Tin Tức

Mịt mù ngày về của một ngôi sao ca nhạc trong khói độc

Rate this post

“Vẫn là đứng trên sân khấu, vẫn hết mình cho nghệ thuật nhưng cảm giác hoàn toàn khác nhau anh ạ. Trước dây, em kiêu hãnh bao nhiêu thì bây giờ em lại thấy chênh chao bấy nhiêu. Khi em hát một bài hát thật vui, nhưng niềm vui đó không được trọn vẹn” – Đó là lời thú của một ngôi sao ca nhạc đang vật vã thanh tẩy làn khói độc chết chóc của cuộc đời mình.

Đường dát vàng đón em vào đời

Cuộc đời làm báo cho tôi nhiều cơ hội được tiếp xúc với nhiều người trong giới nghệ sĩ. Nhưng đa phần, họ nhạt nhạt làm sao ấy! Em giống họ ở chỗ, em xinh đẹp. Em giống họ ở chỗ, em tài năng. Em còn thông minh sắc sảo. Em bảo, cuộc đời bầm dập của em đã dạy cho em rất nhiều bài học. Thế nên, chẳng khó khăn gì khi em trở thành ngôi sao của trung tâm cai nghiện.

Tôi ngồi cùng em trong căn phòng hừng hực nóng. Chút gió phả ra từ chiếc quạt trần cũ kĩ, chậm chạp không đủ để xua tan đi cái nắng tháng bảy oi nồng. Nhưng ở phía bên ngoài, vẫn có những gã trai đang cai nghiện, thỉnh thoảng lại ngó qua khung cửa sổ trộm nhìn em để quên đi bầu trời đang đổ lửa.

Em tâm sự. Đời em đã đành, nhưng nhiều người còn nhớ em lắm. Em không muốn cha mẹ mình, cứ phải tủi nhục vì đứa con bất hiếu này.

Câu chuyện ngược trở lại thời điểm cuối những năm 80, tại ngôi nhà nhỏ ở một tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Sinh ra trong một gia đình công giáo, bố mẹ đều là công chức nhà nước nên khá nghiêm khắc. Tuy nhiên, bố HN lại là một người có tâm hồn yêu nghệ thuật. Ông rất nhạy cảm với cái đẹp. HN được thừa hưởng tất cả sự nhạy cảm và tình yêu nghệ thuật từ bố.

Năm lên 4 tuổi, HN thích hát. Đến năm lên 8 tuổi, anh trai mua tặng cho chiếc đài cát-xét, một món quà rất giá trị đối với một cô gái nông thôn trong thời điểm năm 1990. Cô bé nghe tất cả những gì mình có trong tay lúc đó, từ nhạc vàng, dân ca cho đến những bài nhạc thiếu nhi. Đến bây giờ cô vẫn còn nhớ như nguyên những bài hát mình đã từng yêu thích như “Bèo dạt mây trôi”, “Hoa thơm bướm lượn” và cả những bản nhạc não nề mà cô không thể nào biết được tên gọi của chúng. HN bảo “Lúc đó em ngây thơ lắm, cứ tưởng tượng trong chiếc đài nhỏ bé ấy có một người nhỏ bằng ngón tay đứng hát. Với lại, không phải đầy đủ như bây giờ nên em nghe tất cả những gì mình có lúc đó”.

(Ảnh minh họa)

H.N bảo: “Thời điểm ấy, nhà em khá lắm. Có đài cát-xét, có lư hương bằng đồng, có cả một chiếc tivi đen trắng chạy bằng acquy. Tối đến, người dân quanh vùng kéo đến chật nhà để xem phim, có lần lụt trắng đồng mà nhiều người vẫn bì bõm lội bùn đến từ 6h chiều để chiếm chỗ. Đông người quá nên bố em phải chuyển tivi ra sân cho mọi người cùng xem. Nhà khá giả, đương nhiên em như một nàng công chúa, bọn trẻ con trong vùng không dám làm phật ý em vì sợ không được xem Tây Du Ký”, HN nói rằng, không phải cô khoe của mà cô muốn nói rằng chính từ những điều nhỏ nhặt ấy, đã nuôi lớn dần ước mơ được trở thành ca sĩ của cô. Nhưng phải đến năm lớp 10, khi thấy nữ ca sĩ Phương Thanh hát trên sân khấu, ước mơ đó mới thực sự định hình. H.N tự nhủ, mình sẽ được như chị ấy . H.N tâm sự: “Phương Thanh là ca sĩ em ngưỡng mộ nhất và chị ấy chính là người ảnh hưởng nhiều nhất đến em, đó là lý do sau này, em đi hát với nghệ danh bắt đầu bằng chữ Thanh”.

Học hết phổ thông năm 1999, H.N quyết định thi vào đại học Văn Hoá Hà Nội học thanh nhạc để trở thành ca sĩ. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao một gia đình nề nếp, gia giáo và phong kiến như gia đình của cô lại chấp nhận cho con gái đi làm nghệ thuật, cô đáp: “Đó chính là may mắn của em, bố em dù yêu nghệ thuật nhưng ông vẫn mang tư tưởng ca hát là “xướng ca vô loài”. Tuy nhiên, do cổ hủ nên ông chỉ quan tâm đến sự nghiệp, con đường tương lai của anh trai em chứ với em thì ông không để ý đến nhiều lắm. Em chọn thi vào trường văn hoá, bố mẹ cũng không ý kiến gì”.

Có năng khiếu, ngoại hình đẹp, cộng cả niềm đam mê cháy bỏng nên ngưỡng cửa đầu tiên vào đời là cánh cổng trường đại học, H.N dễ dàng vượt qua. Cùng thời gian này, khi nhà lao vào làm kinh tế thì cha mẹ em vẫn giữ nguyên nếp sống cũ. Hoàn cảnh kinh tế của gia đình H.N bị sa sút so với mọi người xung quanh, em vào đại học trong điều kiện không lấy gì làm dư giả, mỗi tháng gia đình chỉ chu cấp 300 nghìn đồng.

Không chịu há miệng chờ sung, H.N vừa học vừa chủ động làm thêm. Cô làm đủ các loại công việc từ bồi bàn, đến MC nhà hàng và cả đi hát đám cưới. H.N kể: “Lúc đó em không hề biết đến yêu đương là gì, chỉ lao vào học tập. Khi tan trường là chạy ngay đến chỗ làm phục vụ bàn, vừa đi vừa gặm bánh mỳ cho bữa tối. Đến tối em lại thay đồ để đi làm MC. thỉnh thoảng bọn em còn nhận hợp đồng đi hát thi thuê cho các cuộc diễn văn nghệ quần chúng. Số tiền kiếm được không nhiều nhưng em biết thu hao hào vén nên sống tương đối thoải mái. Ở trường em học tập rất xuất sắc, em còn làm bí thư đoàn của lớp kiêm phụ trách hoạt động văn thể mĩ ở lớp học”.

Giỏi giang, ngoan ngoãn, hiền lành. Ra trường năm 2002 thì đầu năm 2003 H.N được nhận về một đoàn ca nhạc ở thủ đô Hà Nội, theo cô là “dù không lớn lắm nhưng như thế là quá nhiều đối với một cô gái không có ai thân quen đỡ đầu như em và em thấy mình may mắn hơn rất nhiều so với bạn bè cùng lớp”.

Trượt ngã và gục xuống

Vào đoàn, H.N nhanh chóng chiếm được cảm tình của các anh chị đồng nghiệp bởi cô khá hiền lành, giản dị. Lúc này, cô đã thực hiện được ước mơ của mình là trở thành ca sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn. Dù đó chỉ là những chương trình ca nhạc truyền thống phục vụ cho các hội nghị hay những chương trình ca nhạc đi lưu diễn ở các nơi, cô cũng luôn luôn hát hết mình, truyền hết những tình cảm của mình vào những bài hát.

Sự tận tâm với nghề nghiệp được đền đáp lại bằng sự ghi nhận của lãnh đạo đoàn và đặc biệt là sự ghi nhận của khán giả. Cái tên H.N được một số báo nhắc đến bằng cái tên: “Ca sĩ triển vọng”, nhiều nhạc sĩ trong nghề đánh giá cao khả năng và tố chất của H.N

Lúc này nghề ca hát đang dần trở nên có giá trong xã hội. Bố mẹ cô, dù chưa hết lo lắng cho cô con gái một thân một mình bơ vơ nới xứ lạ, nhưng đã vơi đi ác cảm với ngề “xướng ca vô loài” và ít nhiều cũng đã tự hào về những thành công của cô con gái. Họ tự hào bởi có hai đứa con, đứa nào cũng thành đạt, giỏi giang. Những người hàng xóm ở nơi cô sống luôn lấy gia đình cô làm hình mẫu để phấn đấu về cách thức nuôi dạy con. Với chừng ấy sự khởi đầu tốt đẹp “Lẽ ra em phải tiến xa hơn rất nhiều trên con đường nghệ thuật của mình, nhưng chỉ một ngã rẽ bất ngờ, mà em không bao giờ tưởng tượng nổi giờ mình lại trở nên như thế này”.

H.N khóc khi nhớ lại những quãng đời đầy tười đẹp của mình. Em bảo: “Chẳng có ai đưa em vào con đường nghiện ngập cả. Chỉ tại em không hiểu biết nhân tình thế thái, chỉ tại em không chị tìm hiểu về ma tuý ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với lại, hồi đó truyền thông về ma tuý cũng không được rõ ràng như hiện nay. trong trường, bọn em chỉ thấy mọi người hô khẩu hiệu : Nên tránh xa các tệ nạn xã hội như ma tuý, nhưng không hề biết nó là cái gì”.

Tháng 7 năm 2003, H.N thường xuyên phải cùng đoàn đi lưu diễn ở tỉnh xa. Những lúc không đi diễn, nằm một mình ở nhà thì thấy buồn kinh khủng. Một lần trong ngày sinh nhật, không có bạn bè, không có người thân bên cạnh, H.N bật khóc. Sự quan tâm của đồng nghiệp không khoả lấp được sự cô đơn nơi sâu thẳm tâm hồn cô gái mới lớn. Lúc này cô chưa hề yêu ai.Thấy cô buồn, một chị hỏi : Em có muốn hết buồn không? H.N gật đầu và được chị cho thử. “Lúc đầu em không biết đó là  heroin, chị ấy bảo giống như mình uống nước chè hay hút thuốc lá thôi. Lần đầu tiên em chơi liền một lúc 3 cặp – 6 hơi và nằm bệt tại chỗ hai ngày không dậy được. Các anh các chị lại tưởng ốm. Mấy ngày sau đó, do mưa triền miên nên không đi diễn được nên em nằm ở nhà. Càng buồn, càng hít và nghiện lúc nào không biết”

Vài ngày sau đó, cả đoàn đi diễn ở Cát Hải – Hải Phòng mà không có cô. Lúc này ở nhà, cô thấy mệt mỏi kinh khủng nhưng cũng không biết là mình đói thuốc. Gọi điện cho các anh các chị ở đoàn để hỏi thì điện thoại của họ mất sóng, không liên lạc được. Lúc này có một anh cùng đoàn người miền Nam rất thương và quý H.N – người mà cô hay gọi thân mật là “chị” Khánh Linh nói với cô rằng: “Chết rồi, mày nghiện heroin rồi em ơi”. Lúc đó em mới biết mình đã nghiện ma tuý- H.N bàng hoàng nhớ lại.

Dù nghiện nhưng H.N vẫn rất ngoan ngoãn, hiền lành và hầu như không có va chạm gì với mọi người xung quanh. Lúc đó, ngay cả việc mua thuốc cô cũng phải nhờ mua giúp. Gần cuối năm 2003, cả đoàn đi diễn ở Thường Tín – Hà Tây, khi về mấy anh em trong đoàn ngồi nhậu ở đường Trần Duy Hưng. Do xích mích với đám công nhân xây dựng ở khu vực đó nên xảy ra xô xát đánh nhau. Khi công an phường đến nơi bắt tất cả về phường, họ thử nước tiểu và phát hiện ra một vài người trong nhóm của cô nghiện. Cuối năm 2003, H.N dời sân khấu lên trung tâm giáo dục lao động số 2 ở Yên Bài – Ba Vì.

Xem Thêm  Trách nhiệm lương y đằng sau một bản án

Tin cô con gái bị nghiện và phải đi trại được đoàn báo về gia đình khiến cho ông bố sốc nặng bị đột quỵ – “đó là điều khiến cho em ân hận và day dứt nhất cho đến tận bây giờ dù bố em đã đỡ phần nào”. Gia đình cô phải đối diện với một dư luận khủng khiếp ở vùng quê. Từ ngưỡng mộ nay họ quay sang dè bỉu. H.N kể “Ở khu của em, mọi người sống rất nề nếp. Một thằng con trai hư hỏng đã không chấp nhận được rồi nữa là một đứa con gái”.

Sau hai năm cai nghiện và học tập tại trung tâm. Cuối năm 2005, H.N được về nhà sống cùng gia đình. Cho đến năm 2008, H.N quay lại trung tâm lần thứ hai, với tất cả sự tuyệt vọng của mình.

Tái hôn với thần chết

Tôi đột ngột hỏi em: Điều gì khiến cho em quay lại con đường này khi em đã nhận ra nó sai. Phải chăng, sức hút của ma tuý quá mạnh hay khi em trở về, gia đình quay lưng lại với e?

Vẫn giữ nguyên câu trả lời ban đầu, em khẳng định là do em thiếu bản lĩnh, nhưng câu chuyện buồn của đời em, tôi không thể không lắng nghe.

En còn nhớ rất rõ, ngày em về nhà. Lúc đó là 1h chiều một ngày cuối năm 2005. Bố mẹ em, dù rất đau buồn nhưng vẫn đón em với tất cả tình yêu thương của họ. Họ tin rằng với lòng kính Chúa, em sẽ đủ nghị lực để làm lại từ đầu. Nhưng những người hàng xóm của em thì không cho em cơ hội đó. Họ lén lút nhìn em như một vật thể lạ. Họ kín đáo nhìn em, nhưng khi em phát hiện ra thì họ lại quay mặt đi chừng như họ sợ, khi ánh mắt anh chạm vào ánh mắt họ. Người ta đồn em bị nhiễm HIV, đồn em sắp chết, họ đồn rằng nghiện ma tuý không thể nào cai được…Tất cả những tin đồn đó, em đối mặt và vượt qua nó.

Em muốn chứng minh với mọi người rằng, tôi đã cai nghiện được rồi, tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy tôi sẽ làm lại được từ đầu. Em ở nhà được gần 6 tháng. Sự kì thị của cộng đồng không mất đi mà nó chuyển từ dạng này sang dạng khác. Họ tò mò hỏi nhau, tại sao em chưa chết? H.N còn nhớ rất rõ một lần khi em ốm, người y sĩ ở địa phương đó không dám tiêm cho em, em phải đi đến bệnh viện ở xa nhà, nơi họ không biết em là ai thì người ta mới tiêm cho em.

Tất cả những điều đó, không có nhiều ý nghĩa với em. Nhưng bố mẹ em, gia đình của em lại là người phải chịu đựng nhiều nhất. Khi ở cơ quan, bố nói người ta không nghe. Khi mẹ phát biểu ở hội phụ nữ người ta không nghe. Họ dè bỉu sau lưng: “Con ông bà ông bà không dạy được thì ông bà còn bảo được ai nữa”. Không muốn gia đình mình phải chịu đựng thêm nữa, H.N quyết định trốn chạy.

Thời điểm này, anh trai cô đang làm đại diện văn phòng một hãng cà phê có tiếng tại miền Nam. Cô quyết định dời gia đình vào Nam giúp đỡ anh trai. Có học, H.N nhanh chóng bắt tay vào công việc và giúp ích rất nhiều cho anh trai. Cô làm việc để quên thời gian, quên đi tất cả quãng thời gian đã qua của mình, để bắt đầu lại từ đầu.

Đúng lúc này, tình yêu đầu tiên đến với em. Người bạn trai quen biết từ thời đại học dành tình cảm cho em rất nhiều. Khi biết em phải đi cai nghiện, anh không những không quay mặt mà tháng nào cũng lên thăm em, dành cho em những lá thư động viên và khích lệ. Khi em vào miền Nam, thỉnh thoảng anh lại vào thăm em một lần. Từ những sự cảm kích ấy, em nhận lời yêu Khánh – tên người con trai tốt bụng.

Em quyết định theo Khánh ra Hà Nội để làm lại từ đầu. H.N kể: “Em quyết tâm lắm bởi thời gian đầu rất gian khổ. Em chấp nhận làm lại từ đầu, sống còn khổ sở hơn thời em còn là sinh viên, nhưng tình yêu cho em động lực để làm lại”.

Tháng 7 năm 2008, sau khi em được nhận vào làm ở ở một công ty trang sức đá quý và công việc đã ổn định, em và Khánh quyết định đi đến hôn nhân. Căn nhà  nhỏ được công ty cho thuê, những tưởng sẽ là nơi em bắt đầu hạnh phúc mới cho riêng mình thì lại trở thành nơi phá vỡ tất cả những gì em đã đạt được. Tất cả được sắp sẵn như sự nghiệt ngã của số phận đã định trước cho em.

Để chuẩn bị cho lễ cưới, H.N có một người bạn thân của cả hai tên Hằng từ Bắc Ninh xuống Hà Nội để giúp đỡ. Thời gian này, em vẫn tất bật với công việc của mình cho đến tận tối mịt. Một lần khi em đột ngột về nhà lấy đồ, em choáng váng khi thấy Hằng và Khánh đang quan hệ ngay trên chiếc giường cưới với chăn ga gối đệm trắng tinh mà em mới sắm. Sự giáo dục đủ cho em kiềm chế bản thân không lao vào cấu xé, gào thét như những cô gái khác. Em gọi lần lượt từng người ra nói chuyện, rồi gọi cả hai nói chuyện cùng một lúc. Em cho Khánh lựa chọn: “Em hoặc Hằng sẽ phải có một người ra đi bởi cả ba chúng ta đều là bạn, không thể gà què ăn quẩn cối xay thế này được”. Khánh chọn em.

Biết mình thua thiệt nhưng em vẫn nghĩ sẽ bỏ qua cho tất cả cho Khánh để bắt đầu một cuộc sống mới dù những hình ảnh ân ái của chồng sắp cưới với bạn thân lúc nào cũng lởn vởn trong đầu óc. Nó ám ảnh tâm trí em và không cho em làm bất cứ việc gì. Sau đó, em phát hiện, Hằng không về Bắc Ninh như Hằng đã hứa mà hai người vẫn lén lút gặp nhau ở nhà nghỉ. Một lần nữa, em gọi cả Hằng và Khánh đến và nói với họ: “Nếu yêu nhau như thế, cứ về nhà đàng hoàng, không phải đi nhà nghỉ cho tốn tiền”.

Đêm hôm đó, em và Khánh ngồi đối diện nhau trong căn phòng như hai kẻ xa lạ. Không ai nói với ai một lời. Căn phòng vẫn ngổn ngang bởi cuộc gây lộn trước đó. Lúc này, Hằng về đập cửa trong tình trạng say tuý luý. Khánh ra mở cửa và bế Hằng đi qua phòng khách, đi qua trước mặt em và đưa Hằng vào phòng ngủ đặt lên giường cưới. Em bảo: “Dù đã qua nghiện ngập nhưng em vẫn là một cô gái lãng mạn. Em muốn đêm tân hôn thật lãng mạn trên chiếc giường cưới thanh khiết với thật nhiều hoa hồng và thật nhiều rượu vang nhưng Khánh lại làm như thế khi có mặt em. Những hình ảnh ân ái ngày hôm trước lại hiện rõ trong tâm trí em, không thể nào xua đuổi chúng đi được”.

30 phút sau không thấy Khánh ra, em đập vỡ tan chai rượu vang chuẩn bị sẵn cho đêm tân hôn và cứa vào tay để tìm cái chết. H.N chìa tay, đưa tôi xem vết sẹo lồi cắt ngang mạch máu trên đôi tay gầy guộc của em. Rồi lại tiếp tục câu chuyện của mình, trong khi mắt vẫn ngân ngấn nước. Em nói rằng, người đã vấp ngã một lần như em khi có được hạnh phúc thì sẽ rất trân trọng, nâng niu nhưng khi sụp đổ thì không gì có thể gượng lại được.

Sau khi tự tử không thành, H.N quyết định bỏ đi. Cô về nhà lấy tư trang và bỏ lại tất cả không một lời từ biệt. H.N nói rằng, cô không đủ dũng cảm để đối diện với cha mẹ mình thêm một lần nữa. Em không muốn quay về trong tình cảnh tuyệt vọng như thế.

Một thời gian sau, H.N bắt đầu nghiện trở lại do quá buồn chán. Số tiền mang theo cũng vơi dần đi theo những tàn khói. Không công việc, không người thân thích, H.N nhận làm nhiều việc cho dân nghiện như đi bán xi (xi- lanh), đi mua thuốc hộ…nhưng cô không đủ dũng khí để làm “má mì” quản lý gái ở nhà hàng, hay buôn bán ma tuý dù có nhiều kẻ sẵn sàng cung cấp hàng và chỉ lấy vốn khi cô đã bán được hàng mà không yêu cầu điều kiện gì kèm theo. Lúc này, khát khao nghệ thuật của H.N vẫn còn nguyên. Dù không được hát trên sân khấu lớn phục vụ khán giả, cô vẫn chấp nhận đi hát quán bia để có tiền sinh sống và mua thuốc. Nhu cầu của một con nghiện không bao giờ là đủ. H.N chuyển từ con nghiện cao cấp chuyên chơi hàng trắng, hít heroin xuống thành con nghiện nghèo khi chỉ còn tiền để “đâm” (từ con nghiện vẫn dùng cho hành động chích trực tiếp vào mạch máu).

Nhưng thứ ma tuý của dân nghiện nghèo này có sức tàn phá nhan sắc ghê gớm. Không còn hát được ở quán bia, H.N chấp nhận đi hát ở quán karaoke đèn mờ và dần trở thành cave từ khi nào chính cô cũng không nhớ nổi. Cô chỉ nhớ rằng, mình đã sống u mê rất lâu để quên đi cuộc tình cay đắng, cho tới khi bị bắt và quay trở lại trung tâm này lần thứ hai cuối năm 2008.

Chấp chới rạng đông

Khi tôi hỏi về tương lai H.N cười buồn, em nói rằng, bây giờ em không dám nói trước điều gì, nhất là hứa hẹn bởi như thế là dối lòng dù hiện tại em đã cai được nghiện. Từ ngày vào đây lần thứ hai, H.N đã tích cực tham gia hoạt động và trở thành “ngôi sao” của Trung Tâm. H.N chia sẻ cảm giác của mình: “Cho đến lúc này khát khao nghệ thuật vẫn giày vò, cào cấu tâm can em. Nhưng khi đứng trên sân khấu em cảm thấy chênh vênh trong tâm hồn. Trước đây em kiêu hãnh bao nhiêu, tự hào về mình bao nhiêu thì bây giờ cảm giác ê chề bấy nhiêu. Khi em hát một bài vui, thì niềm vui đó không trọn vẹn như con chim vẫn bay, nhưng là bay ở trong lồng”.

Qua những người quản lý, tôi biết H.N có rất nhiều người theo đuổi. Một trong số những chàng trai ấy đã lọt vào mắt xanh của em. Dù tình cảm của họ, chỉ là qua những cái nhìn, những cái nắm tay thật vội mỗi khi đi sinh hoạt chung hay những cánh thư thì nó cũng mang lại cho em một niềm vui để cố gắng phấn đấu làm lại cuộc đời thêm một lần nữa.

Tôi hỏi em câu cuối cùng: Bây giờ điều gì ảnh hưởng đến em nhiều nhất khi em nghĩ tới con đường trở về của mình, em bảo: Thứ nhất là Chúa thứ hai là nghệ thuật và thứ ba là tình cảm. Còn gia đình em, em dành cho nó một khoảng riêng trong tâm hồn của mình. Tôi tin rằng cuộc đời lúc nào cũng mở rộng cho em một lối về. Tôi luôn hi vọng tất cả những điều thiêng liêng mà em vừa nói sẽ là động lực để em tìm lại cuộc đời chính mình. Tôi thấy khoé mắt mình cay cay, chắc tại giọt mồ hôi vừa chảy xuống lòng mắt. Ngoài hiên, nắng vẫn chang chang. 

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn