Luật chống tham nhũng ở nước ngoài
Ngày 13-11, tòa án khu vực ở Alexandria đã tuyên án nguyên nghị sĩ bang Louisiana William J. Jefferson 13 năm tù giam về các tội nhận hối lộ, rửa tiền, tống tiền doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng làm lợi cho cá nhân và gia đình.
Trước đó, Cục Điều tra liên bang khám nhà tìm thấy bọc tiền 90.000 USD giấu trong tủ lạnh. Tiền này do một doanh nghiệp đưa nhằm ý đồ mua chuộc phó tổng thống Nigeria để giành dự án đầu tư về bưu chính viễn thông ở Nigeria.
Nguyên nghị sĩ William J. Jefferson (trái) trên đường đến tòa nhận án 13 năm tù giam.
Nhà thầu Mỹ chi tiền cho Nigeria
William J. Jefferson là quan chức Mỹ đầu tiên bị truy tố theo điều khoản cấm các công ty hối lộ quan chức chính phủ nước ngoài theo Luật Chống tham nhũng Mỹ.
Luật ban hành năm 1977 nhưng chỉ sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001, chính quyền Mỹ mới quan tâm hơn vì phát hiện nguồn tiền tài trợ cho khủng bố từ nước ngoài và hàng loạt vụ tham nhũng có liên quan như vụ bê bối trong chương trình đổi dầu lấy lương thực tại Iraq.
Một ngày trước vụ án William J. Jefferson, tòa án liên bang tại Houston đã đưa ra xét xử vụ án nhà thầu Willbros Group Inc. Paul G. Novak, chuyên viên nhà thầu, khai nhận từ năm 2003-2005 đã chi 6 triệu USD đút lót cho các quan chức chính phủ Nigeria để giành hợp đồng cung cấp đường ống dẫn dầu trị giá 387 triệu USD cho Nigeria. Dự kiến đầu năm tới tòa sẽ tuyên án.
Năm ngoái, tập đoàn trên từng nộp phạt 22 triệu USD cũng với tội danh hối lộ cho các quan chức tại Nigeria và Ecuador.
Lót tay ở Trung Quốc
Hồi đầu năm, Tập đoàn ITT Corp. ở New York đã chấp nhận nộp phạt hơn 1,6 triệu USD để dàn xếp vụ điều tra liên quan đến công ty con Nanjing Goulds Pumps Ltd ở Trung Quốc. Số tiền này gồm 1,4 triệu USD thu lợi bất chính và 250.000 USD tiền phạt vi phạm luật chống tham nhũng ở nước ngoài.
Từ năm 2003-2005, Công ty Nanjing Goulds Pumps Ltd. đã chi trái phép cho các quan chức tư vấn Trung Quốc để được ưu đãi thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc.
Trường hợp tương tự là Công ty Thiết bị y tế AGA ở bang Minnesota đã đồng ý nộp phạt 2 triệu USD. Trong tám năm (1997-2005), AGA đã đồng ý cho chi nhánh ở Trung Quốc chi huê hồng cho các bác sĩ để đưa sản phẩm vào bệnh viện công. Ngoài ra, từ năm 2000 đến 2002, AGA cũng đồng ý chi lót tay cho quan chức Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc để xin chứng nhận bản quyền sáng chế.
Bộ Tư pháp có quyền điều tra
Tiền phạt đối với các công ty vi phạm luật chống tham nhũng ở nước ngoài ngày càng tăng. Hồi tháng 2, Công ty Halliburton và nhà thầu phụ KBR bị phạt 579 triệu USD vì đã hối lộ để giành hợp đồng tại Nigeria.
Trước đó, Tập đoàn Siemens (Đức) bị phạt 0,8 tỉ USD. Tiền phạt này nhiều gấp 20 lần so với bất kỳ công ty nước ngoài nào từng bị Mỹ phạt vì tội tham nhũng. Trước tòa, đại diện Siemens khai nhận đã dùng quỹ bí mật để lại quả nhằm giành hợp đồng tại Argentina, Venezuela, Bangladesh, Iraq.
Luật Chống tham nhũng cho phép Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán Mỹ có quyền điều tra các công ty bị nghi ngờ tham nhũng và trừng phạt đối tượng vi phạm.
Nếu thành khẩn nhận tội và hợp tác tốt ngay từ đầu chứ không chờ bị bắt, các công ty vi phạm sẽ được khoan hồng (nộp phạt). Tuy nhiên, họ phải chịu giám sát nội bộ và tiền công cho dịch vụ này không hề rẻ. Theo thời giá, chi phí để các công ty luật kiểm tra thư điện tử giao dịch mất 200-400 USD/giờ.
Năm ngoái, Lucent Technologies Inc (nhà cung cấp giải pháp thông tin liên lạc toàn cầu) ở bang New Jersey (Mỹ) đã chấp nhận nộp phạt một triệu USD. Từ năm 2000 đến 2003, công ty này đã chi hàng triệu đô la để tổ chức 315 chuyến nghỉ dưỡng, dã ngoại cho các quan chức Trung Quốc.
Rất nhiều chuyến đi mang danh tham quan nhà máy hay học tập kinh nghiệm nhưng thực tế là đến Mỹ du lịch tham quan công viên giải trí Disneyland, phim trường Universal Studios, hẻm núi Grand Canyon hay đi châu Âu, Úc, Canada, Nhật. Mỗi chuyến kéo dài hai tuần với chi phí 25.000-55.000 USD. |
Thủ tục pháp luật