Không chấp nhận “liệu pháp sốc”
Đề xuất tăng giá thancho điện theo giá thị trường đang gây những phản ứng trái chiều từ phía Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và nếu mức giá than cho điện tăng quá cao theo đề xuất của Tập đoàn CN Than – Khoáng sản VN (TKV), thì giá điện năm 2010 chắc chắn sẽ tăng đột biến, “gây sốc” đến nền kinh tế và đời sống người dân.
|
Mỗi năm phải bù lỗ 4.000 – 5.000 tỉ đồng giá than cho nhiệt điện. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, cho đến nay, cụ thể thời điểm nào than tăng giá vẫn còn là ẩn số.
Than “chờ” điện
Cho đến nay, chỉ còn giá than bán cho điện là còn cơ chế bao cấp về giá. Tại công văn 244/TB-VPCP, ngày 11.8.2009 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước, Thủ tướng yêu cầu: “Đối với than bán cho điện, giá than bán cho điện cần tính toán cụ thể để bảo đảm đến năm 2010 thực hiện theo cơ chế giá thị trường; ngân sách nhà nước thực hiện cơ chế hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn khi thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. Thủ tướng giao các bộ: Tài chính, Công Thương chủ động tính toán giá than bán cho điện theo nguyên tắc nêu trên; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ các đối tượng khó khăn khi thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường”.
Như vậy, bước sang năm 2010, thời điểm để tính toán cụ thể sẽ do các bộ bàn bạc, trình Thủ tướng ấn định, song giá than về cơ bản sẽ theo giá thị trường đối với các hộ tiêu thụ trong nước. Giá thị trường ở đây cũng được Chính phủ xác định cơ chế là “đảm bảo giá xuất khẩu (XK) và giá bán ở thị trường trong nước chênh lệch ở mức phù hợp để thúc đẩy sử dụng tiết kiệm than, đổi mới công nghệ và ngăn chặn việc gian lận, buôn lậu than”. Căn cứ vào chỉ đạo này của Chính phủ, TKV đã gửi đề xuất tăng giá than từ 1.1.2010 đến các bộ: Tài chính, Công Thương và EVN.
|
Cụ thể thời điểm nào than tăng giá vẫn còn là ẩn số. |
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nếu giá than thực hiện theo giá thị trường thì giá điện cũng phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, nghĩa là được tự động điều chỉnh các thông số đầu vào.
Ông Đinh Quang Tri – Phó TGĐ EVN – cho biết: Ngành điện đã dự trù 4 phương án tăng giá điện từ năm 2010 theo 4 mức tăng giá than. Nhưng với mức giá than tăng đột biến tới 137% và 149%, thì giá điện sẽ phải tăng tới 17%, là mức quá cao, sẽ gây sốc nền kinh tế.
Theo kế hoạch sản xuất điện năm 2010 của EVN, nhiệt điện than sẽ chiếm một sản lượng là 12.144 triệu kWh – bằng 19% tổng sản lượng điện sản xuất. Tương ứng của sản lượng điện này, lượng than TKV cam kết cung ứng cho điện năm 2010 là 11,5 triệu tấn (tăng thêm 4,2 triệu tấn so với năm 2009), riêng EVN tiêu thụ 8,5 triệu tấn. Nếu áp dụng mức giá than mới thì chi phí tiền than cho sản xuất điện của EVN năm 2010 sẽ đội lên tới 4.200 tỉ đồng”.
Một vấn đề nữa đặt ra là điện chưa đủ điều kiện để theo thị trường như than. Trong một văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Cục Điều tiết điện lực – đơn vị được Bộ Công Thương giao thẩm định các vấn đề liên quan đến giá điện – lại cho rằng: “Cho đến nay, giá điện vẫn chưa được phê duyệt cơ chế để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán lẻ theo các yếu tố đầu vào và thị trường phát điện cạnh tranh chưa hoạt động. Hiện cục đang tiến hành nghiên cứu để trình Chính phủ quy định dưới dạng nghị định cho phép giá điện được điều chỉnh theo các thông số đầu vào. Vì thế sớm nhất, việc điều chỉnh giá điện theo thị trường phải từ năm 2011 trở đi”.
Không chấp nhận “liệu pháp sốc”
Trong khi EVN đang chưa biết tính toán ra sao với tốc độ tăng giá phi mã của nguyên liệu đầu vào chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành là than, thì các bộ dường như vẫn mặc doanh nghiệp tự xoay xở. Không phải ngẫu nhiên mà giá than cho điện lại được Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ, bởi điện là đầu vào của mọi ngành sản xuất, liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Mỗi lần tăng giá điện trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, là một lần Chính phủ hết sức cân nhắc, để tránh cho nền kinh tế những cú sốc mạnh. Tuy nhiên, điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường là chủ trương của Chính phủ, song vẫn có điều tiết.
|
Tuyển than tại mỏ than Cửa Ông (Quảng Ninh). |
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng: Chỉ đạo của Chính phủ đã rõ, giá than sẽ theo thị trường khi giá điện thực hiện theo giá thị trường. Chính phủ sẽ không tiếp tục bao cấp giá điện, nhưng ngân sách nhà nước sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn khi thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. Vì vậy, không ai khác chính EVN phải đưa ra cơ chế, tính toán các thông số đầu vào để đảm bảo giá điện phản ánh đúng chi phí và có lãi để tái đầu tư; đồng thời có cơ chế công ích cho những đối tượng chính sách”.
Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết: Đối với các nước có thị trường than, giá than sẽ do thị trường quyết định. Nhưng ở VN, TKV là đơn vị độc quyền cung cấp thì giá than cần do Chính phủ quy định nhằm thực hiện chính sách giá năng lượng của Chính phủ. Để tránh gây sốc, cục đề xuất giá than cho điện cần được tính toán trên cơ sở giá thành sản xuất than trong nước cộng thêm lợi nhuận hợp lý cho ngành than, tương ứng với mức lợi nhuận định mức của ngành điện (5%).
Theo văn bản vừa được gửi EVN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương mới đây, 4 loại than bán cho sản xuất điện được Tập đoàn TKV đưa ra các mức giá mới rất cao. Cụ thể, than cám 4b giá là 1,1 triệu đồng/tấn, tăng 149% so với giá hiện hành. Than cám 5 giá là 960.000 đồng/tấn, tăng tới 137% so với giá hiện hành. Tuy nhiên, hai loại này vẫn đảm bảo thấp hơn 10% với giá than xuất khẩu cùng chủng loại. Than cám 6a là 830.000 đồng/tấn và than cám 6b là 690.000 đồng/tấn. Hai loại than này có giá bằng 88% giá xuất khẩu. |
Thủ tục pháp luật