Tin Tức

Lập HTX để “trụ” được với WTO

Rate this post

Lâu nay loại hình HTX vẫn bị nhiều thành kiến do hoạt động kém hiệu quả nhưng nay lại có xu hướng phát triển mạnh ở TP.HCM.

Hệ thống siêu thị Co-op Mart, một điển hình thành công của loại hình HTX. Ảnh: HTD

Trong năm 2007, TP.HCM đã có hơn 10 hợp tác xã (HTX) được thành lập, chủ yếu là các HTX nông nghiệp. Vì đây được xem là hình thức tổ chức kinh tế phù hợp cho sản xuất nông nghiệp trong xu thế hội nhập. Càng cạnh tranh thì nhu cầu hợp tác càng trở nên bức thiết, trong khi nông dân, các nhà sản xuất nhỏ lại không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Liên kết sẽ giúp họ đối phó hiệu quả hơn với việc mở cửa thị trường.

Đối phó trong sân chơi lớn

Theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM, thời gian gần đây, loại hình HTX xuất hiện nhiều ở TP.HCM vì các nhà sản xuất nhỏ đã bắt đầu chịu hợp tác với nhau. Họ đã ý thức được nếu không liên kết để mở rộng quy mô và đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh thì họ sẽ không thể “trụ” nổi trước một sân chơi lớn như WTO.

Ông Thiện cho biết thành lập HTX không chỉ giúp nhà sản xuất có thể tham gia vào hệ thống tiêu thụ hiện đại như siêu thị mà còn giúp họ nâng cao khả năng cung ứng đến các nhà phân phối, tiêu thụ. Vì sau khi thành lập, các HTX cũng có thể liên kết lại để có sự phân công trong tổ chức cung ứng, điều tiết lịch sản xuất giữa các HTX với nhau. Trong năm 2007, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM đã tổ chức liên kết bảy HTX sản xuất rau an toàn thành khối gọi là R7. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm và định hướng cho xuất khẩu. Xu hướng sắp tới, các nhóm sản phẩm thịt, hoa cũng sẽ liên kết theo kiểu này.

Xem Thêm  TP HCM cần 15 tỷ USD cho các dự án hạ tầng

Theo thống kê hiện nay, TP.HCM có hơn 450 HTX, trong đó có khoảng 40 là HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, xét về năng lực quản lý, năng lực tài chính thì các HTX nông nghiệp vẫn chưa thật sự mạnh. Thông thường, vốn bình quân của một HTX chỉ khoảng 200-300 triệu đồng. Do đó, để đầu tư nâng cao trình độ quản lý và sản xuất kinh doanh cũng không phải dễ. Bên cạnh đó, điểm yếu của sản xuất nông nghiệp TP vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán. Vì vậy, hợp tác với nhau sẽ giúp các nhà sản xuất hoạt động tốt hơn, kinh doanh hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, xu hướng thành lập HTX để đối phó với WTO cũng có thể xem là một “phản ứng” phù hợp của các nhà sản xuất. Vì liên kết sẽ giúp họ nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường WTO.

Cần điều tiết lẫn nhau

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Chủ nhiệm HTX sản xuất rau an toàn Tân Phú Trung, khó khăn hiện nay của các HTX là chưa thể cân đối được cung-cầu của thị trường. Do đó, mỗi năm các cơ quan, tổ chức quản lý nên có kế hoạch định hướng sản xuất để các HTX điều tiết sản xuất.

Ví dụ, năm nay định hướng nên có bao nhiêu HTX trồng rau, bao nhiêu HTX chăn nuôi, sản lượng sản xuất khoảng bao nhiêu… để tránh xảy ra tình trạng sản xuất ồ ạt một loại sản phẩm, gây khó khăn cho HTX.

Ông Toản cũng cho biết gần đây diện tích đất sản xuất nông nghiệp của TP.HCM cũng đang bị thu hẹp khá nhanh do sức ép của quá trình đô thị hóa khiến cho việc mở rộng sản xuất hướng tới xuất khẩu của các HTX gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cho rằng để không bị “vấp”, các HTX cần phải tìm hiểu nhiều về WTO như về chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ và điểm “mạnh-yếu” của các đối thủ cạnh tranh… Quan trọng là các HTX nên sớm nâng cao trình độ quản lý và xây dựng cho mình một thương hiệu vững chắc để có thể tồn tại và cạnh tranh hiệu quả trong môi trường WTO. Ngoài ra, các doanh nghiệp HTX nên học hỏi thêm các mô hình HTX của những nước phát triển vì trước nay chúng ta chỉ quen với sản xuất nhỏ, manh mún nên khi hợp tác có thể gặp lúng túng.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn