Tin Tức

Nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an nhận 18 tháng tù treo

Rate this post

Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt nguyên thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an Trần Văn Thanh 18 tháng tù treo, Nguyễn Phi Duy Linh 36 tháng tù giam, Dương Tiến 17 tháng 5 ngày tù giam, Đinh Công Sắt 12 tháng tù treo.

 

>> Phiên toà xử tướng Thanh: Các bị cáo khai mâu thuẫn nhau

 

Sau một ngày rưỡi xét xử, lúc 12g30 trưa 7/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm TAND TP Đà Nẵng đã chính thức tuyên án đối với các bị cáo Trần Văn Thanh, Nguyễn Phi Duy Linh, Dương Tiến và Đinh Công Sắt bị VKSND TP Đà Nẵng truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 BLHS.


Mô tả ảnh.

Hội đồng xét xử tuyên án đối với các bị cáo Ảnh: HC

Theo đó, nguyên thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an Trần Văn Thanh bị tuyên phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, giao về cơ quan chủ quản lý Văn phòng Bộ Công an giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh bị tuyên 36 tháng tù giam tính từ ngày bị bắt tạm giam (5/3/2008).

 

Bị cáo Dương Tiến bị tuyên 17 tháng 5 ngày tù giam tính từ ngày bắt tạm giam 2/3/2008 và được trả tự do ngay sau khi kết thúc phiên toà. Bị cáo Đinh Công Sắt bị tuyên 12 tháng tù treo (trừ thời gian tạm giam 29 ngày, còn lại 11 tháng 11 ngày), thời gian thử thách 22 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, giao về UBND phường Hoà Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

 

HĐXX nhận định đây là vụ án phạm tội có tổ chức. Trong đó, bị cáo Trần Văn Thanh giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu kích động, xúi giục các bị cáo khác phạm tội.

 

Bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh được xác định có quan hệ thân thiết với bị cáo Thanh và đã tham gia giúp sức rất tích cực cho bị cáo này. Tuy không có quyền lợi nào liên quan nhưng Linh vẫn sử dụng tài liệu do những người đi khiếu kiện tại Hà Nội và của bị cáo Thanh cung cấp để viết đơn khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật.

 

Trên cơ sở sự chỉ đạo của Trần Văn Thanh, Linh đã xúi giục, kích động gia đình Đinh Công Sắt khiếu kiện, tố cáo gay gắt, kéo dài. Trong thời gian Sắt bỏ trốn, bị cáo Linh cùng bị cáo Thanh nhiều lần ngăn cản Sắt ra đầu thú, xúi giục đưa hai Bà mẹ VNAH ra Hà Nội khiếu kiện, kêu oan, tạo nên tác động tiêu cực đối với các cơ quan có thẩm quyền.

 

Bị cáo Dương Tiến được xác định đã lợi dụng quyền tự do báo chí để viết bài không đúng sự thật về tình hình Đà Nẵng. Bị cáo Tiến cũng là một trong những người cung cấp tài liệu cho Đinh Công Sắt phát tán. Bị cáo còn trực tiếp vào Đà Nẵng nắm tình hình dư luận về bài báo của Tiến viết về TP cũng như kết quả phát tán công văn 73, 77. Tại đây, Tiến tiếp tục cung cấp cho Sắt bài viết của Trần Đình Bá với các nội dung không đúng sự thật để Sắt đọc, sử dụng cho mục đích khiếu nại và phát tán. 

Xem Thêm  Việt Nam sẽ tìm “đồng minh” tại Mỹ

Mô tả ảnh.

Các luật sư tranh luận tại phiên toà Ảnh: HC

 

Tại phần tranh luận, các luật sư không đồng ý với quan điểm thể hiện tại Cáo trạng của VKSND TP Đà Nẵng. Họ cho rằng chứng cứ thu thập được trong vụ án này còn rất thiếu và yếu, không có căn cứ chứng minh các bị cáo Thanh và Linh phạm tội. Các bị cáo này không liên quan đến việc phát tán công văn 73, 77 của Sắt.

 

Theo các luật sư, hành vi của các bị cáo không gây ra hậu quả gì, không thể căn cứ vào lời khai của Sắt để làm chứng cứ buộc tội. Vì vậy, các luật sư yêu cầu HĐXX tuyên Trần Văn Thanh và Nguyễn Phi Duy Linh không phạm tội.

 

Trước không khí tranh cãi nảy lửa giữa các luật sư Phạm Hồng Hải, Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Thanh), Hoàng Huy Được (bào chữa cho Nguyễn Phi Duy Linh) với đại diện VKSND, chủ toạ phiên toà phải lên tiếng nhắc nhở các luật sư chừng mực hơn trong khi tranh luận.

Các luật sư cho rằng việc cơ quan điều tra khám xét, thu giữ tài liệu tại nhà vợ cũ của Linh để làm chứng cứ buộc tội Linh là trái pháp luật vì Linh và vợ đã ly dị và ngôi nhà này đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của vợ cũ. Tuy nhiên, theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đà Nẵng thì Linh đã từng cư trú, làm việc trong ngôi nhà đó nên cơ quan điều tra có cơ sở để khám xét và trên thực tế đã thu thập tại đây các tài liệu có liên quan trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền và nhân dân địa phương.

Còn theo đại diện VKSND TP Đà Nẵng giữ quyền công tố tại toà, những hậu quả mà các bị cáo gây ra đã được các cơ quan nhà nước xác nhận và yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh. Vì vậy quan điểm của các luật sư bào chữa là không có cơ sở.

Tuy vậy, KSV giữ quyền công tố này cũng vài lần bộc lộ sự thiếu chính xác như cho rằng bị cáo Dương Tiến phản cung trong khi từ đầu đến cuối phiên toà bị cáo này không hề phản cung mà chỉ đề nghị HĐXX làm rõ thêm; hoặc bị “hớ” khi giải thích việc VKSND TP Đà Nẵng trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung sau khi Công an Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Thanh là do bị cáo này thuộc quyền quản lý của Bộ Chính trị nên phải chờ xin ý kiến của TƯ!

 

Thẩm phán Nguyễn Thành, chủ toạ phiên toà kết luận, qua đánh giá toàn bộ các tài liệu có tại hồ sơ vụ án trên cơ sở kết quả điều tra của các cơ quan pháp luật và lời khai của những người tham gia tố tụng tại phiên toà, HĐXX nhận thấy cáo trạng truy tố của VKSND TP Đà Nẵng là có căn cứ và các bị cáo nêu trên đã phạm tội. 

Tuy nhiên, xét nhân thân và mức độ thành khẩn tại phiên toà, HĐXX đã quyết định giảm nhẹ mức hình phạt cho các bị cáo Trần Văn Thanh, Dương Tiến và Đinh Công Sắt. Riêng bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh do thái độ khai báo thiếu thành khẩn, ngoan cố phủ nhận mọi hành vi phạm tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn