Ngàn người nghèo đứng đường vẫy xe “nhồi” giá rẻ
Không chịu nổi giá vé tăng hơn 60%, dọc tuyến QL1A từ Đà Nẵng vào Quảng Nam, hàng ngàn người (đều là lao động nghèo về quê ăn Tết) đứng ven đường đón xe vào các tỉnh phía Nam, với hy vọng bớt phần nào chi phí hành trình trở lại chốn mưu sinh.
Không kham nổi giá vé quá cao tại bến, nhiều người phải ra đường quốc lộ chờ đón xe. Ảnh: HC |
Vé bến: “Cháy túi” lao động nghèo
Chị Nguyễn Thị Mai ở Hoà Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho biết, chị xuống ngã tư Hoà Cầm đón xe để vào TP.HCM tiếp tục làm công nhân may mặc mà chưa được. “Không phải không có xe nhưng giá vé cao quá. Bình thường đi Sài Gòn chỉ có 120.000 đồng, bây giờ nhà xe đòi lên tới 400.000-500.000 đồng nên tụi em buộc phải tiếp tục chờ có xe hợp với túi tiền của mình”.
Cũng vậy, Dương Thị Hoà ở phường Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sau hơn 10 năm làm cho một công ty nước ngoài ở khu công nghiệp Đà Nẵng nhưng lương chỉ hơn 700.000 đồng/tháng, chị quyết định bỏ vào Nam tìm việc vì nghe trong đó có thu nhập cao hơn, để kiếm tiền lo cho mẹ ốm nặng và đứa em đang đi học, nhưng “vấp” phải giá vé xe gần bằng cả tháng lương trước đây khiến chị khựng lại. “Đi không nổi mà ở lại cũng không xong, giờ em không biết phải tính sao đây?” – chị Hoà than thở…
Điều khiến hành khách, nhất là những người lao động, lo lắng nhất chính là giá vé xe vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên đều tăng trên 60% so với ngày thường. Xe Thuận Thảo tuyến Đà Nẵng – TP.HCM trước Tết là 250.000 đồng/vé, nay tăng 480.000 đồng/vé; xe Mai Linh 400.000 đồng/vé (Đà Nẵng – TP.HCM) và 230.000/vé (Đà Nẵng – Buôn Mê Thuột); xe Phi Hiệp vào TP.HCM lên tới 550.000 đồng/vé (dành cho ghế nằm) và 385.000 đồng/vé (ghế ngồi).
Ấy vậy mà tới từ mùng 7 Tết, các hãng xe đã tuyên bố đã bán hết vé vào TP.HCM đến ngày mùng 9 Tết (15/2), riêng hãng Thuận Thảo đã hết vé đến ngày 17/2!
Theo quan sát của PV VietNamNet những ngày gần đây, xe khách tại Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng không thiếu nhưng giá vé quá cao khiến hành khách, đa phần là công nhân lao động nghèo về quê ăn Tết rồi trở lại TP.HCM để tiếp tục cuộc mưu sinh, kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình, chưa thể lên xe được. Hàngngàn người đứng dọc QL1A từ Đà Nẵng đến Quảng Nam với hy vọng bắt được xe giá rẻ.
Theo thống kê của lãnh đạo Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng, ngày mùng 4 Tết đã có trên 1.000 khách xuất bến, sang ngày mùng 5 tăng lên hơn 1.500 khách và trong hai ngày 6, 7 Tết, lượng khách bình quân đều trên 2.000 người. Trong đó đi tuyến Đà Nẵng – TP.HCM chiếm hơn 70% lượng khách xuất bến trong ngày.
Từ mùng 8 đến 12 tháng Giêng, theo nhận định của các đơn vị vận tải, lượng khách đi các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng. Lãnh đạo Bến xe Trung tâm Đà Nẵng cùng các hãng xe chạy tuyến Đà Nẵng – TP.HCM… đều tăng đầu xe, tăng chuyến để không xảy ra tình trạng tồn đọng khách tại bến.
Tuy nhiên, qua phản ảnh của hành khách, hầu hết các vị trí “đẹp” trên xe đều đã được đặt chỗ trước Tết. Vì vậy, phần lớn khách mua vé sau Tết phải ngồi phía sau, ngồi ghế cứng, thậm chí là ghế “súp” do nhà xe kê thêm giữa lối đi trên xe. Không những thế, do mua vé muộn nên họ không thể chủ động sắp xếp ngày giờ đi mà cứ lấy vé được lúc nào đi lúc đó. Bởi thế, tuy chưa đến nỗi phải nằm chờ qua đêm nhưng đã có không ít hành khách phải đợi từ sáng đến chiều mới có thể rời bến.
Xe dù ngang nhiên đón bắt khách ngay giữa đường. Ảnh: HC |
Xe dù mặc sức tung hoành
Đây cũng chính là cơ hội để nạn xe dù bùng phát trở lại với số lượng khá lớn, núp dưới danh nghĩa “xe chạy hợp đồng” hoặc “xe chạy tuyến cố định”, quần đảo trên đường bắt khách, chạy ẩu rất dễ gây tai nạn. Thậm chí nhiều xe chạy các tuyến đường ngắn cũng tích cực tham gia quần đảo bắt khách để sang cho các xe chạy tuyến xa hơn, khiến giao thông trên QL1A liên tục bị ùn tắc.
Trước tình hình này, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông Đà Nẵng đã được yêu cầu tích cực chấn chỉnh nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình hình. Theo quan sát của PV, trước cổng Bến xe trung tâm Đà Nẵng, luôn có hàng chục xe khách vừa xuất bến đã lòng vòng đậu đỗ, đón khách vô tội vạ. Thấy CSGT thì họ cho xe chạy “rà rà”, khi CSGT vừa quay lưng đi là lập tức dừng xe để phụ xe nhảy xuống đường đón khách.
Đặc biệt, ở khu vực ngã ba Huế trên QL1A, lúc nào cũng có hàng chục xe khách đậu đỗ sai quy định để bắt khách. Cả đám phụ xe lẫn cò mồi tràn ra giữa lòng đường lôi kéo, giành giật khách, thậm chí ép hành khách lên xe khiến tình hình an toàn giao thông ở đây rất lộn lộn và có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Thậm chí có xe thản nhiên đậu giữa đường bắt khách dù xe của tổ CSGT chỉ cách đó hơn 100m!
Tất nhiên, có cung thì mới có cầu. Một hành khách đang chờ ở ngã ba Huế để đón xe “dù” vào Nam cho hay: “Nếu ra bến phải mất ít nhất 300.000 đồng mới có thể mua được 1 vé đi Sài Gòn, chưa kể phải chen chúc nhau mới mua được, thậm chí vào tới nơi thì hết vé. Trong khi ra chờ ở đây, chỉ cần hơn 100.000 đồng là có hàng trăm xe mời đón, thích xe nào thì chọn, giá vừa phải thì… lên. Với dân lao động nghèo như tụi mình, như thế vừa tiện vừa lợi”. Có thể nói, cách giải thích này của một bộ phận hành khách đi xe chính là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến xe dù có thể hoạt động được.
Thế nhưng ẩn hoạ từ những chuyến xe dù thì không phải ai cũng có thể lường hết được. Đơn cử như ông Lê Văn Hoài vừa “lỡ” chuyến xe 54H-37… đi TP.HCM cho biết: “Khi đón xe ở ngã ba Huế, tui trả giá 200.000 đồng, họ đồng ý ngay, nhưng ngồi chưa kịp nóng chỗ, họ đã đòi tiền vé lên tới 460.000 đồng. Tui không chấp nhận nên bị họ đẩy xuống xe. Cũng may, chứ nếu chạy nửa đường rồi họ đòi kiểu đó thì tui biết lấy gì mà trả!”
Đó là chưa kể, xe dù luôn song hành tình trạng chở quá tải, quá số người quy định, nhồi nhét, sang bán khách vô tội vạ, rồi phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu… Biết bao nhiêu ẩn hoạ đang “chực chờ” hành khách trên những chuyến xe dù mà khi “trải nghiệm” rồi thì chỉ còn có nước tự chịu cay đắng.
Vào bến đi xe đàng hoàng thì không kham nổi giá vé cao chót vót. Đứng đường đón xe dù thì ẩn hoạ chực chờ. Con đường trở lại với nơi mưu sinh của hàng trăm ngàn người lao động nghèo miền Trung sao mà lắm nỗi truân chuyên đến thế!
Thủ tục pháp luật