“Một tiền gà, ba tiền thóc”
Việc Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam đang có những động thái xúc tiến nghiên cứu lập và triển khai thực hiện dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê, trên khu đất 10.000m2 gần Hồ Hoàn kiếm đang gây tranh cãi.
Trong số các dự án chỉnh trang đô thị phục vụ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội có một số dự án liên quan đến Hồ Hoàn Kiếm, như hạ ngầm đường dây, cáp điện và cải tạo hè xung quanh hồ Hoàn Kiếm, tuyến phố Hai Bà Trưng… nhằm cải thiện nạn ùn tắc giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật tại khu vực Hoàn Kiếm thật đáng hoan nghênh và cho thấy trách nhiệm của Thành phố đối với Hồ Hoàn Kiếm – vùng đất thiêng liêng từng được mệnh danh là “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi hội tụ tâm linh Hà Nội và cả nước, nơi mà con tim và tâm hồn của gần 90 triệu người con đất Việt, dù ở trong hay ngoài nước, đều hướng về mỗi thời khắc Giao thừa và các ngày lễ lớn hàng năm.
Tuy nhiên, việc cho phép Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam xúc tiến nghiên cứu lập và triển khai thực hiện dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê, trên khu đất 10.000m2 gần Hồ Hoàn kiếm này thì lại đang gây tranh cãi; Nhiều người băn khoăn, ngoài dự án này, đã, đang và có thể sẽ còn có bao nhiêu những dự án đầy khát vọng khai thác lợi thế vàng của Hồ Hoàn kiếm như vậy nữa?!…
Dưới giác độ kinh doanh, đó là những dự án khôn ngoan và có triển vọng thương mại tốt, bởi chúng sẽ hứa hẹn là “những con gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư chí ít cũng trong hàng thập kỷ nữa. Tuy nhiên, dư luận đang đang đòi hỏi cần có thái độ thận trọng hơn đối với các dự án loại này từ góc độ quản lý nhà nước theo các khía cạnh dài hạn và toàn diện.
Về pháp lý, Quy hoạch chi tiết tôn tạo khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận năm 1996 đã được phê duyệt vẫn là văn bản còn nguyên giá trị. Mọi thay đổi sẽ căn cứ vào Quy hoach tổng thể mới về Thủ đô đang được khẩn trương xây dựng và thông qua. Do đó, tất cả việc đầu tư xây dựng ở khu vực nhạy cảm này, trong phạm vi ranh giới quy hoạch Hồ Hoàn Kiếm, các tổ chức nhất thiết đều phải tuân thủ theo quy hoạch hiện hành hoặc chờ quy hoạch mới, tránh hiện tượng “vượt rào” hoặc “sự đã rồi” đầy tai hại như trường hợp công trình “Hàm cá mập ” chịu tai tiếng dư luận một thời.
Đặc biệt, Hà Nội may mắn có đương kim Chủ tịch UBND TP là một Tiến sỹ Kinh tế-Kiến trúc sư xây dựng với nhiều kinh nghiệm tốt về quy hoạch đô thị ở tỉnh Bắc Ninh nơi ông từng làm Chủ tịch UBND tỉnh, nên trong việc này hy vọng Thủ đô sẽ có “người gác cửa” có bản lĩnh và có trí tuệ trong tầm trách nhiệm và chuyên môn của mình.
Về văn hoá và tâm linh, quy hoạch mới dù có thay đổi nào đi chăng nữa, cũng có những điểm không nên và không thể thay đổi là giá trị tâm linh thiêng liêng, vô giá của Hồ Hoàn Kiếm trong lòng người dân và yêu cầu phải tập hợp, bảo tồn, phát huy và phát triển những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, cũng như bảo vệ cảnh quan của Hà Nội cổ với Hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam có lý khi khẳng định: “Ai cũng biết Hồ Gươm không chỉ của Hà Nội mà còn là của cả nước. Đây là di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc và xung quanh hồ có nhiều công trình có ý nghĩa về kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Chính vì thế mà người ta làm quy hoạch, để không ai được tuỳ tiện xâm phạm. Ở những khu vực này, nên dành cho những công trình văn hóa chứ không nên dành cho mục đích buôn bán”.
Theo quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận TP Hà Nội kèm theo Quyết định số 448/BXD-KTQH ngày 3-8-1996 của Bộ Xây dựng, thì đối với các công trình tại các lô đất tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chiều cao tối đa không vượt quá 16m, không tạo thành bức tường thành ngăn cách không gian hồ và các khu vực lân cận. Đối với các khu vực còn lại, chiều cao tối đa các công trình được khống chế không quá 4 tầng (16m), không quá 6 tầng (24m) đối với phần xây dựng lớp trong các ô phố. |
Đặc biệt, từ góc độ văn hoá và du lịch văn hoá tâm linh tầm quốc gia, có thể nói, cần tìm chỗ hoặc đổi chỗ các công sở, các trụ sở đoàn thể, tổ chức chính trị và xã hội nhà nước đang đặt trong khu vực Hồ Hoàn Kiếm hiện nay để có đất xây dựng thêm các quần thể kiến trúc văn hoá-du lịch và lịch sử, nhất là hệ thống bảo tàng tổng hợp và chuyên đề về Hà Nội đang còn rất thiếu ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, nhằm tô đậm và tôn nhấn thêm giá trị Tâm linh to lớn, cần thiết và vô giá cho muôn đời…
Bên cạnh các bảo tàng Lịch sử và bảo tàng Cách mạng đang có, rõ ràng việc đặt các bảo tàng về Hà Nội ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm sẽ giúp cho người dân cả nước và khách quốc tế khi về thăm Hà Nội, đến bờ Hồ là có điều kiện thuận lợi tham quan bảo tàng Hà Nội, hiểu hơn về con người và lịch sử nơi đây, chứ không phải chạy tít vào khu vực Mễ Trì mới có thể xem được bảo tàng Hà Nội.
Sẽ thật đáng buồn và đáng trách nếu các công trình văn hoá cần thiết cho cộng đồng và tương lai, thì vì lý do không rõ ràng nào đó, lại bị đuổi đi xa nơi chúng cần có mặt một cách chính đáng cả về lý và tình; còn những công trình thương mại đồ sộ, lạnh lùng và vô hồn thì tìm mọi cách trụ lại cái nơi mà sự có mặt của chúng trở nên nhàm chán và thừa thãi. Nói cách khác, đừng để các giá trị thương mại kim tiền thuần tuý có nguy cơ lấn át các giá trị tâm linh sâu xa của Hồ Hoàn Kiếm. Điều này, làm được đến đâu còn tuỳ thuộc vào cái Tâm và Tầm của người lãnh đạo…
Về giao thông và hạ tầng khác, việc xây dựng các công trình cao tầng như trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê ở khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, nếu không xem xét kỹ lưỡng, sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ cả về mật độ dân cư, xây dựng, hạ tầng, giao thông, không gian tĩnh…
Hơn nữa, Hà Nội đã mở rộng và đang có xu hướng giãn nở nhanh, di chuyển các trung tâm ra ngoại vi, càng cần tránh việc co cụm các công trình cao tầng trong khu vực đã có mật độ dân cư đông, nhất là tại khu vực nội đô, làm nặng nề thêm sự quá tải của mạng lưới giao thông đô thị vốn đã quá tải của Hà Nội.
Thực tế cho thấy, khi các công trình cao ốc tập trung ở khu trung tâm chắc chắn sẽ làm gia tăng các hoạt động giao thông 2 chiều từ ngoại ô vào trung tâm và ngược lại, dễ dẫn đến ùn tắc từ ngoài cửa ngõ đến trung tâm. Khi đó, nguy cơ phải xây cầu vượt và đường bê tông trên cao ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm -do đó sẽ “bức tử” cảnh quan của Hồ này- không phải là không đặt ra…
Về góc độ kinh doanh, việc xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê trong khu vực Hồ Hoàn Kiếm về trung hạn và dài hạn sẽ ngày càng mất ý nghĩa và giảm hiệu quả thương mại. Do:
– Xu hướng hình thành các trung tâm thương mại hiện đại, đòi hỏi quy mô diện tích sử dụng thực tế và hạ tầng giao thông tốt hơn, phù hợp với yêu cầu và phương tiện đi lại ngày càng hiện đại của người dân, như ô tô riêng, trong khi những yếu tố này ở khu vực đất ở Hồ Hoàn Kiếm thì khó có điều kiện cải thiện, hoặc với giá cực đắt đỏ (cả do chi phí giải phóng mặt bằng và do khống chế độ cao xây dựng khiến giá thành 1m2 xây dựng cao gấp nhiều lần nơi khác), khiến kéo dài thời gian hoàn vốn trong bối cảnh cạnh tranh thị trường có độ rủi ro ngày càng cao.
– Trong tương lai, chắc chắn sẽ gia tăng yêu cầu biến khu vực Hồ Hoàn Kiếm thành khu phố đi bộ, cấm xe hơi, hạn chế đến mức tối thiểu lượng phương tiện giao thông công cộng ra vào; như vậy là đồng nghĩa với việc giảm bớt lượng khách hàng có tiềm năng thanh toán cao nhất của các trung tâm này.
– Xu hướng khách hàng sẽ có sự thay đổi cùng với sự phát triển của hệ thông giao thông hiện đại. Theo đó, khách hàng mua sắm và trụ sở các công sở và văn phòng sẽ không đổ dồn vào các trung tâm cổ, xa cách thị trường tiêu thụ thực tế của Thành phố và cả nước nữa, mà có sự san sẻ rõ rệt cho các trung tâm thương mại -dịch vụ tổng hợp lớn, hiện đại, tập trung và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu vận tải đồng bộ logichtics đang và sẽ được xây dựng trên địa bàn Thủ đô mở rộng….Điều này cũng có nghĩa là con gà sẽ không còn đẻ trứng vàng cho các chủ đầu tư nữa, mà ngược lại, xảy ra tình trạng “1 tiền gà, 3 tiền thóc”, như là một quả báo rủi ro trong kinh doanh khi xâm phạm các Giá trị Tâm linh!
Thủ tục pháp luật