Tin Tức

Khống để lạm phát ảnh hưởng tới tăng trưởng

Rate this post

Hai nhà báo thực hiện phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Amy Kazmin – phóng viên khu vực Đ.N.Á và Victor Mallet – BTV Châu Á Thời báo Tài chính Anh. Lao Động xin trích đăng bài trả lời phỏng vấn:

Có thể thấy là ông rất tự tin về tổng thể nền kinh tế VN, cho dù kinh tế Mỹ suy thoái. Ông có nghĩ là VN có thể vừa tiếp tục tăng trưởng cao, vừa kiểm soát lạm phát?

– Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẽ giữ tăng trưởng kinh tế 8-9% bằng chiến lược đa dạng hoá và mở rộng thị trường XK. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ khuyến khích đầu tư trong nước. Chúng tôi đã và đang khuyến khích đầu tư mạnh từ tất cả các ngành kinh tế. Năm 2007, vốn FDI giải ngân được là 8 tỉ USD và là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế VN…

Đa dạng hoá thương mại, tăng đầu tư nội địa, đó là các chính sách thúc đẩy tăng trưởng mạnh. Làm thế nào để có thể kiểm soát lạm phát cùng lúc với duy trì tất cả các chính sách thúc đẩy tăng trưởng?

– Chúng tôi rất quan tâm đến kiểm soát lạm phát. Chính phủ của chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 8-9%, nhưng kết hợp với kiểm soát lạm phát. Chúng tôi không để lạm phát cao ảnh hưởng tới tăng trưởng và phát triển.

Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn vào bức tranh tổng thể thế giới với sự suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nhiên liệu thô tăng, sự mất giá đồng USD và sự dao động của các đồng tiền mạnh khác trên thế giới, cũng như các thảm hoạ tự nhiên, dịch bệnh và giá dầu thô cao… Tất cả những yếu tố này đã ảnh hưởng lớn tới VN và đẩy giá thực phẩm tăng cao ở VN. Đó là những lý do bên ngoài dẫn tới lạm phát cao và đang ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế VN.

Tuy nhiên, từ phía chủ quan, trong năm 2007 chúng tôi đã có những thiếu sót trong việc quản lý chính sách tiền tệ ở VN. Chúng tôi đã tăng tín dụng quá nhanh… Các ngân hàng ở VN muốn đạt tăng trưởng cao hơn, nên đã nâng mức tăng trưởng tín dụng và tăng các khoản cho vay đối với doanh nghiệp và khu vực tư nhân. 

Việc khống chế sự tăng trưởng tín dụng nóng như vậy liệu có gây ra cú sốc cho hệ thống không?

– Có. Để kiểm soát lạm phát, chúng tôi giảm tăng trưởng tín dụng và cung tiền bằng cách nâng lãi suất cho vay. Trong vài tuần qua, điều đó cũng đã ảnh hưởng tới đầu tư và phát triển của các công ty tại VN. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là việc làm đúng… Nó giúp loại bỏ các dự án kém hiệu quả và tăng cường hiệu quả của các doanh nghiệp. Các biện pháp này không ảnh hưởng tới các dự án có hiệu quả. Đối với thị trường chứng khoán và bất động sản, chúng tôi sẽ tiếp tục cho vay để khuyến khích sự phát triển lành mạnh của các thị trường này.

Ngài nói rằng VN đang khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh. Liệu các biện pháp trên sẽ gây chệch hướng?

– VN là một nền kinh tế thị trường, do đó các ngân hàng ở VN hoạt động theo nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường và không có sự can thiệp của chính phủ đối với các khoản cho vay hoặc hoạt động vay tiền… Gần đây, chúng tôi thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất. Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục các dự án hiệu quả của họ và để loại bỏ mọi dự án không hiệu quả. 

Nếu ngài cho phép, tôi muốn chuyển sang các vấn đề chính trị. Ngài có nghĩ cần phải dân chủ hóa hơn nữa để Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế? Nếu vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ có thể sẵn sàng tiến hành những loại cải cách nào?

Trước khi trả lời câu hỏi của các bạn, tôi muốn nói thêm một điều… Chúng tôi đã nỗ lực kiểm soát lạm phát trong năm nay, nhằm đưa nó xuống mức thấp hơn năm 2007.

Giữ lạm phát ở mức thấp hơn mức 2007?

Tôi muốn nói là ở mức dưới 12%.

Giờ tôi muốn chuyển sang các vấn đề chính trị. Như các bạn biết đấy, Việt Nam đang trong tiến trình cải cách toàn diện… nhằm xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Xem Thêm  Thịt “bẩn” vẫn ồ ạt vào Việt Nam

Trong 22 năm qua, GDP của chúng tôi đã tăng trưởng 7,5-8% mỗi năm. Chúng tôi đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường và chúng tôi đã thành công trong việc hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Thành công nhất đối với Việt Nam là trở thành thành viên của WTO và việc Việt Nam ký kết một loạt hiệp định hợp tác thương mại song phương với hầu hết các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong quá khứ, chúng tôi đã theo đuổi mô hình kinh tế của Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau 20 năm cải cách, chúng tôi đã đạt được sự tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục…

Phúc lợi xã hội đã đến được với người nghèo và người nghèo được hưởng lợi từ sự phát triển. Tỷ lệ đói nghèo trong dân số đã giảm từ 60% trong năm 1993 xuống 14% và Việt Nam cũng đã đạt được hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, thậm chí trước thời hạn.

Chúng tôi đã đạt được sự ổn định về chính trị và xã hội… Nhân dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Các cuộc cải cách chính trị đã được tiến hành cùng với cải cách kinh tế và xã hội.

Và chúng tôi đã biến Việt Nam thành một quốc gia pháp quyền và một quốc gia của dân, do dân và vì dân. Quyền tối cao thuộc về nhân dân chúng tôi. Chẳng hạn, Quốc hội Việt Nam đại diện cho tiếng nói và quyền lực của nhân dân Việt Nam.

…Tóm lại, đổi mới chính trị ở Việt Nam đã được tiến hành liên tục trong những năm qua, cùng với đổi mới kinh tế, xã hội và văn hóa, trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam luôn nhất trí với đường lối và chính sách của đội ngũ lãnh đạo của chúng tôi và 87 triệu dân Việt Nam đồng lòng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.

Tôi muốn hỏi ngài một câu hỏi cá nhân… Khi ngài nhìn lại tuổi trẻ, ngài có bao giờ nghĩ ngài sẽ trở thành Thủ tướng của một nước Việt Nam thống nhất? Khi ngài nghỉ hưu, ngài mong đợi đạt được điều gì khi làm Thủ tướng của Việt Nam?

Tôi gia nhập quân ngũ năm 1961 và ở trong quân ngũ cho tới năm 1984. Tôi cũng là một chiến sĩ ở chiến trường miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi ra trận để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Tôi cũng tham gia các chiến dịch giúp nhân dân Campuchia loại bỏ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Khi ở trong quân ngũ, tôi đã bị thương bốn lần. Trên thân thể tôi có hơn 30 vết thương và tôi được xếp hạng thương binh loại hai. Điều đó có nghĩa là tôi đã mất hơn 60% khả năng làm việc.

Dường như giờ ngài khỏe hơn nhiều!

Tôi nói về vấn đề này bởi muốn giải thích với các bạn rằng vào thời điểm đó tôi không thể tưởng tượng rằng có thể sống sót hoặc tôi có thể giúp bạn bè Campuchia của chúng tôi loại bỏ chế độ Khmer Đỏ. Và vào thời điểm đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ là Thủ tướng của Việt Nam…

… Là Thủ tướng, trong suốt nhiệm kỳ, cùng với các thành viên của nội các, tôi sẽ làm những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế cao cho Việt Nam, từ 8 tới 9% mỗi năm trong những năm tiếp theo.

Thứ hai, tập trung vào việc cải thiện tiêu chuẩn sống của người dân và cải thiện phúc lợi xã hội, đặc biệt là các hệ thống giáo dục và chăm sóc y tế. Chúng tôi sẽ giảm tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam xuống dưới mức 10%.

Thứ ba, xây dựng Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ mạnh để ngăn chặn và loại bỏ tham nhũng.

Thứ tư, giữ vững ổn định chính trị, cùng với dân chủ cho tất cả mọi người. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tập trung vào nhiệm vụ duy trì quốc phòng và an ninh.

Thứ năm, Việt Nam sẽ là một nền kinh tế thị trường với sự hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam sẽ là một người bạn và đối tác đáng tin cậy với mọi quốc gia và dân tộc trên thế giới, nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Đây là những nhiệm vụ mà tôi và các thành viên trong nội các của tôi sẽ làm và cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ này. Tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể hoành thành những nhiệm vụ đó.

Đây là những trách nhiệm rất nặng nề. Tôi tự hỏi điều gì khiến ngài thức giấc vào ban đêm, lạm phát hay cúm gia cầm…?

Với vai trò là Thủ tướng, tôi biết đây là một nhiệm vụ nặng nề song tôi tin chúng tôi có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi cũng không quá lạc quan song tôi tin rằng Việt Nam có một tương lai tươi sáng.

Thủ tục pháp luật

Related Articles

Back to top button
Luật sư tư vấn