Khóc cười chuyện thi hành án
“Vô phúc đáo tụng đình”, theo hầu tòa đã gian nan, mệt mỏi, thắng kiện rồi đương sự cũng chưa chắc đòi được quyền lợi cho mình. Thực tế, rất nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay vì khâu thi hành án dân sự bế tắc.
Có những trường hợp đương sự sau khi thua kiện đã khăng khăng không chịu thi hành án. Dù phải đối mặt với sự xử lý của cơ quan chức năng, thậm chí có nguy cơ bị khởi tố về tội không chấp hành án, họ vẫn không chờn.
Chống đối đến cùng
Trước đây, ông B. bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phải chia tài sản thừa kế (một căn nhà cùng một số tài sản) cho hai người cháu. Để cản trở thi hành án, ông B. công nhiên tháo dỡ căn nhà đã được kê biên, xây dựng trái phép một căn nhà ba tầng kiên cố ngay trên mảnh đất đó. Thuyết phục mãi không được, “dọa” không xong, cơ quan thi hành án đành phải chuyển hồ sơ sang công an đề nghị khởi tố ông B.
Vụ khác, tháng 2-2009, một công ty tiến hành đại hội cổ đông bất thường bãi nhiệm chức vụ tổng giám đốc của ông T. Phản đối, ông T. không chịu bàn giao con dấu, giấy tờ liên quan cho người kế nhiệm. Tháng 5-2009, TAND TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông T. phải bàn giao lại con dấu, hồ sơ pháp lý của công ty cho người kế nhiệm. Cục Thi hành án dân sự TP nhiều lần áp dụng các biện pháp cưỡng chế, xử phạt hành chính… nhưng ông T. vẫn cương quyết không thực hiện quyết định của tòa. Buộc lòng, Cục Thi hành án phải chuyển hồ sơ đề nghị công an khởi tố.
Ðo đạc chuẩn bị thi hành án một phần căn nhà. Ảnh minh họa: HTD
Tuyên án mơ hồ, oái oăm
Không chỉ vì đương sự chống đối hay tẩu tán tài sản, việc thi hành án còn bế tắc do tòa tuyên án chung chung hoặc bất hợp lý.
Năm 1996, vợ chồng bà T. ra tòa xin ly hôn, chia tài sản chung. Cả TAND quận 3 và TAND TP.HCM đều buộc ông H. giao cho bà T. “nửa miếng đất ấp ba xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với diện tích 5 x 45 m”. Vấn đề là các bản án lại không hề chỉ ra địa chỉ cụ thể, vị trí chính xác của miếng đất đó ở đâu nên 13 năm nay việc thi hành án vẫn chưa thể thực hiện được.
Năm 2007, TAND tỉnh Dăk Lăk ra quyết định công nhận sự thỏa thuận thành là ông H. đồng ý trả cho ông N. 2,4 tỉ đồng. Ông H. đổi ý, kháng cáo. Tháng 2-2008, ông H. qua đời. 20 ngày sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng vẫn đưa vụ án ra giải quyết với lý do ông H. còn người thừa kế tài sản. Điều cần nhất là chỉ rõ người thừa kế nào có trách nhiệm trả nợ thay cho ông H. thì tòa lại không nhắc tới. Sau đó, tòa bác kháng cáo và buộc… ông H. đóng án phí như với một người còn sống.
Cơ quan thi hành án tỉnh Dăk Lăk đề nghị tòa phúc thẩm giải thích nhưng không được hồi âm. Cơ quan thi hành án gửi văn bản đến chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm cũng không được phúc đáp.
Thi hành án tùy tiện
Năm 2000, bà X. bị TAND huyện Nhà Bè tuyên phải trả nợ tổng cộng gần 235 triệu đồng cho sáu người, trong đó có ba khoản nợ trả góp hằng tháng và ba khoản nợ trả dứt điểm một lần.
Bà X. gom được 124 triệu đồng nộp cho cơ quan Thi hành án huyện Nhà Bè để trả cho ba chủ nợ mà tòa buộc bà trả nợ dứt điểm một lần. Không hiểu sao cơ quan thi hành án lại đem tiền giao cho một chủ nợ mà bà X. chỉ phải trả góp hằng tháng. Số tiền còn lại cơ quan thi hành án đem giao cho chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một chủ nợ khác nhưng không hề được nhắc đến trong bản án của tòa.
Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, bà X. lại bị cơ quan thi hành án kê biên, bán đấu giá nhà để… lấy tiền trả cho ba chủ nợ được tòa tuyên trả dứt điểm một lần. “Tức nước vỡ bờ”, khi cơ quan thi hành án cưỡng chế buộc giao nhà cho người trúng đấu giá, bà X. dọa tự thiêu để chống đối thì bị khởi tố về tội không chấp hành án.
Can thiệp trái luật
Một nguyên nhân nữa khiến việc thi hành án gặp trở ngại là sự can thiệp trái pháp luật từ những cơ quan hoặc người có quyền lực.
Trước đây, sau khi một bản án của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hiệu lực pháp luật, bà NTHX, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh này, đã hai lần ra văn bản yêu cầu tạm ngưng việc thi hành án.
Nội dung văn bản thứ nhất gửi UBND thị xã Bà Rịa cho rằng “bản án phúc thẩm chưa thực sự khách quan” nên “để vụ việc không phức tạp thêm, thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND thị xã ngưng thi hành quyết định trên để chờ kết quả xác minh, điều tra của công an tỉnh”. Đáp lại, UBND thị xã nêu rõ rằng vụ việc không có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nên “việc HĐND đề nghị tạm ngưng việc thi hành án là không có cơ sở”.
Không dừng lại, bà X. tiếp tục ký văn bản thứ hai với nội dung phía bị đơn “đưa ra được tình tiết mới”, “có oan sai” và yêu cầu UBND thị xã dừng việc thi hành án. Lần này thì UBND thị xã Bà Rịa đành chịu thua, tạm ngưng việc thi hành án để chờ chỉ đạo của HĐND tỉnh…
Biết bất hợp lý vẫn không sửa Năm 1995, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng y án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định, tuyên tịch thu sung công chiếc ghe máy của bị cáo Đ. Ngặt một nỗi bị cáo đã bán chiếc ghe này từ trước nên cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định phải có văn bản đề nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Năm 1998, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã đưa vụ án ra xử giám đốc thẩm. Những tưởng điều bất hợp lý sẽ được sửa lại. Nhưng không, TAND Tối cao vẫn tuyên giữ nguyên bản án của TAND tỉnh Bình Định với nội dung… tịch thu sung công chiếc ghe máy. Từ đó đến nay, việc thi hành án phần chiếc ghe này đã bế tắc hoàn toàn! |
Trả toàn tiền xu Ông H. thua kiện, có nghĩa vụ phải trả nợ hơn 16 triệu đồng. Thay vì nộp tiền bình thường như những người khác, ông nghĩ ra “độc chiêu” là… bỏ công bỏ sức đi đổi 16 triệu đồng ra toàn tiền xu mệnh giá 200 và 500 đồng, trộn lẫn vào nhau rồi mang nộp cho cơ quan thi hành án.
Tiền xu đem nộp cho cơ quan thi hành án. Ảnh: Thanh Tùng Cơ quan Thi hành án quận Phú Nhuận (TP.HCM) phải cầu cứu một ngân hàng gần đó đếm giúp. Dù có nghiệp vụ cộng với sự hỗ trợ của máy móc, các nhân viên ngân hàng cũng phải mất hơn một ngày mới đếm tiền xong. Chấp hành viên thụ lý vụ việc ngao ngán: “13 năm làm nghề, tôi chưa từng gặp một người nào… ẩm ương như đương sự này cả”. Nhờ đồng nghiệp giúp Ông N. bị TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tuyên buộc phải trả nợ cho bà D. 20 triệu đồng. Dù đã dùng nhiều biện pháp, cơ quan thi hành án vẫn bó tay trước sự trốn tránh của ông N. Khi ông N. được công ty của mình bố trí cho nghỉ việc, cho hưởng trợ cấp hơn 52 triệu đồng, cơ quan thi hành án liên hệ với công ty thì phía công ty nói đã chuyển vào tài khoản ngân hàng mang tên ông N. Cơ quan thi hành án lập tức có văn bản đề nghị phía ngân hàng phong tỏa tài khoản của ông N. thì ngân hàng cho biết tài khoản mang tên ông N. còn dư không quá… 250.000 đồng. Xác minh lại, té ra là cán bộ phòng Tài vụ của công ty ông N. đã gửi tiền cho ông N. vào một tài khoản khác rồi cố tình cung cấp thông tin sai lệch cho cơ quan thi hành án. Nhờ chủ tịch huyện “thư tay” Năm 1998, Công ty TB khởi kiện Hợp tác xã CĐ ra tòa đòi nợ. TAND TP Hà Nội đã buộc Hợp tác xã CĐ phải trả cho Công ty TB hơn 884 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Cơ quan thi hành án dân sự đã có văn bản yêu cầu một ngân hàng niêm phong tài khoản của Hợp tác xã CĐ nhưng sau đó hợp tác xã vẫn dễ dàng rút được tiền trong tài khoản. Xác minh lại, cơ quan thi hành án chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán bởi hợp tác xã có thể ung dung rút được tiền từ tài khoản đã bị phong tỏa là nhờ một… bức thư tay của chủ tịch huyện Đông Anh thời đó. |
Thủ tục pháp luật