Tin Tức

Kiên quyết phá sản doanh nghiệp thua lỗ

Rate this post

 11 TCty 90 của Bộ GTVT hiện đang có số nợ phải thu chưa được thanh toán lên tới 4.156 tỉ đồng. Nếu tính thêm phần khối lượng xây dựng đã hoàn thành, nhưng chưa nghiệm thu thì tổng số nợ đọng lên tới 6.223 tỉ đồng. Bức tranh công nợ của Bộ GTVT rõ ràng khá ảm đạm. Đề nghị ông cho biết cụ thể?

Thi công đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.

– Hiện nay, Bộ GTVT có 11 TCty nhà nước (TCTNN) do bộ quyết định thành lập. Trong đó, 4 TCTNN thuộc khối công nghiệp, thương mại và dịch vụ là TCty Công nghiệp ôtô VN, TCty Tư vấn thiết kế GTVT, TCty Vận tải thuỷ, TCty Đường sông Miền Nam.

Qua báo cáo tài chính năm 2006 của các đơn vị cho thấy, tình hình tài chính của các TCty này về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, 7 TCTNN thuộc khối xây lắp là các TCty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), 4, 5, 6, 8, Thăng Long và Xây dựng đường thuỷ – qua báo cáo tài chính năm 2006 cho thấy – một số TCty còn có lỗ luỹ kế, tình hình tài chính khó khăn.

Đơn cử, TCty Xây dựng đường thuỷ nợ phải thu khách hàng chiếm tỉ lệ 19,05% trên tổng tài sản của toàn TCty; tương tự, Cienco 1 con số này là 23,28%, Cienco 6 là 15,82%.

– Với tỉ lệ nợ đọng của các TCty cao như vậy, hướng giải quyết sắp xếp của bộ đối với các DN nợ đọng ra sao?

– Hướng CPH để lành mạnh hoá tài chính là giải pháp cơ bản. Tính từ năm 2001 đến tháng 8.2007, Bộ GTVT đã CPH được 276 DN và bộ phận DN, thí điểm chuyển TCty Xây dựng và Thương mại thành Cty cổ phần. Hoàn tất các thủ tục bán Cty đầu tư và xây dựng 568, Cty đầu tư xây dựng và khai thác công trình 584 thuộc Cienco5.

Đồng thời, theo phương án sắp xếp, đổi mới Cty nhà nước thuộc Bộ GTVT – được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ số 1333/QĐ-TTg, ngày 4.10.2007 – năm 2007, bộ phải CPH các DN: Cty tư vấn và ứng dụng khoa học công nghệ GTVT thuộc Đại học GTVT TPHCM, Cty nạo vét đường biển 2 thuộc TCty Xây dựng đường thuỷ, Cty xây dựng công trình 585 thuộc Cienco5.

Theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg, ngày 29.12.2006 của Thủ tướng, năm 2008, bộ phải CPH tiếp Cienco1, Cienco5, TCty Xây dựng Thăng Long, TCty Đường sông Miền Nam, TCy Xây dựng đường thuỷ, Cty vận tải đa phương thức, Cty vận tải và xếp dỡ đường thuỷ nội địa. Năm 2009, CPH Cienco4, 6, 8, TCty Vận tải thuỷ, TCty Công nghiệp ôtô VN, Cty vận tải và xây dựng. Hiện bộ đang tích cực tiến hành CPH, song tiến độ chưa đúng như kế hoạch.

– Được biết, quan điểm của Bộ GTVT là kiên quyết xử lý dứt điểm các đơn vị thua lỗ kéo dài. Đề nghị Thứ trưởng cho biết cụ thể bao nhiêu DN sẽ phải phá sản?

– 5 DN thực hiện phá sản là Cty XDCTGT506 (Cienco 5), Cty công trình 86, Cty tư vấn xây dựng công trình thuỷ 1, Cty công trình 5, Cty công trình đường thuỷ Miền Nam thuộc TCty Xây dựng đường thuỷ. Đây là những DN thua lỗ kéo dài, bộ kiên quyết cho phá sản.

Xem Thêm  Hạn chế cư trú ở nội đô Hà Nội: Ba phương án

– Trong quá trình sắp xếp, giải quyết nợ đọng cũng như các DN thua lỗ, những vướng mắc nào khó giải quyết nhất?

– Khó khăn nhất là tiến độ CPH yêu cầu quá gấp, tập trung chủ yếu vào năm 2007-2009, trong khi các đơn vị thực hiện CPH còn tồn tại về tài chính cần phải xử lý. Mặt khác, việc CPH toàn bộ TCty Bộ GTVT chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra cơ chế chính sách, thông tư hướng dẫn về CPH ban hành chậm, ảnh hưởng tới tiến trình CPH các DN của bộ.

Đơn cử, ngày 26.6.2007, Chính phủ ban hành NĐ số 109/2007/NĐ-CP về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành Cty cổ phần, song phải đến ngày 6.12.2007 – tức là gần một năm rưỡi sau – Bộ Tài chính mới ban hành thông tư 146/2007/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện NĐ trên.

Ngoài ra, các đơn vị XDGT chuyển đổi từ quá trình thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch chập chững bước sang cơ chế thị trường nên đã bỏ thầu giá thấp, nhận công trình không rõ nguồn vốn nên rơi vào thua lỗ, bị nợ chậm trả hàng năm – bảy năm.

Hiện “con nợ” lớn nhất của các DN XDGT phần lớn là vốn ngân sách nhà nước. Trong khi vốn chậm thanh toán, DN phải vay lãi ngân hàng nên lãi mẹ đẻ lãi con. Một năm chậm thanh toán là mất đi 10% lãi, chưa kể lạm phát các loại vật liệu tăng giá trong khi việc điều chỉnh lại quá chậm, đẩy DN vào nợ đọng thua lỗ triền miên.

Thực chất nguyên nhân gây thua lỗ ở các DN một phần, song nguyên nhân khách quan cũng không ít. Chính những vấn đề này gây khó khăn cho bộ trong quá trình CPH DN.

– Hướng xử lý các nút thắt này của bộ ra sao?

– Bộ đã yêu cầu các TCty, Cty nhà nước thuộc bộ tiếp tục chấn chỉnh, tổ chức và kiện toàn lại công tác quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, tăng cường kỷ luật tài chính, chấm dứt tình trạng bỏ thầu giá thấp, khắc phục và chấm dứt tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả.

Phải nắm rõ nguồn vốn của các dự án trước khi tham gia đấu thấu và ký kết các hợp đồng kinh tế. Mặt khác, thông qua Cty mua bán nợ để xử lý dứt điểm các khoản công nợ theo quy định.

Ngoài ra, để các DN thuộc bộ – đặc biệt là các TCty xây dựng công trình giao thông – vượt qua những khó khăn, tiếp tục phát triển – bởi thực tế đây là lực lượng “xương sống” trong sự nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông của đất nước, bộ đề nghị các chủ đầu tư, các địa phương phối hợp tích cực giải quyết công nợ cho DN.

Bộ cũng đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng những cơ chế đặc thù hợp lý hợp tình, tạo cho DN một lối thoát khả thi. Các bộ, ngành liên quan – nhất là Bộ Tài chính – quan tâm, đẩy mạnh tiến độ giải quyết những vấn đề tồn tại về tài chính, công nợ của các DN.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn