Nạn buôn lậu gỗ quý hiếm có dấu hiệu “tái phát”
Chỉ tính riêng trong tháng 9, ngành chức năng địa phương đã phát hiện và bắt giữ ít nhất 7 vụ vận chuyển và tàng trữ trái phép gỗ quý hiếm. Mới đây, trên Quốc lộ 14, thuộc địa bàn xã Phú Mỹ (Chư Sê), cảnh sát môi trường (Công an Gia Lai) đã phối hợp với đội Kiểm lâm cơ động số 2 (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai), bắt quả tang xe ô tô khách mang biển kiểm soát 81L 2719 chở 1,5 mét khối gỗ lậu.
Qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xe chứa 63 hộp gỗ nhóm I
(gồm trắc và cẩm lai) không có giấy tờ hợp lệ. Tài xế Võ Đức Nhã (sinh năm 1980) và chủ xe là Võ Văn Ba khai nhận chở thuê số gỗ này từ Pleiku đi TP HCM
Cũng thông tin từ Đội kiểm lâm cơ động số 2, Chi cục kiểm lâm Gia Lai, tuần trước họ đã phát hiện và tạm giữ tại nhà riêng Chủ tịch UBND xã Ia Nan, huyện Đức Cơ hơn 5 mét khối gỗ căm xe (thuộc nhóm II) mà không có giấy tờ hợp lệ. Sau đó, đội tiếp tục phát hiện và thu giữ hơn 3 mét khối gỗ nhóm I tại thị trấn Chư Ty huyện Đức Cơ.
Ông Y Mới, Chi cục phó Chi cục Kiểm Lâm Gia Lai, cho biết tình trạng buôn lậu gỗ quý hiếm sau một thời gian lắng xuống, nay đang có dấu hiệu “tái phát” và có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong tháng 9 này, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 đã hai lần phát hiện Xí nghiệp tư doanh An Sơn ở thị xã An Khê tàng trữ trái phép 7,4 mét khối gỗ nhóm I và 2,6 mét khối gỗ nhóm III. Điều đáng nói là, năm ngoái xí nghiệp tư doanh này cũng đã bị xử lý hành chính về hành vi buôn bán lâm sản trái phép.
Trước đó, Công an phường Ia Kring, thành phố Pleiku và cán bộ Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cũng đã phát hiện gần 12 mét khối gỗ gỗ trắc (nhóm I) tại doanh nghiệp tư nhân Huy Phương ở đường Lê Thánh Tôn, thành phố Pleiku. Đến nay vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc số gỗ này, còn đối tượng thì đang lẩn trốn ở Campuchia, không thể liên lạc được.
Nghiêm trọng hơn, đầu tháng 9 này, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Cơ quan Quân sự huyện Mang Yang cũng đã bắt giữ xe ô tô BKS 54N-0895 chở gần 40 mét khối gỗ trắc không có giấy tờ hợp lệ. Tài xế đã bỏ trốn, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc số gỗ và chủ phương tiện.
“Nói về gỗ lậu thì Gia Lai là một trong những điểm nóng. Bọn lâm tặc tranh mua tranh bán, khai thác lâm sản ở những vùng trọng điểm, nhất là vùng giáp ranh biên giới như Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai và vùng giáp ranh với tỉnh Kon Tum” – ông Y Mới, Chi cục phó Chi cục Kiểm Lâm Gia Lai, cho biết .
Theo Chi cục Kiểm Lâm Gia Lai, tình hình vi phạm Luật quản lý và Bảo vệ rừng đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng ở địa phương đã phát hiện và lập biên bản trên 1.500 vụ vi phạm, tăng hơn 300 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là mua bán, vận chuyển lâm sản và phá rừng trái phép.
Mặc dù tỉnh đã thành lập các đoàn liên ngành gồm Công an, Quân đội, Quản lý thị trường, Biên phòng phối hợp cùng 3 đội Kiểm lâm cơ động, tiến hành truy quét liên tục, nhưng nạn buôn bán, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái phép ở Gia Lai vẫn tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Thủ tục pháp luật