Tin Tức

Nghị trường không còn “đóng cửa bảo nhau”

Rate this post

Ngoài hành lang, nhiều đại biểu phê phán gay gắt các vấn đề quốc kế dân sinh đang được người dân hy vọng họ thổi lửa vào nghị trường. Nhưng lửa hầu hết lại không bùng ở hội trường mà được om ở đâu đó với lời giải thích “chúng tôi còn nhiều dịp để nói”. Thành ra, những cuộc chất vấn ở Quốc hội lâu nay được quan niệm hay mặc định là cuộc trình diễn, với sự có mặt cho đủ ban bệ theo cơ cấu: đại diện vùng miền, ngành nghề, giới v.v… Tuy nhiên, ở phiên chất vấn kỳ họp thứ 7 lần này có vị chức sắc trong Quốc hội đã vượt ra thông lệ cũ.

Chuyện bình thường thành hiện tượng lạ

Phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát về chuyện cho thuê đất rừng đang hồi “cao trào” khi cả hai ĐB Nguyễn Văn Tuyết và Lê Như Tiến đều bấm nút để hỏi tiếp nhưng nhận được câu trả lời chung chung. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng “giải vây” bằng cách xướng tên mời các Bộ trưởng KH&ĐT, TN&MT, Quốc phòng, Công an cùng lên chia lửa. Cuối hội trường, một cánh tay quả quyết giơ lên. Đó là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh QH Lê Quang Bình

Ông Bình sang sảng cất lời: “ngay khi có thông tin trên báo chí, chúng tôi đã đi khảo sát và thấy có tới 18 tỉnh đang cho thuê rừng chứ không phải 10 tỉnh như Chính phủ nói”.

Con số khiến Hội trường xôn xao, và lại có thêm nhiều ĐB truy vấn về độ vênh. ĐB Nguyễn Đình Xuân còn đề cập đến việc xem lại “chỉ số tín nhiệm”.

Bộ trưởng NN&PTNT khi ký vào bản báo cáo đề ngày 7/6 gửi “hỏa tốc” cho Quốc hội ngay trước buổi chất vấn hẳn chưa từng biết đến con số vênh nhau này. Bởi vì trong ít phút giải lao, người ta đã thấy ông Phát chăm chú xem bản báo cáo từ tay ông Lê Quang Bình.

Chuyện con số của Chính phủ với Quốc hội vênh nhau là thường. Có vênh nhau thì mới cần Quốc hội đi giám sát.  Từ đó, đại biểu có thêm số liệu để so sánh, phản  biện. Nếu không, các cuộc giám sát của Quốc hội còn có nghĩa lý gì. Hành động của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nên được xem là chuyện bình thường mới phải.

Ấy thế mà chuyện này lại được xem như hiện tượng lạ. Có lẽ vì đã từ rất lâu lại mới có một  vị Chủ nhiệm Ủy ban dám đứng lên bác lại số liệu từ Chính phủ bằng một điều tra độc lập ngay trong phiên chất vấn truyền hình trực tiếp. Điều này đã phá vỡ cái thông lệ “đóng cửa bảo nhau” lâu nay.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Lê Quang Bình và Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Thông thường, các ủy ban đi giám sát chuyên đề theo một kế hoạch đã định trước bao giờ cũng phải bàn lên luận xuống, hết hội thảo trong Nam lại ra hội thảo ngoài Bắc để so sánh đối chiếu và tạo cơ hội cho các bộ đến giải trình. Trong nhiều tình huống, các bản báo cáo từ khi khởi thảo đến lúc đưa ra đọc và truyền hình trực tiếp ở Hội trường đã được loại bỏ nhiều số liệu.

Thậm chí, có vị trong Ủy ban Thường vụ QH khi nói ngoài hành lang thì chỉ rõ mười mươi thông tin này, con số kia của Chính phủ chưa chính xác, nhưng hỏi vì sao họ không chất vấn trực tiếp các Bộ trưởng, thì lý do đưa ra đều là “còn nhiều diễn đàn khác để nói”, rằng vì làm việc ở Trung ương với nhau cả nên nếu có băn khoăn, thắc mắc gì họ sẽ gặp luôn các bộ để cùng bàn thảo (hay thỏa hiệp?) chứ không “lôi nhau ra Quốc hội”.

Thực tế, nhiều phiên họp Ủy ban Thường vụ diễn ra quyết liệt “như mổ bò”, nhưng hễ cứ ra đến hội trường là các vị trong Ủy ban Thường vụ QH vốn thường ngày nói năng sắc sảo, ăm ắp thông tin đều nhường diễn đàn cho đại biểu địa phương.

Nhưng kỳ chất vấn này, chọn một cách ứng xử không theo kiểu “dĩ hòa vi quý” thường tình, ông Bình hẳn phải có lý do.

Xem Thêm  Thị trường chung cư cao cấp Hà Nội: Cần minh bạch!

Cánh báo chí không ít người đã “săn” Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh ngay từ đầu kỳ họp vì biết ủy ban của ông đã đi khảo sát việc cho thuê đất rừng và có được không ít thông tin đáng giá. Nhưng viện cớ cuộc khảo sát chưa xong, ông Bình luôn nhã nhặn từ chối. Ông muốn chọn thời điểm.

Và ông đã công bố kết quả điều tra vào đúng phiên chất vấn tại Hội trường, khi mà mỗi vị ĐB đang có trong tay bản báo cáo Chính phủ vừa gửi đến với con số hệt như báo cáo gửi lên Thủ tướng cuối năm ngoái. Đồng bào Lạng Sơn, Kon Tum… nếu sáng hôm đó may mắn có điện, hẳn phải hởi lòng hởi dạ bởi lời khẳng định như đinh đóng cột của ông Bình là hầu hết diện tích cho thuê đều ở địa bàn xung yếu quốc phòng an ninh (chứ không phải địa bàn kinh tế khó khăn như Chính phủ  nói).

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, người hoạt động lâu năm ở Văn phòng Quốc hội, nói rằng cử tri đánh giá các đại biểu của mình chủ yếu thông qua việc nghe họ phát biểu ở nghị trường.

Một ĐB từng theo hai nhiệm kỳ QH là ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không phải lúc nào cũng nhường người khác phát biểu.

Do đó, cử tri rất khó chấp nhận rằng đại biểu mà họ bầu ra, cho dù đang là lãnh đạo các ủy ban Quốc hội và có rất nhiều thông tin mà các đại biểu khác và cử tri không biết, lại chỉ nói ở một diễn đàn khác. Truyền thông không theo dõi, dân không được giám sát. Họ quyết liệt và sắc sảo ở đâu đó không biết, nhưng đến các buổi chất vấn thì họ chỉ nhìn người khác nói.

Ông Lê Quang Bình không chỉ là một đại biểu của cử tri Thanh Hóa. Với cương vị Chủ nhiệm một ủy ban, ông có trong tay công cụ để giám sát trên diện rộng những vấn đề lớn.

Tìm hiểu chuyện nước ngoài cho thuê đất rừng không phải là chuyên đề giám sát mà Thường vụ giao cho ủy ban năm nay, nhưng trước vấn đề nóng được cả nước quan tâm (cứ xem số câu hỏi gửi cho Bộ trưởng NN và theo dõi các buổi tiếp xúc cử tri), trước kiến nghị các vị lão thành cách mạng, trước thông tin báo chí nêu, Ủy ban đã chủ động đi thu thập thông tin và chọn đúng diễn đàn để nói.

Chính ông Bình cũng dứt khoát: “Sau phiên chất vấn này, Chính phủ phải họp lại để bàn sâu, bàn dứt khoát về vấn đề này. Đồng thời phải công bố công khai rộng rãi để công luận, báo chí và nhân dân cùng biết để giám sát”.

Xới vấn đề lên thì hãy đi đến tận cùng

Mấy năm nay, người ta vẫn ra Nghị quyết sau từng phiên chất vấn để ràng buộc lời hứa các bộ trưởng. Nhưng rồi chuyện thất thoát lãng phí xây dựng vẫn cứ xảy ra, ngân sách vẫn bội chi liên tục… Và chính thái độ “dĩ hòa vi quý” giữa hai cơ quan hành pháp – lập pháp đã dẫn đến tình huống bất kể đại biểu đề xuất phải đưa nhiều vấn đề nóng vào chương trình họp chính thức nhưng đề xuất này vẫn thường bị bỏ qua. Người ta lấp chỗ trống bằng cách gửi báo cáo riêng cho đại biểu. Thành thử, ai muốn nói, muốn phản biện gì, đều phải đợi đến hôm chất vấn.

Chất vấn là một trong các cách để QH thực hiện quyền giám sát và phản biện của mình, buộc Chính phủ phải hoạt động hiệu quả hơn. Chất vấn trên Hội trường dù gay gắt, quyết liệt đến mấy nhưng theo thông lệ cứ xong thì thôi. Họa hoằn có một số đại biểu như ông Lê Văn Cuông, Danh Út, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Đình Xuân thường truy vấn và đeo bám một sự việc đến cùng qua nhiều kỳ họp. Như vậy, hiệu quả chất vấn đôi khi phụ thuộc vào sự tích cực, năng nổ và tâm huyết của một nhóm đại biểu. Mà các kỳ họp cách nhau cả nửa năm. Đôi khi chất vấn đi, chất vấn lại cũng khiến vấn đề trở nên nhàm chán.

Trước hội trường, ông Lê Quang Bình đã công bố thông tin mới, cung cấp thêm số liệu và đưa ra khuyến cáo. Từ tín hiệu đáng mừng đó, cử tri có quyền chờ đợi Ủy ban Quốc phòng An ninh của ông đã “xới xáo” vấn đề lên thì hãy làm việc đó cho đến tận cùng, sử dụng những công cụ mà luật pháp cho phép. Người dân đã ghi nhận ngọn lửa tâm huyết ông thổi lên ở hội trường nhưng mong rằng ngọn lửa sẽ được cháy tiếp chứ không phải lụi tàn âm ỉ ở đâu đó.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn