Ngân sách thành phố hỗ trợ một phần lãi vay
Những lần trình đề án trước đây, tổng kinh phí ngân sách thành phố hỗ trợ cho việc chuyển đổi xe 3-4 bánh tự chế tốn hơn 600 tỉ đồng, lần này số tiền chỉ còn khoảng 50-83,3 tỉ đồng.
Hỗ trợ lãi vay 6%/năm cho một số đối tượng
![]() |
Xe 3 bánh – phương tiện kiếm sống của người thu nhập thấp. |
Số liệu thống kê sơ bộ TPHCM hiện có 21.142 xe 3-4 bánh tự chế các loại. Đề án trình lần này được xây dựng trên khả năng nguồn vốn ngân sách thành phố trong tình hình tiết kiệm chi. Do đó, Ban xây dựng đề án đã đề xuất với thành phố 2 phương án.
Phương án 1 với cơ chế: Hỗ trợ lãi vay 6%/năm (thời hạn trong 3 năm) khi vay tín dụng thương mại mua xe tải nhẹ để thay thế xe 3-4 bánh trong thu gom rác, chất thải vệ sinh và thay thế xe cơ giới 3 bánh có đăng ký biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật – môi trường.
Những đối tượng thuộc các diện trên còn được hỗ trợ 3 triệu đồng để học lái xe, đào tạo nghề.
Đối với các hộ nghèo có mã số (hộ khẩu KT1, KT2, KT3), thành phố sẽ hỗ trợ ban đầu mỗi hộ 7 triệu đồng (5 triệu từ tiền ngân sách, 2 triệu từ nguồn vốn Quỹ Người nghèo thành phố).
Ban xây dựng đề án đề xuất thành phố mua xe môtô 2 bánh (15 triệu đồng/xe) tặng cho 100 hộ nghèo thay thế 3-4 bánh tự chế đang tham gia giao thông hiện nay.
Riêng đối tượng sử dụng xe 3-4 bánh tự chế không có đăng ký biển số (ngân sách không hỗ trợ lãi vay), song nếu thuộc các hộ nghèo có mã số (hộ khẩu KT1, KT2, KT3) sẽ được lồng ghép với các chương trình vay vốn từ Quỹ Xoá đói giảm nghèo, Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm với lãi suất vay ưu đãi 0,5-0,65%/tháng.
Dự kiến, tổng kinh phí sử dụng cho công tác chuyển đổi phương tiện trong 3 năm khoảng 50 tỉ đồng (năm 2008 là 23,8 tỉ, năm 2009 khoảng 16,3 tỉ và năm 2010 gần 10 tỉ đồng).
Phương án thứ hai có cơ chế tương tự phương án 1; tuy nhiên, Ban xây dựng đề án bổ sung thêm cơ chế ngân sách hỗ trợ lãi vay cho các đối tượng đang sử dụng xe 3-4 bánh tự chế không có biển số (phương án 1 đối tượng này chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi).
Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ lãi vay 4% /năm trên số dư nợ thực tế khi vay tại Quỹ Xoá đói giảm nghèo, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; và hỗ trợ 6%/năm trên số dư nợ nếu vay ở các tổ chức tín dụng khác, phần chênh lệch với lãi suất thực vay hộ gia đình tự trả.
Người dân chắc chắn không dễ vay vốn
Theo ông Dương Hồng Thanh – Phó GĐ sở, một thành viên trong Ban xây dựng đề án chuyển đổi xe 3-4 bánh, nếu thực hiện theo đề án trước đó ngân sách phải chi khoảng hơn 600 tỉ đồng sẽ cơ bản giải quyết tận gốc việc chuyển đổi phương tiện và giúp người dân sớm ổn định việc làm.
Tuy nhiên với đề án trình lần này, tổng chi ngân sách chỉ 50 đến 83,3 tỉ đồng sẽ khó giải quyết tận gốc trong thời gian ngắn.
Với cơ chế đề xuất chỉ hỗ trợ lãi suất khi các đối tượng chuyển đổi thay thế xe, mặc dù có hỗ trợ thêm chi phí học lái xe, đào tạo nghề, nhưng chắc chắn họ sẽ gặp khó khăn khi vay được tiền của các tổ chức tín dụng để có tiền mua xe mới. Bởi phần lớn, họ đều là đối tượng có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp, không có vốn đối ứng… theo điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay.
Để giải quyết phần nào khó khăn đối với những người sử dụng xe 3 bánh làm phương tiện mưu sinh, Sở GTCC và Công an thành phố thống nhất đề xuất thành phố thu hẹp hành lang cấm xe 3-4 bánh lưu thông trong nội đô trong giai đoạn 2008 – 2010, sau đó từ năm 2011 trở đi sẽ mở rộng hành lang cấm.
Ngoài ra, những xe 3 bánh có đăng ký biển số và có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật – môi trường sẽ được hoạt động trong khu vực nội đô từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Dự kiến, lộ trình thực hiện chuyển đổi xe 3-4 bánh trên địa bàn TPHCM: Từ tháng 6.2008 đến 12.2008, hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, học Luật Giao thông cho người tàn tật; thay thế xe cho đối tượng thu gom rác, chất thải vệ sinh và đối tượng xe cơ giới 3 bánh có đăng ký, đăng kiểm, kể cả việc học, thi giấy phép lái xe.
Từ tháng 6.2008 đến hết 12.2009, hoàn thành việc chuyển đổi xe 3-4 bánh tự chế không biển số.
Thủ tục pháp luật