Nghi án hiếp dâm trẻ em: Năm năm, sáu phiên xử: Chưa xong!
Tòa phúc thẩm: Theo quy định lúc đó, không có luật sư trong quá trình điều tra cũng không sao!
Ngày 11-6, trong vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em ở Vĩnh Long, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại đối với bị cáo Võ Minh Phụng theo hướng phạm tội hiếp dâm trẻ em (cấp sơ thẩm tuyên trắng án). Tòa cũng bác kháng cáo kêu oan và y án sơ thẩm với ba bị cáo Phạm Văn Đoàn (15 năm tù), Võ Thành Sang (13 năm tù) và Ngô Văn Thành (12 năm tù).
Mập mờ oan – không oan
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, đêm 5-10-2003, khi đi dự một đám cưới ở xã Thạnh Quới, Long Hồ (Vĩnh Long), em M. (hơn 15 tuổi, bị thiểu năng, khờ khạo) bị một nhóm thanh niên gồm Đoàn, Thành, Sang, Phước, Hùng, Phụng dâm ô, hiếp dâm. Sáng hôm sau, được người hàng xóm tố giác, công an xã đã gặp hỏi em M. và cha mẹ nhưng nhận được câu trả lời là “Không biết gì” và “Không ai hiếp dâm em cả”. Tuy nhiên chiều cùng ngày, cha M. lại dẫn em đến xã trình bày là em bị nhóm thanh niên trên xâm hại.
Các bị cáo đang được dẫn giải về trại giam sau phiên xử. |
Thế rồi từ lời khai ban đầu của Phụng, năm thanh niên còn lại lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam. Tháng 9-2005, TAND tỉnh Vĩnh Long đã xử sơ thẩm, phạt Đoàn 12 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em; Thành ba năm tù, Sang 30 tháng tù, Hùng và Phước mỗi người chín tháng tù về tội dâm ô đối với trẻ em. Riêng Phụng được tòa tuyên trắng án vì thiếu chứng cứ kết tội.
Sau đó, Đoàn, Thành, Sang kháng cáo kêu oan, còn VKS tỉnh kháng nghị, yêu cầu cấp phúc thẩm tăng hình phạt tất cả bị cáo và kết tội Phụng. Tháng 7-2006, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm vì lời khai của các bị cáo mâu thuẫn, kêu bị bức cung, nhục hình. Mặt khác, phía nạn nhân khai những gì đã nói tại cơ quan điều tra là do điều tra viên hướng dẫn nhưng tòa sơ thẩm không xác minh. Chưa kể kết luận giám định không cho biết thời điểm nạn nhân bị xâm hại, không giám định được tinh trùng…
Xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh phạt Đoàn 15 năm tù, Thành 12 năm tù, Sang 13 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em và tuyên Phụng không phạm tội. Sau phiên tòa, Đoàn, Thành và Sang kháng cáo kêu oan, còn VKS tỉnh kháng nghị theo hướng kết tội Phụng. Tháng 7-2007 và tháng 5-2008, Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã mở phiên phúc thẩm lần hai nhưng đều hoãn vì vắng bị cáo Phụng và công tố viên không thể kết luận được vụ án.
Tòa, viện đồng lòng kết tội
Tại phiên phúc thẩm lần này, cả bốn bị cáo Đoàn, Thành, Sang, Phụng đều đồng loạt kêu oan.
Đoàn nói hôm đó chỉ chọc ghẹo, sờ soạng em M. thôi chứ không hề hiếp dâm. Một nhân chứng còn khai có thấy Sang ở đám cưới nhưng sau khi hát karaoke và nhậu xong thì về ngay. Phụng thừa nhận mình có mặt ở đám cưới nhưng sau đó đi uống cà phê đến 11 giờ trưa thì về nhà, không hề biết chuyện gì xảy ra. Các luật sư thì đồng loạt đề nghị tòa tuyên các bị cáo vô tội.
Ngược lại, công tố viên nói kháng nghị buộc tội Phụng là có cơ sở. Tuy có nhiều lời khai nhưng lời khai ban đầu của các bị cáo và nạn nhân phù hợp nhau nên đó là chứng cứ buộc tội.
Các luật sư cho rằng hồ sơ có một lời khai của nạn nhân thể hiện trước vụ án em có “quan hệ” hai lần với người anh họ, chứng tỏ chuyện rách màng trinh theo giám định không phải do các bị cáo gây ra. Công tố viên nói đúng là có lời khai đó nhưng cũng có rất nhiều lời khai khác nạn nhân nói các bị cáo phạm tội. Cho nên trong rất nhiều lời khai ấy, cái chính thống và có căn cứ là cái phù hợp với lời khai của các bị cáo. Đồng tình, tòa cho rằng kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân là trẻ chậm phát triển, khờ khạo nên cần coi những lời khai ấy không phải là cơ sở duy nhất để kết tội các bị cáo.
Không vi phạm tố tụng
Bốn bị cáo trên còn khai bị ép cung, nhục hình khi điều tra. Đoàn khai bị một điều tra viên tên H. đánh, ép ký vào bản cung. Thành, Sang, Phụng cũng khai cán bộ bảo ký thì ký chứ không được đọc lại nội dung. Các luật sư thì “tố” hồ sơ do công an dàn xếp vì cha mẹ nạn nhân lúc nói không biết gì, lúc lại thể hiện qua văn bản rõ ràng y như tận mắt chứng kiến.
Theo tòa phúc thẩm, việc Thành không có luật sư chỉ định trong quá trình điều tra là chưa đúng luật (Thành bị truy tố theo khoản 3 Điều 112 BLHS, khung hình phạt cao nhất đến tử hình) nhưng lúc xét xử tòa đã bố trí luật sư bào chữa. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ án (tháng 10-2003) Bộ Công an chưa ban hành văn bản bắt buộc trường hợp này phải có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra nên đó chỉ là sai sót cần lưu ý của tòa sơ thẩm chứ không coi là yếu tố để hủy án. Chuyện các bị cáo bị ép cung là không có cơ sở vì hồ sơ thể hiện mỗi bị cáo đều có rất nhiều lời khai khác nhau. Thậm chí có những bản tường trình các bị cáo tự làm cũng thấy lúc nhận tội, lúc không…
Thủ tục pháp luật