Kinh hoàng tội phạm buôn bán trẻ em
Đại tá Nguyễn Mạnh Tề – Phó Cục trưởng C14 – Bộ Công an vừa có văn bản gửi công an các địa phương trên toàn quốc thông báo về hiện tượng gia tăng tội phạm chiếm đoạt, mua bán trẻ em. “Con mồi” của loại tội phạm này không chỉ là trẻ lang thang, cơ nhỡ, mà thậm chí cả những đứa trẻ chưa kịp chào đời.
Hung thần vùng biên ải
Một trong những vụ án táo tợn, manh động và gây nhức nhối dư luận nhất là đường dây chuyên bắt cóc trẻ em ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đến thời điểm này, cơ quan công an đã bắt được 11 đối tượng do Trương Hữu Lâm, quốc tịch Trung Quốc cầm đầu. Để thực hiện đến cùng ý đồ bắt cóc trẻ em, chúng không từ cả thủ đoạn sát hại những người có ý định ngăn cản, chống đối.
Đường dây buôn bán, bắt cóc trẻ em của Trương Hữu Lâm có mối quan hệ chặt chẽ với những đối tượng xấu người Việt Nam sinh sống ở vùng giáp biên Hà Giang – Trung Quốc. Trước mỗi vụ, các đối tượng đều tổ chức thám thính, sau đó theo đường tiểu ngạch vượt biên vào giữa đêm khuya. Có vụ án, chúng đã tàn sát người lớn, cướp trẻ em mang qua biên giới. Khi đã hoàn thành dã tâm, chúng mang “hàng” đi xa biên giới vài nghìn kilômét mới bán tiếp cho đường dây khác. Trương Hữu Lâm thường chỉ đạo đồng bọn mỗi lần hành động sẽ chia làm nhiều nhóm tấn công các mục tiêu khác nhau.
Những đứa trẻ ở Hà Giang bị bắt cóc và được giải cứu (ảnh: Thu Hoài) |
Điển hình là vụ án xảy ra tại đồi Nà Sải, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, Hà Giang. Chỉ trong một đêm, gia đình anh Nguyễn Văn Công, chị Chảo Thị Mẩy gồm 5 thành viên đã bị kẻ ác cướp đi 2 đứa trẻ dưới 6 tuổi. Hết sức thương tâm là vợ chồng anh Công bị bọn cướp giết hại ngay trong nhà. Một vụ án khác xảy ra tại thôn Na Ban, xóm Xín Trải, huyện Yên Minh. Lợi dụng đêm khuya, 4 đối tượng bịt kín mặt xông vào nhà anh Thào Nỏ Páo, 26 tuổi, dùng gậy đánh trọng thương vợ chồng anh Páo, cướp đi 2 bé trai là Thào Mí Mua, 4 tuổi, và Thào Mí Vàng, 3 tuổi.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng và người dân triển khai vây bắt, song chỉ bắt được 2 đối tượng; 2 tên khác và 2 bé trai đã bị chúng mang đi. Quá trình đấu tranh, khai thác đối tượng trong đường dây này, cơ quan công an nắm được sự tinh quái của những kẻ gây án. Chúng không để đối tượng người Việt tham gia, mà chỉ thuê thám thính đường đi, thời gian, địa điểm, con người. Khi vào việc, Trương Hữu Lâm phân công từ 3-5 tên, mang theo lựu đạn, gậy gộc, dao, búa đinh để làm hung khí. Gây án xong, bọn chúng rút ngay về bên kia biên giới. Những kẻ “chỉ điểm” vẫn ở tại địa phương, sinh hoạt bình thường.
Những kẻ mất nhân tính
Một vụ “scandal” gây sốc cho dư luận khác liên quan đến Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Giám đốc trung tâm này và một số thuộc cấp hiện đã bị bắt. Cơ quan chức năng xác định, lãnh đạo trung tâm đã cấu kết với nhiều thành phần trong xã hội, làm giả hồ sơ trẻ em để bán ra nước ngoài. Lời khai ban đầu của các đối tượng cho thấy, trong số 101 trẻ đã cho người nước ngoài nhận làm con nuôi, chỉ có hơn 20 hồ sơ chứng minh được việc sản phụ đến trạm y tế các xã để sinh và để con lại; còn hơn 70 trẻ sơ sinh là bị lập hồ sơ giả. Hành vi gian lận, bất lương này được thực hiện ngay tại các trạm y tế xã, thậm chí, không chỉ ở huyện ý yên mà còn lan ra các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Hải Hậu, Giao Thủy…
Những đứa trẻ được chăm sóc tại Trung tâm Nhân đạo tỉnh Nam Định (ảnh: Đỗ Minh) |
Để có được chữ ký, dấu xác nhận của cán bộ y tế, các đối tượng buôn trẻ em sẵn sàng chi không ít tiền cho nhiều “quan” xã . Còn về phía Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh, Giám đốc Vũ Đình Khản sau khi bị bắt đã khai nhận chi hàng trăm triệu đồng để “bôi trơn” quy trình làm hồ sơ giả. CQĐT xác định, việc lập hồ sơ giả tại Nam Định liên quan đến nhiều cán bộ ở hơn 50 xã – 10 huyện, trong đó có cả 1 bệnh viện lớn ở Nam Định.
Táng tận lương tâm không kém là đường dây buôn bán trẻ em từ… trong bào thai bị CAQ Hoàn Kiếm khám phá mới đây. Các đối tượng nhằm vào những phụ nữ đang mang thai ngoài ý muốn, rồi dụ dỗ, gạ gẫm để mua lại đứa trẻ sau khi sinh với giá từ 8-15 triệu đồng, tùy theo bé trai hay gái. Quá trình phá án, lực lượng CAQ Hoàn Kiếm làm rõ đường dây này chuyên buôn bán trẻ em sang Trung Quốc qua biên giới Móng Cái, Quảng Ninh. Sau khi mua được “hàng”, đưa lên biên giới, giá một đứa trẻ sẽ đội lên nhiều lần.
Trách nhiệm của xã hội
“Phòng” tốt bao giờ cũng có quan trọng hơn “chống” giỏi. Điều này có ý nghĩa sâu sắc trước “nạn” buôn bán trẻ em đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Trở lại “điểm nóng” Hà Giang, vấn đề quan trọng mà “người lớn” ở những tỉnh vùng biên giới cần phải nhìn ra, đó là phải thiết lập được thế trận an ninh sâu rộng, có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các ngành chức năng. Trong đó, việc nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân là nhiệm vụ quan trọng. Về lâu dài, phải tính toán phương án quy hoạch dân cư, tránh để bà con ở quá rải rác như hiện nay, rất khó báo tin và ứng cứu khi xảy ra biến cố.
Với trách nhiệm của mình, C14 đã chỉ đạo lực lượng điều tra hình sự các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, tập trung điều tra làm rõ các vụ án, tránh gây bức xúc dư luận nhân dân. Công an các địa phương vùng biên giới sẽ tăng cường phối hợp với bộ đội biên phòng trong tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên, quản lý chặt chẽ việc xuất nhập cảnh, từ đó phát hiện đối tượng nghi vấn để có biện pháp đấu tranh.
Một vấn đề quan trọng được C14 kiến nghị, đối với các địa phương có trung tâm trợ giúp nhân đạo cho trẻ em hoặc trung tâm bảo trợ xã hội, cần phối hợp chặt với các ngành để tăng cường quản lý quy trình tiếp nhận, xác lập hồ sơ đưa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào nuôi dưỡng ở các trung tâm, khắc phục sơ hở mà bọn tội phạm có thể lợi dụng. Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lương tâm, đạo đức của người lớn.
Thủ tục pháp luật