Mũ bảo hiểm đã cứu nhiều người thoát chết
Chiều 18/12, phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chật cứng người. Một tay xách quần áo, tay kia mang chiếc mũ bảo hiểm chị Nguyễn Thị Thủy nức nở: “Chồng em bị tai nạn xe máy, may mà đội mũ bảo hiểm nên chỉ gãy tay …”.
15h, dọc hành lang bệnh viện, hàng chục người nhà bệnh nhân rầu rĩ ngồi chờ tin của người thân. Tại Phòng theo dõi bệnh nhân nam (Khoa cấp cứu), các giường bệnh chật kín bệnh nhân tai nạn giao thông. Mùi thuốc kháng sinh bốc ra nồng nặc. Chị Thủy cho biết, chồng chị đi làm về thì bị xe máy ngược chiều đâm vào.
Kéo chiếc chăn đắp kín người anh Nguyễn Đức Thụy (Bắc Kạn) để hở bộ mặt với nhiều mũi khâu và vết bầm tím, chị Nguyễn Thị Hạ cho biết, anh Thụy nhập viện 10h đêm qua do tai nạn giao thông khi đang đi chơi cùng bạn trong nội thành Hà Nội. “May mà anh ấy đội mũ bảo hiểm nên chỉ bị rách mặt, gẫy tay”, chị Hạ nói.
Bệnh nhân bị tai nạn giao thông đưa vào cấp cứu tại Việt Đức. Ảnh: Xuân Tùng |
Ngồi gật gù bên hành lang bệnh viện, ông Nguyễn Đức Minh, bố nạn nhân Nguyễn Văn Giáp, 21 tuổi (Tuyên Quang) cho biết, gia đình đưa Giáp xuống Hà Nội tối qua. Sau tai nạn xe máy, hai chân anh trở nên tê dại, sống lưng bị đau. “Cháu nó đi xe máy, buồn ngủ quá. Thế là đâm vào cột cây số. Chiếc mũ bảo hiểm vỡ tan, may chỉ bị gãy tay”, ông Minh nói.
Không may mắn như Giáp, anh Tiến (Đông Anh, Hà Nội) đã bị chấn thương sọ não vì quên đội mũ bảo hiểm. Đứng cạnh giường bệnh của, chị Nguyễn Thị Hải nấc nghẹn: “Nhà cách chợ không xa, buổi tối sau khi em nấu cơm xong, anh ấy tranh thủ phóng xe mua thêm ít thức ăn về đãi khách. Không ngờ vừa phi xe ra đầu ngõ bị một ô tô đâm vào. Cả gia đình bỏ dỡ bữa cơm đưa anh vào bệnh viện”, chị Hải nói.
Khoa phẫu thuật chỉnh hình chật kín bệnh nhân tai nạn giao thông. Ảnh: Tuấn Anh |
Theo bác sĩ Lưu Danh Huy, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Việt Đức, ba ngày qua, số người vào viện do tai nạn giao thông không giảm. Tuy nhiên số bệnh nhân bị chấn thương sọ não đã giảm. Nhờ đội mũ bảo hiểm nhiều người đã thoát được cái chết.
Bác sĩ Huy cho hay, ngày 16/12, bệnh viện tiếp nhận 65 ca chấn thương do tai nạn giao thông. Ngày 15/12, cũng tiếp nhận 44 ca, trong đó có 10 ca không đội mũ bảo hiểm, 12 ca đội mũ.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hà Kim Trung, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, bệnh viện Việt Đức cho biết, việc đội mũ bảo hiểm chỉ giúp hạn chế chấn thương sọ não. Những trường hợp va đập quá mạnh vẫn có thể ảnh hưởng đến đầu.
Tại TP HCM, Khoa cấp cứu của các bệnh viện Chợ Rẫy, Trưng Vương, Nhân dân Gia Định, Nhân dân, số ca nhập viện bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông giảm gần 50%, so với trước khi thực hiện đội mũ bảo hiểm.
Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, người dân mới thực hiện đội mũ bảo hiểm đại trà được gần 3 ngày nên chưa thể có nhận định chính xác về tác dụng của đội mũ bảo hiểm.. Trong số 300 ca tai nạn giao thông mỗi ngày, số người chấn thương sọ não chỉ chiếm khoảng 20% và chỉ 10 người phải mổ não. Tuy nhiên, tính đến chiều 17/12, chưa có ca chấn thương sọ não tử vong
“Hầu hết các ca chấn thương sọ não là do không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đúng cách, mũ văng ra lúc có tai nạn”, ông Ái cho biết thêm.
Bệnh viện Nhân dân 115 trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca chấn thương đầu, chiếm 7% so với tổng số ca nhập viện, giảm hơn 60% so với trước ngày toàn dân đội mũ bảo hiểm 15/12. Bệnh viện Đa khoa cấp cứu Sài Gòn, 3 ngày qua chưa có người bệnh bị chấn thương sọ não. Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, số ca chấn thương đầu cũng giảm hơn 50% và không có ca trầm trọng đến mức mổ não.
Trên địa bàn Đồng Nai, hai ngày cuối tuần qua, số ca chấn thương đầu nhập viện chưa giảm so với trước ngày 15/12. Thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện đa khoa tỉnh, ngày 16/12, số ca chấn thương tăng hơn ngày thường gần 10%. Trong đó, có 4 ca tử vong do chấn thương đầu, 2 ca có đội mũ bảo hiểm và 2 ca không đội mũ.
Thủ tục pháp luật