Người đi ít, lãng phí nhiều
Dù đã được thành phố trợ cấp, với nhiều ưu tiên, thế nhưng cán bộ, công chức Hà Nội vẫn chưa mặn mà khi đi làm bằng xe buýt. Trong số 1.500 người đăng ký, chỉ có khoảng 500 người thường xuyên đi làm bằng xe buýt.
Điều này được khẳng định trong cuộc họp sơ kết sau gần 1 tháng tổ chức đưa đón cán bộ, công chức bằng xe buýt diễn ra hôm qua (10/9).
Công chức Hà Nội chưa mặn mà với xe buýt |
Đăng ký nhiều, đi ít!
Đánh giá về kết quả sau gần 1 tháng triển khai thí điểm các tuyến xe buýt chuyên trách phục vụ đưa đón cán bộ, công chức đi xa, đại diện các Sở ngành đều cho rằng đây là một chủ trương đúng, biện pháp cần được duy trì.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số người đã đăng ký ban đầu nhiều nhưng tham gia đi rất ít. Cụ thể, trong số 1.500 người đăng ký thì chỉ có khoảng 500 người thường xuyên đi làm bằng xe buýt.
Đại diện Sở Tư pháp cho rằng, là một trong những sở có nhiều nhất cán bộ công chức có nguyện vọng và đăng kí đi làm bằng xe buýt, thế nhưng đến nay hàng ngày chỉ có từ 8 -10 người đi trên một chiếc xe buýt. Nguyên nhân một phần do công chức chưa quen, nhưng chủ yếu là do xe địa điểm đưa đón còn nhiều bất cập.
“Xe đón ở số 6 phố Dã Tượng, trong khi đó có nhà nhiều người lại ở rải rác các quận, huyện xa nên không tiện đi lại. Ngay cả việc ở điểm đón xe không có chỗ gửi xe máy nên có người phải đi xe ôm đến”.
Còn lý giải cho việc đăng ký nhiều mà người đi ít, một lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng, trong 61 biên chế của Sở NN&PTNT (Hà Nội cũ), thì có trên 10 người đang ở tận các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, cách nhiệm sở mới trên dưới 30km!
Ở những nơi đây, điểm đón xe buýt khó mà với tới được, nên dù muốn lắm cũng đành chịu. “Người muốn đi thì xe buýt không tới được, nhưng nhiều cán bộ ở ngay điểm đón cũng vẫn “nói không”! Dù xe buýt đưa đón cán bộ cũng không giống các tuyến xe buýt thường, không có cảnh chen chúc, không có nhân viên soát vé.
Nhưng không phải cán bộ nào cũng có thể thu xếp được thời gian để đi xe buýt. “Nhiều người đưa ra lý do phải lo bữa sáng cho gia đình, phải đưa con đi học, rồi không chủ động trong công việc, chưa nói đi xe buýt họ còn sợ bị tắc đường…”-Một cán bộ nói.
Theo ông Trần Hùng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT), việc đăng ký nhiều, đi ít nên nhiều xe phải chạy ít người gây lãng phí. Còn đại diện Sở Nội vụ lại đưa ra con số về sự lãng phí, trong 1.500 công chức (theo đăng ký ban đầu-PV), thì thành phố phải chi số tiền 900 triệu đồng để thuê xe của Tổng Cty vận tải Hà Nội.
Trong 3 tháng đầu thí điểm, nếu đi đủ bình quân mỗi công chức được thành phố hỗ trợ 600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do chỉ có khoảng 30% số lượng công chức đi xe buýt nên số tiền bù cho mỗi công chức bị “đội” lên tới 1,8 triệu đồng/tháng.
Thu phí và mở đa tuyến?
Đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho rằng, để giải quyết bớt khó khăn về điểm đón trả, trước hết là tùy vào đề xuất của các sở, ngành. Về thời gian đón trả cũng vậy, các sở tự chủ động sao cho khớp với giờ làm việc chứ không nhất thiết giờ cố định, miễn sao hợp lí.
Giải pháp cho vấn đề này, đại diện Sở NN&PTNT nhấn mạnh, phải điều chỉnh lại sơ đồ tuyến cho hợp lý. “Nên có hai cung giờ đón, trả để cán bộ, công chức chủ động hơn trong việc giải quyết công việc và thời gian đi lại. Mặt khác không nên duy trì đơn tuyến như hiện nay phải mở đa tuyến, có thế công chức lên bất cứ xe nào phù hợp”-Vị cán bộ này nói.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, do trong thời gian đầu thí điểm nên có những khó khăn, bất cập. Dần dần, khi ổn định, sẽ tính toán mở thêm điểm đón sao cho phù hợp với phương tiện di chuyển trước đó của công chức là gần bến xe buýt hoặc có nơi gửi xe máy.
Trong thời gian tới các sở, ngành phải khẩn trương rà soát lại số lượng công chức thực tế có nhu cầu đi làm bằng xe buýt để điều chỉnh các tuyến đưa đón phù hợp nhằm hạn chế lãng phí. Ngoài ra, theo đại diện Sở GTVT, tới đây sau 3 tháng thí điểm miễn phí, sẽ chính thức thu phí với mức giá phù hợp để công chức an tâm.
“Hiện thành phố đang nghiên cứu áp dụng cấp cho công chức vé tháng liên tuyến để mọi người có thể lên xe chuyên trách cũng như xe buýt thông thường và không nhất thiết phải đi đúng xe của sở ngành mình. Tất cả sẽ tạo thuận lợi cho công chức đi làm bằng xe buýt”-Một cán bộ cho biết.
Thủ tục pháp luật