Lao động khổ sai, hành xử luật rừng
Giữa rừng sâu núi khuất, lực lượng lao động này gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Vụ 4 trẻ em vừa đào thoát khỏi bãi vàng vì bị chủ sử dụng lao động hành hạ, bóc lột là một ví dụ điển hình.
Trẻ em làm khổ sai
Lao động tại các bãi vàng chẳng khác nào khổ sai. |
Ngày 17.3, ông Đoàn Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đã đón xe cho 4 trẻ em vừa đào thoát khỏi bãi vàng về quê, gồm: Trần Thanh Hiền (SN 1991), Nguyễn Đình Tuấn (1991), Trần Văn Phú (1992) và Nguyễn Văn Hậu (1990, cùng trú tại xã Lương Sơn, Yên Lập, Phú Thọ). Cty Kim Thành Lộc – đơn vị đã lừa đảo đưa 4 em nhỏ này vào làm việc tại bãi vàng chịu trách nhiệm chi phí tiền xe, đồng thời trả lương 25 ngày làm việc cho mỗi em là 825.000 đồng.
4 nạn nhân này vì quá hoảng sợ và không chịu nổi sự hành hạ, bóc lột ở bãi vàng, đã phải nửa đêm bỏ trốn, băng rừng lội suối 2 ngày 1 đêm mới ra đến thị trấn Khâm Đức, được Công an huyện đưa về chăm sóc ở Uỷ ban Dân số-Gia đình-Trẻ em huyện.
4 nạn nhân khai với công an: Sau Tết, các em được ông Đào người cùng quê đưa lên Thái Nguyên, sau đó theo ông Ngô Viết Vương và Nguyễn Đức Nam – người của Cty TNHH Kim Thành Lộc – đưa vào làm vàng tại thôn 1B xã Phước Thành.
Trong 25 ngày lao động khổ sai ở bãi vàng, các em đã bị cai Vương ép buộc hằng ngày phải chui vào hầm sâu trong lòng đất khai thác đá lấy vàng đến 12 tiếng đồng hồ trong cái lạnh núi rừng cắt da thịt, mỗi khi không đảm đương được công việc còn bị cai Vương đánh đập tàn nhẫn.
Hiện ở các bãi vàng khai thác tràn lan tận trong rừng sâu ở huyện này còn có rất nhiều trẻ em đang bị bóc lột lao động, ngày ngày đối mặt với hiểm nguy. Các doanh nghiệp chủ bãi, các đầu nậu đào vàng trái phép sử dụng trẻ em không ngoài mục đích lợi dụng các em chưa hiểu biết để dễ dàng hành hạ, bóc lột sức lao động với tiền công rẻ mạt chỉ 30.000 đồng/ngày.
Tự xử bằng luật rừng
4 trẻ em bị bóc lột, hành hạ vừa đào thoát khỏi bãi vàng. |
Ngay sau khi “phát hiện” tình trạng trẻ em bị bóc lột ở bãi vàng, UBND huyện Phước Sơn đã thành lập đoàn liên ngành do công an chủ trì lên đường vào bãi vàng Phước Thành để điều tra vụ việc, đồng thời mở rộng kiểm tra toàn bộ 8 điểm khai thác vàng được cấp phép ở 4 xã vùng cao của huyện, tập trung vào việc sử dụng lao động.
Tuy nhiên, cũng ngay sau khi có thông tin về vụ việc, thì các chủ hầm vàng cũng đã “dư sức” đối phó bằng cách đồng loạt sa thải các em dưới độ tuổi lao động.
Ông Nguyễn Thuỳ – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số – Gia đình – Trẻ em tỉnh bức xúc: “Thực tế, rất khó kiểm soát được số lượng cũng như tình trạng bóc lột lao động trẻ em tại các bãi vàng.
Chúng tôi đang tiến hành nhiều biện pháp để từng bước ngăn chặn những hành vi đối xử thô bạo, lạm dụng sức lao động trẻ em, nhưng phải phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Riêng vụ việc lần này, chúng tôi đang phối hợp với điều tra, yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật”.
Tình trạng lộn xộn, mất trật tự, bóc lột lao động tại các bãi vàng không phép lẫn có phép thực ra không phải mới, kể cả đối với các cơ quan hữu trách và chính quyền địa phương. Ông Thông – Phó Chủ tịch UBND huyện thừa nhận, từ nhiều năm nay, việc kiểm soát khai thác cũng như lao động tại các bãi gần như bỏ trống, ngay đến việc truy quét nạn đào đãi vàng lậu cũng đã làm không xuể.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường, vì những thiếu thốn về cán bộ, kinh phí, điều kiện đi lại…, nên việc kiểm soát khai thác vàng không thể triển khai thường xuyên.
Ông Đinh Văn Thu-Chánh Văn phòng UBND tỉnh cũng thừa nhận, thực tế rất khó khăn trong việc quản lý khai thác và lao động ở các bãi vàng Phước Sơn. Việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác ở chính những bãi vàng lậu là cách làm nhằm dễ quản lý với một đầu mối. Nhưng còn việc tổ chức khai thác cụ thể ở bãi, thì sau đó rơi vào mất kiểm soát, mọi việc gần như được “tự xử” bằng… luật rừng.
Thủ tục pháp luật