông, mọi người đều có quyền tham gia quản lý nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng các quyền ấy không thể thoát khỏi các qui định của Nhà nước, gồm: qui hoạch, qui chuẩn, cơ chế, chính sách, điều kiện, năng lực của các nhà đầu tư được các cơ quan, ban, ngành đồng thẩm định…
“Cty 36 tự động vào cuộc không thông qua chính quyền – nếu có chuyện gì thì ai quyết, ai xử, ai là trọng tài? Việc tự thỏa thuận với dân mà chưa được sự chỉ đạo, kiểm soát, quản lý của chính quyền là không đúng.
Tất cả các việc diễn ra trên địa bàn cần sự bảo vệ của chính quyền địa phương để đảm bảo tính pháp lý, bởi nhiều khi dân chỉ biết đến cái lợi riêng mình mà thiếu sự kiểm soát của chính quyền thì căn cứ nào cho rằng cái lợi đó là chắc chắn?! Bây giờ cứ nhà đầu tư nào cũng thích thì vào tung ra quyền lợi cao hơn tất cả, dĩ nhiên dân đồng tình quá, 80 – 90 chữ ký kia chắc chắn cũng vì thấy cái lợi của họ, nhưng khi gặp bất trắc, hoạn nạn thì ai đứng ra giải quyết?” – Phó Chủ tịch Thông khẳng định.
Đồng thời, ông Thông kết luận: Nhà nguy hiểm không phải là thương vụ để cò kè, mặc cả. Vì an toàn tài sản, tính mạng người dân trong, ngoài khu nhà – chính quyền buộc phải áp dụng các biện pháp đặc biệt chuyển dân ra theo qui định của pháp luật.
Thành phố đã trưng dụng đủ quỹ nhà tạm cư và giao chính quyền sở tại công bố chính sách, đảm trách di dân, giải phóng mặt bằng; thống nhất chưa bàn đến chủ đầu tư trong giai đoạn cấp bách này. Quận đã giao Phường trong tuần này (từ 31/3 – 5/4) hoàn tất việc công bố chính sách để chuẩn bị di dân.
Thủ tục pháp luật